Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 04/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương II

PHÒNG BỆNH

Điều 5. Tuyên truyền phòng, chống bệnh dịch tả lợn

1. Cục Thú y xây dựng nội dung và tổ chức thực hiện chương trình tuyên truyền phòng, chống bệnh dịch tả lợn. Hướng dẫn Chi cục Thú y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chi cục Thú y) triển khai chương trình truyền thông ở địa phương.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể thực hiện thông tin tuyên truyền tại địa phương theo nội dung tuyên truyền của cơ quan thú y.

3. Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể thực hiện tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh dịch tả lợn, tính chất nguy hiểm của bệnh và các biện pháp phòng chống tới người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ trong từng thôn, xóm, xã, phường và thị trấn. Công tác thông tin tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục, đầy đủ để giúp người chăn nuôi hiểu đúng, đầy đủ và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm:

a) Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi;

b) Con giống đảm bảo rõ nguồn gốc, đạt tiêu chuẩn chất lượng; được tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định;

c) Tuyên truyền để người dân cam kết thực hiện “3 không”: không dấu khi lợn mắc bệnh, không bán chạy lợn bệnh, không vứt lợn chết bừa bãi.

d) Tuyên truyền để người chăn nuôi từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại tập trung, công nghiệp, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.

Điều 6. Áp dụng chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học

1. Người chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như sau:

a) Vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi thường xuyên: mùa hè hàng ngày cọ rửa chuồng, máng ăn, máng uống.

b) Sau khi xuất bán lợn, phải tổng tẩy uế, phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường và để trống chuồng từ 5-7 ngày.

c) Lợn mới mua về phải nhốt riêng ít nhất 7 ngày để theo dõi lâm sàng cho đến khi chắc chắn lợn không có bệnh mới được nhập nuôi chung với đàn lợn cũ đang có.

d) Chăm sóc nuôi dưỡng tốt, hạn chế khách tham quan.

2. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo các ban, ngành hữu quan, tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn tại địa phương thực hiện theo Quyết định số 66/2008/QĐ-BNN ngày 04/6/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Điều 7. Phòng bệnh bằng vắc xin

1. Chủ vật nuôi phải thực hiện việc tiêm phòng bắt buộc theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho gia súc, gia cầm.

2. Tiêm phòng bệnh dịch tả lợn phải được thực hiện định kỳ mỗi năm 2 lần vào tháng 3-4 và tháng 9-10. Tiêm phòng bổ sung đối với lợn mới sinh, lợn chưa được tiêm trong thời gian tiêm định kỳ, tiêm nhắc lại đối với lợn hết thời gian miễn dịch. Việc sử dụng vắc xin phải theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

3. Tiêm phòng bệnh dịch tả lợn phải thực hiện như sau:

a) Đối với lợn con sinh ra từ lợn mẹ đã được tiêm phòng: tiêm cho lợn con từ 35 - 45 ngày tuổi;

b) Đối với lợn con sinh ra từ lợn mẹ chưa được tiêm phòng: Có thể tiêm cho lợn con 7 ngày tuổi, sau 3 tuần sau tiêm nhắc lại hoặc tiêm cho lợn con 14 ngày tuổi, sau 2 tuần sau tiêm nhắc lại.

c) Đối với lợn nái mang thai: tiêm phòng trong thời gian mang thai từ 30 - 85 ngày mang thai;

4. Các cơ sở chăn nuôi lợn giống, cơ sở chăn nuôi lợn quy mô tập trung (số lượng lợn nuôi từ 200 con trở lên) phải thực hiện giám sát huyết thanh sau tiêm phòng để bảo đảm đàn lợn được tiêm phòng có miễn dịch bảo hộ.

Điều 8. Thực hiện chủ động giám sát, phát hiện bệnh

1. Tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải thực hiện giám sát lâm sàng đối với đàn lợn để chủ động phát hiện bệnh kịp thời: quan sát, phát hiện những triệu chứng lâm sàng, bệnh tích điển hình của lợn bệnh, lợn chết, những đặc điểm về dịch tễ học.

2. Cơ sở chăn nuôi lợn giống phải thực hiện giám sát sự lưu hành của vi rút dịch tả lợn, như sau:

a) Định kỳ kiểm tra huyết thanh để xác định trạng thái mang trùng ở lợn nái và lợn đực giống.

b) Khi phát hiện lợn nái và lợn đực giống mang trùng, phải thực hiện giết mổ bắt buộc dưới sự giám sát chặt chẽ của Cơ quan Thú y.

Điều 9. Kiểm dịch và kiểm soát vận chuyển

1. Chi cục Thú y thực hiện kiểm dịch lợn tại nơi xuất phát và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định đối với đàn lợn khỏe mạnh, đã được tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn và còn thời gian miễn dịch bảo hộ.

2. Các trạm, chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông có nhiệm vụ kiểm soát, phát hiện vận chuyển lợn mắc bệnh, lợn từ vùng có dịch và xử lý các trường hợp vi phạm như sau:

a) Tiêu huỷ lợn mắc bệnh.

b) Buộc cách ly lợn có nguồn gốc từ vùng có dịch trong trường hợp không có giấy chứng nhận kiểm dịch để theo dõi. Nếu lợn sốt, có triệu chứng của bệnh dịch tả lợn thì thực hiện tiêu hủy.

c) Buộc chủ hàng thực hiện kiểm dịch đối với lợn khỏe mạnh, không có biểu hiện lâm sàng của bệnh nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

d) Đối với lợn có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất phát nhưng không hợp lệ thì tạm giữ để chủ hàng bổ sung hồ sơ.

đ) Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Khi các tỉnh liền kề có dịch, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập trạm, chốt kiểm dịch tạm thời tại đầu mối giao thông theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kiểm soát việc vận chuyển lợn.

4. Vận chuyển qua biên giới:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý lợn nhập lậu;

b) Trạm kiểm dịch biên giới thường xuyên thực hiện khử trùng, tiêu độc mọi phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu.

5. Chi cục Thú y phải kiểm soát lợn nhập vào tỉnh và xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm, cụ thể: lợn nhập vào tỉnh không có giấy kiểm dịch; chưa tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn; lợn không rõ nguồn gốc.

6. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về kiểm dịch vận chuyển bị xử phạt vi phạm hành chính và phải chịu mọi chi phí cho việc kiểm dịch, xử lý tiêu huỷ lợn.

Thông tư 04/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 04/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/01/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Diệp Kỉnh Tần
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 91 đến số 92
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra