Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 10/2015/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về sản xuất ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao và siêu cao để cung cấp đến người sử dụng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Chương II

YÊU CẦU KỸ THUẬT VỀ SẢN XUẤT ẢNH VIỄN THÁM

Điều 6. Thu thập dữ liệu

Dữ liệu cần thu thập phục vụ công việc sản xuất ảnh viễn thám gồm:

1. Dữ liệu ảnh viễn thám.

2. Dữ liệu bản đồ.

3. Dữ liệu điểm khống chế ảnh.

4. Mô hình số độ cao.

5. Thiết kế kỹ thuật dự án và các tài liệu kỹ thuật khác có liên quan.

Điều 7. Yêu cầu đối với dữ liệu ảnh viễn thám

Dữ liệu ảnh viễn thám phải đảm bảo các tham số kỹ thuật của ảnh viễn thám, quỹ đạo của vệ tinh.

1. Dữ liệu viễn thám mức 0 phải đảm bảo về chất lượng trong quá trình thu nhận và xử lý tín hiệu, không bị lỗi tín hiệu hay bị đứt đoạn.

2. Dữ liệu viễn thám mức 0 phải được đánh giá sơ bộ về độ che phủ mây dưới dạng ảnh xem nhanh. Việc đánh giá độ che phủ mây được chia thành các mức và ký hiệu bằng các chữ cái:

a) Mức A: Ảnh viễn thám có độ che phủ mây dưới 10%;

b) Mức B: Ảnh viễn thám có độ che phủ mây từ 10 - 25%;

c) Mức C: Ảnh viễn thám có độ che phủ mây từ 25% trở lên;

Ảnh viễn thám được chọn làm dữ liệu đầu vào là ảnh có độ che phủ mây phù hợp với yêu cầu đặt ra của người sử dụng.

Điều 8. Yêu cầu đối với dữ liệu bản đồ

Bản đồ dùng để xác định điểm khống chế ảnh phải là bản đồ địa hình quốc gia dạng số ở tỷ lệ lớn hơn bình đồ ảnh viễn thám cần thành lập.

Điều 9: Yêu cầu về điểm khống chế ảnh

1. Quy định chọn điểm khống chế ảnh:

Địa vật được chọn làm điểm khống chế ảnh phải là những địa vật rõ nét cả trên ảnh viễn thám và trên bản đồ, không bị sai dáng do quá trình tổng quát hóa bản đồ hoặc bị xê dịch vị trí do kích thước ký hiệu lớn, đồng thời phải có khả năng nội suy được độ cao. Sai số nhận biết và chích điểm khống chế được chọn trên bản đồ không vượt quá ±0,1 mm.

a) Tại chỗ giao nhau giữa các địa vật hoặc mép địa vật hình tuyến (đường giao thông, đê, đập, kênh, rạch) với góc giao nhau trong khoảng 30° đến 150°;

b) Tại các điểm đặc trưng của các địa vật độc lập (cầu, cống, góc nhà);

c) Các điểm khống chế ảnh phải được chọn, chích trên ảnh viễn thám in ra từ ảnh gốc.

2. Số lượng, cách bố trí điểm khống chế ảnh:

a) Các điểm khống chế ảnh phải khống chế được toàn bộ các cảnh ảnh trong khu vực. Số lượng điểm khống chế ảnh tối thiểu là 12 điểm/ 01 cảnh ảnh được bố trí phân bố đều trong mỗi cảnh ảnh viễn thám. Trong khối ảnh viễn thám cần phải có ít nhất 2 điểm khống chế nằm trong khu vực gối phủ giữa 2 cảnh ảnh;

b) Mỗi cảnh ảnh phải có ít nhất 2 điểm kiểm tra, được bố trí tại các vị trí nằm xen giữa các điểm khống chế ảnh;

c) Tọa độ của các điểm khống chế ảnh được xác định trên bản đồ số bằng công cụ khai thác thông tin của phần mềm xử lý ảnh, bản đồ số hoặc của GIS;

Sơ đồ thiết kế đồ hình bố trí điểm khống chế ảnh được quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Yêu cầu đối với mô hình số độ cao

Sử dụng mô hình số độ cao để nắn ảnh viễn thám trong trường hợp độ xê dịch vị trí điểm ảnh do chênh cao địa hình gây ra ³ 0,3 mm theo tỷ lệ bình đồ ảnh viễn thám. Trường hợp ngược lại thì dùng mặt phẳng trung bình của cả khu vực để nắn ảnh.

Sai số cho phép của mô hình số độ cao dùng để nắn ảnh viễn thám được quy định tại bảng 1 và bảng 2 Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 10/2015/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về sản xuất ảnh viễn thám quang học độ phân giải cao và siêu cao để cung cấp đến người sử dụng do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 10/2015/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/03/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thái Lai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 519 đến số 520
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH