Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 07/2010/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương 2.

QUY ĐỊNH VỀ TẢI TRỌNG, KHỔ GIỚI HẠN CỦA ĐƯỜNG BỘ; CÔNG BỐ TẢI TRỌNG, KHỔ GIỚI HẠN CỦA QUỐC LỘ

Điều 4. Tải trọng của đường bộ

1. Tải trọng của đường bộ là khả năng chịu tải khai thác của cầu và đường để đảm bảo tuổi thọ công trình theo thiết kế.

2. Khả năng chịu tải khai thác của cầu được xác định theo hồ sơ thiết kế cầu và tình trạng kỹ thuật thực tế của cầu, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng xe”.

3. Khả năng chịu tải khai thác của đường được xác định theo hồ sơ thiết kế mặt đường và tình trạng kỹ thuật thực tế của đường, được cơ quan có thẩm quyền công bố hoặc được thể hiện bằng biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng trên trục xe”.

Điều 5. Khổ giới hạn của đường bộ

1. Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe, đi qua được an toàn.

2. Khổ giới hạn về chiều cao của đường bộ là 4,75 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, II, III; 4,5 mét đối với đường cấp IV trở xuống;

3. Khổ giới hạn về chiều rộng của đường bộ là giới hạn chiều rộng làn xe, phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường.

Điều 6. Công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ

1. Công bố tải trọng trên một số tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới đồng bộ với tải trọng thiết kế mặt đường đối với xe tải trọng trục đơn quy ước là 10 tấn/trục, tải trọng thiết kế cầu là tải trọng đoàn xe mô phỏng theo sơ đồ tải trọng H30-XB80 hoặc tải trọng HL93 tại Phụ lục 1a kèm theo Thông tư này.

2. Công bố khổ giới hạn của quốc lộ theo cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường tại Phụ lục 1b kèm theo Thông tư này, đối với một số tuyến, đoạn tuyến quốc lộ tại Phụ lục 1a.

3. Các cầu trên tuyến, đoạn tuyến quốc lộ công bố tại Phụ lục 1a chưa được cải tạo nâng cấp đồng bộ về tải trọng, khổ giới hạn phù hợp với tải trọng, khổ giới hạn công bố tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cơ quan quản lý đường bộ phải tổ chức đặt biển báo hiệu giới hạn tải trọng, khổ giới hạn thực tế của cầu.

Điều 7. Điều chỉnh công bố tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ

Hàng năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chịu trách nhiệm cập nhật các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hoặc tuyến, đoạn tuyến quốc lộ bị xuống cấp do mặt đường hư hỏng hoặc tình trạng kỹ thuật của công trình trên quốc lộ không đảm bảo để công bố bổ sung hoặc điều chỉnh tải trọng, khổ giới hạn của quốc lộ đã công bố tại khoản 1 và khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.

Điều 8. Lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

1. Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thỏa mãn điều kiện về tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ đã công bố và các quy định về giới hạn xếp hàng hóa tại Điều 16, Điều 17 và Điều 18 của Thông tư này được lưu hành trên các tuyến, đoạn tuyến quốc lộ quy định tại Phụ lục 1a.

Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi lưu hành qua cầu có biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng xe”, khổ giới hạn thực tế của cầu theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này phải tuân thủ biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng xe”, khổ giới hạn của cầu, tốc độ và khoảng cách an toàn giữa các phương tiện khi qua cầu.

2. Trên các tuyến, đoạn tuyến đường bộ khác ngoài danh mục được công bố tại Phụ lục 1a, chủ phương tiện, người thuê vận tải, người lái xe phải tuân thủ quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố hoặc biển báo hiệu “hạn chế trọng lượng xe”, khổ giới hạn cho phép của đường bộ, tốc độ, khoảng cách của các phương tiện khi lưu hành trên đường bộ và các quy định về giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

3. Trường hợp bắt buộc phải vận chuyển hàng không thể tháo rời hoặc lưu hành phương tiện có tổng trọng lượng, kích thước vượt quá tải trọng hoặc khổ giới hạn của đường bộ, chủ phương tiện, người thuê vận tải hoặc người lái xe phải đề nghị cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp giấy phép lưu hành xe trước khi đưa phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Thông tư 07/2010/TT-BGTVT quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 07/2010/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/02/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 113 đến số 114
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH