Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 04/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương III

CHỐNG DỊCH

Điều 10. Khai báo và xử lý đối với ổ dịch đầu tiên

1. Chủ vật nuôi khi phát hiện lợn có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn như: sốt cao, bỏ ăn hoặc ăn ít, mắt có ghèn, vùng da mỏng xuất huyết lấm chấm như muỗi đốt thì phải khai báo ngay với cơ quan thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y xã hoặc trưởng thôn, ấp; đồng thời cách ly ngay lợn mắc bệnh ra khu vực khác.

2. Khi nhận được thông báo nghi có lợn mắc bệnh dịch tả lợn, cán bộ thú y cơ sở phải báo cáo ngay với Trạm thú y huyện bằng điện thoại, sau đó phải báo cáo bằng văn bản ghi rõ tên, địa chỉ chủ vật nuôi và các nội dung khác có liên quan gửi cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan thú y cấp trên trực tiếp.

3. Trạm Thú y huyện: trong vòng 24 giờ sau khi nhận được thông báo của cán bộ thú y cơ sở hoặc chủ vật nuôi, phải cử cán bộ đến kiểm tra, xác minh và hướng dẫn chủ vật nuôi các biện pháp cách ly lợn mắc bệnh, vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

4. Trạm Thú y huyện lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm đối với những con vật đầu tiên mắc bệnh trong phạm vi huyện, đồng thời báo ngay cho cơ quan thú y cấp trên. Kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản mẫu bệnh phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Cục Thú y.

5. Trong trường hợp cần thiết, Chi cục Thú y đề xuất với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện được ủy quyền ra quyết định tiêu hủy lợn trong ổ dịch mà không cần chờ kết quả xét nghiệm.

Điều 11. Chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dịch tả lợn:

1. Lấy mẫu chẩn đoán: Yêu cầu lấy bệnh phẩm thích hợp, gửi phòng thí nghiệm để chẩn đoán. Việc chẩn đoán phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời để giúp phòng, chống bệnh có hiệu quả. Phương pháp lấy mẫu bệnh phẩm được quy định như sau:

a) Đối với lợn chết: Lấy mẫu tổ chức là các hạch lâm ba, thận, phổi, lách, amidan, lách, .. Kích thước mẫu tổ chức là: 1 × 1 × 0.5 cm.

b) Đối với lợn ốm:

Trường hợp bệnh chưa được 8 ngày: Lấy máu có chất chống đông (heparine, EDTA) khi con vật sốt cao 41oC-42oC để xét nghiệm vi rút.

Trường hợp bệnh đã được trên 8 ngày (lợn chưa tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn): Máu đựng trong ống nghiệm khô hoặc xiranh chắt huyết thanh để xét nghiệm kháng thể kháng dịch tả lợn.

2. Bảo quản và gửi mẫu bệnh phẩm: Mẫu cần được gửi đến phòng thí nghiệm càng nhanh, càng tốt, chậm nhất là 03 ngày kể từ lúc lấy mẫu; mẫu được đựng trong lọ (dụng cụ chứa mẫu), bao gói, ghi chép thông tin mẫu, bảo quản ở nhiệt độ 4°C. Gửi mẫu kèm theo phiếu gửi mẫu ghi đầy đủ thông tin.

3. Xét nghiệm, chẩn đoán:

a) Chẩn đoán dựa theo quy luật dịch, tính chất dịch tễ, triệu chứng, bệnh tích, chẩn đoán bằng trị liệu, chẩn đoán phân biệt với một số bệnh thường gặp và có khả năng nhầm lẫn với dịch tả lợn như: Đóng dấu lợn, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Cúm lợn, Nhiệt thán ở lợn, Đậu lợn, Cảm nắng, Trúng độc, Suyễn…

b) Để xác định bệnh cần căn cứ vào kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trong phòng thí nghiệm. Một số phương pháp chẩn đoán trong phòng thí nghiệm như: soi kính hiển vi điện tử, tiêm động vật thí nghiệm, phản ứng trung hòa trên thỏ, chẩn đoán bằng kháng thể huỳnh quang, phản ứng kết tủa khuyếch tán trên thạch, phản ứng ngưng kết gián tiếp hồng cầu, ELISA, rRT-PCR.

Điều 12. Công bố dịch

1. Khi có đủ điều kiện công bố dịch theo quy định tại Điều 17 của Pháp lệnh Thú y thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố dịch đồng thời công bố vùng bị uy hiếp, vùng đệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định của pháp luật.

2. Phạm vi công bố dịch được quy định như sau:

a) Dịch xuất hiện trên địa bàn xã thì công bố xã có dịch;

b) Dịch xuất hiện ở 1/2 số xã trở lên thì công bố dịch toàn huyện;

c) Dịch xuất hiện ở 1/2 số huyện trở lên thì công bố dịch toàn tỉnh.

Điều 13. Các biện pháp chống dịch

1. Đối với các địa phương lần đầu tiên có dịch tả lợn xuất hiện:

a) Khoanh vùng dịch: xã có dịch được xác định là vùng dịch; các xã tiếp giáp với xã có dịch được xác định là vùng bị dịch uy hiếp;.

b) Chủ tịch UBND huyện huy động các lực lượng thú y, công an, quản lý thị trường và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan lập các trạm kiểm dịch, chốt kiểm dịch ở các trục giao thông chính xung quanh vùng có dịch và vùng bị dịch uy hiếp theo uỷ quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh;

c) Chủ tịch UBND cấp xã huy động các lực lượng thú y, công an, thanh niên xung kích, các tổ chức đoàn thể của địa phương tham gia chống dịch. Các biện pháp chống dịch cần tập trung vào những nội dung sau:

Giết mổ bắt buộc đối với lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn, bằng cách luộc chín thân thịt và tiêu hủy phủ tạng.

Cấm vận chuyển lợn mắc bệnh, sản phẩm chưa qua chế biến có nguồn gốc từ lợn, phân rác thải chăn nuôi ra khỏi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp trong thời gian có dịch.

Đặt biển báo nơi có dịch tả lợn và hạn chế người không liên quan ra, vào vùng dịch; tiêu độc, khử trùng mọi phương tiện ra khỏi vùng có dịch.

Tiến hành kiểm tra toàn bộ các cơ sở chăn nuôi trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp nhằm phát hiện các trường hợp lợn bị bệnh; trong vòng 1-3 ngày tại phạm vi xã có dịch và các xã liền kề xung quanh cần lập danh sách thống kê các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn và các hộ có lợn bị bệnh để giám sát.

Khẩn trương tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn cho toàn bộ đàn lợn trong vùng dịch.

2. Đối với các địa phương đã từng có dịch tả lợn lưu hành, địa phương có dịch tả lợn lây lan ra diện rộng:

a) Đối với những đàn lợn chăn nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học thì tiến hành giết mổ toàn đàn và xử lý chế biến chín để tiêu thụ tại chỗ có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan thú y địa phương. Sau khi giết mổ cần phải thực hiện việc vệ sinh, tổng tẩy uế tiêu độc khử trùng nơi có lợn mắc bệnh, nơi giết mổ.

b) Đối với những cơ sở chăn nuôi có quy mô tập trung, theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, các trang trại lớn có áp dụng được các biện pháp an toàn sinh học, thì xử lý như sau:

Tiêu huỷ ngay toàn bộ số lợn mới mắc bệnh, lợn mới chết vì bệnh, lợn bệnh có triệu chứng điển hình của bệnh dịch tả lợn; giết mổ bắt buộc đối với những lợn nuôi cùng ô chuồng với lợn bệnh.

Giết mổ tại chỗ những lợn bị bệnh nhẹ (sốt nhẹ, có các biểu hiện lâm sàng về hô hấp) hoặc lợn còn khoẻ mạnh, xử lý chế biến trước khi tiêu thụ nhằm tránh phát tán mầm bệnh. Trường hợp giết mổ nhiều lợn tại một thời điểm, cơ quan thú y địa phương tư vấn với chính quyền cơ sở chỉ định địa điểm giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ tiêu độc khử trùng, tránh làm phát tán mầm bệnh, đồng thời cử cán bộ thú y giám sát việc giết mổ.

Đối với các trường hợp mang trùng, xử lý giết mổ bắt buộc có giám sát của cơ quan thú y; không tiếp tục khai thác đối với lợn nái, lợn đực mang trùng, đồng thời thực hiện tiêu độc, vệ sinh khử trùng triệt để toàn bộ khu vực có lợn bệnh và các khu vực xung quanh.

Đối với những lợn khoẻ mạnh trong cùng đàn mà không giết mổ thì phải được nuôi cách ly triệt để; chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất, các loại vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng phòng bệnh.

Tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng vùng dịch, nơi có lợn ốm, nơi giết mổ để tránh làm phát tán lây lan mầm bệnh.

Khoanh vùng, lập các chốt kiểm dịch, kiểm tra việc vận chuyển buôn bán lợn, sản phẩm của lợn từ vùng có dịch ra ngoài vùng chưa có dịch.

c) Đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung không có lợn mắc bệnh nhưng nằm trong vùng dịch (thôn, ấp có dịch), mà đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học hoặc đã tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn còn miễn dịch thì được phép vận chuyển ra khỏi vùng dịch, đến thẳng lò giết mổ được chỉ định trước. Lợn phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, đảm bảo không làm rơi vãi chất thải (phân, nước tiểu) trên đường đi; không được dừng nghỉ trên đường vận chuyển. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc kỹ trước khi rời khỏi lò mổ.

d) Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn giống ở bất cứ quy mô nào: nếu phát hiện có lợn bệnh trong cơ sở phải tổ chức tiêu hủy lợn mắc bệnh nặng, giết mổ bắt buộc đối với những con bệnh nhẹ. Lợn chưa bị bệnh phải được chăm sóc nuôi dưỡng tốt để chuyển sang mục đích nuôi thương phẩm. Không khai thác và sử dụng tinh dịch của lợn đực giống đã bị nhiễm bệnh.

đ) Tiêm bao vây xung quanh ổ dịch, sau đó tiêm thẳng vắc xin vào ổ dịch với mục đích nhằm nhanh chóng bao vây và dập tắt ổ dịch, con ốm phát bệnh, con khỏe có miễn dịch.

3. Xử lý đối với các đàn có lợn mắc bệnh, chết:

a) Khi dịch còn ở diện hẹp: Tiến hành tiêu hủy ngay số lợn mới mắc bệnh trên cơ sở triệu chứng bệnh tích mà không chờ kết quả xét nghiệm.

b) Trường hợp dịch xảy ra diện rộng: nhiều hộ gia đình có lợn bệnh và nhiều lợn mắc bệnh thì tiêu huỷ những lợn bị mắc bệnh nặng, những lợn mắc bệnh nhẹ xử lý như sau:

Lợn có trọng lượng < 20 kg phải tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt.

Lợn có trọng lượng > 20 kg phải giết mổ bắt buộc và thịt có thể sử dụng làm thực phẩm sau khi luộc chín. Phủ tạng và các sản phẩm khác phải tiêu huỷ.

c) Tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, lối ra vào, khu vực tập trung lợn phải tiêu huỷ, khu vực tiêu huỷ hoặc chôn lấp lợn. Những người tham gia quá trình xử lý, tiêu huỷ lợn phải thực hiện việc vệ sinh, tắm rửa để tiêu diệt mầm bệnh, tránh làm phát tán mầm bệnh ra các địa điểm khác.

d) Việc tiêu hủy, chôn lấp lợn bệnh cần thực hiện như sau:

Làm chết lợn trước khi tiêu huỷ bằng điện hoặc phương pháp khác (nếu có), cho lợn vào bao tải, buộc chặt miệng bao, tập trung một chỗ để phun thuốc sát trùng trước khi vận chuyển đến hố chôn.

Hố chôn phải nằm ngay trong vùng dịch, nhưng phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi từ 30-100m, có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn cây (cây ăn quả hoặc lấy gỗ). Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với số lợn, chất thải cần chôn. Ví dụ nếu cần chôn 01 tấn lợn (15-30 con lợn) thì hố chôn cần có kích thước là sâu 1,5 - 2m x rộng 1,5 - 2m x dài 1,5 - 2m.

Trình tự chôn: Sau khi đào hố, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố (1kg/m2), đổ bao chứa xác lợn xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên và lấp đất; phải đảm bảo rằng lớp đất phủ lên xác lợn phải dày ít nhất là 1m. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.

4. Biện pháp xử lý đối với các đàn chưa có bệnh, vùng chưa có dịch

a) Đối với những đàn lợn chăn nuôi nhỏ lẻ:

Khuyến khích việc giết mổ, tiêu thụ tại chỗ đối với những đàn này.

Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực chăn nuôi.

b) Đối với những cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô tập trung:

Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và thường xuyên vệ sinh tiêu độc môi trường, khu vực chăn nuôi.

Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho lợn.

Những cơ sở đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, có áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, đã tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn và còn miễn dịch thì được phép vận chuyển ra khỏi vùng dịch, đến thẳng lò giết mổ được chỉ định trước để giết mổ. Lợn phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, đảm bảo không làm rơi vãi chất thải (phân, nước tiểu) trên đường đi; không được dừng nghỉ trên đường vận chuyển. Phương tiện vận chuyển phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc kỹ trước khi rời khỏi cơ sở chăn nuôi và từ lò giết mổ.

c) Đối với các cơ sở chăn nuôi lợn nái, lợn đức giống: Trong bất kỳ trường hợp nào, không được phép vận chuyển lợn giống ra khỏi cơ sở chăn nuôi, vùng đang có bệnh dịch tả lợn lưu hành và đang gây thành dịch. Cần thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ đàn lợn cho đến khi có quyết định công bố hết dịch trên địa bàn mới được phép vận chuyển đi địa phương khác; tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng cho đàn lợn.

Điều 14. Công bố hết dịch và chăn nuôi trở lại ở các cơ sở đã có dịch xảy ra

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công bố hết dịch khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tất cả lợn trong diện phải tiêm phòng thuộc vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp đã được tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn và đã có miễn dịch;

b) Đã qua 21 ngày kể từ ngày con lợn cuối cùng bị chết, bị giết mổ bắt buộc hoặc bị tiêu hủy, không có con lợn nào khác bị mắc bệnh hoặc bị chết vì bệnh dịch tả lợn;

c) Đã thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc 2 lần/tuần liên tục trong 2 tuần đối với hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi đã bị dịch, vùng có dịch.

d) Chi cục Thú y kiểm tra xác nhận đã đủ điều kiện công bố hết dịch theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều này và có văn bản đề nghị công bố hết dịch.

2. Điều kiện chăn nuôi trở lại:

a) Đã thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc.

b) Để trống chuồng trong thời gian tối thiểu là 21 ngày. Trước khi nuôi trở lại, cơ sở chăn nuôi phải được vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng trước khi nuôi.

c) Lợn đưa vào nuôi trở lại phải biết rõ nguồn gốc, đã được tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm của lợn theo quy định.

d) Sau khi nuôi trở lại, cần phải giám sát chặt chẽ, liên tục trong vòng 40 ngày (theo quy trình giám sát của OIE) để đề phòng mầm bệnh tái xuất hiện và gây bệnh trở lại.

Thông tư 04/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 04/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/01/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Diệp Kỉnh Tần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 91 đến số 92
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra