Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 02/2024/TT-BQP về công tác đăng kiểm tàu quân sự do Bộ Quốc phòng ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về đăng kiểm tàu quân sự và quản lý công tác đăng kiểm tàu quân sự trong Bộ Quốc phòng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, cơ sở đăng kiểm tàu quân sự; cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tàu quân sự; cơ sở đóng và sửa chữa tàu quân sự; cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác đăng kiểm tàu quân sự.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đăng kiểm tàu quân sự là hoạt động kiểm tra, phân cấp và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho tàu quân sự trong đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa, tiếp nhận, mua sắm, nhập khẩu, sửa chữa cấp vừa trở lên (sau đây gọi tắt là sửa chữa) và khai thác sử dụng.

2. Xét duyệt tài liệu hướng dẫn tàu quân sự là việc kiểm tra, soát xét, xác nhận tài liệu hướng dẫn thỏa mãn các quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan.

3. Xét duyệt tài liệu thiết kế tàu quân sự là việc kiểm tra, soát xét, xác nhận tài liệu thiết kế tàu thỏa mãn các quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan hoặc tiêu chuẩn khác được Bộ Quốc phòng chấp nhận.

4. Sản phẩm công nghiệp là vật liệu, vật tư, máy, trang thiết bị dùng trong đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa và sửa chữa tàu quân sự.

5. Đóng tàu quân sự bao gồm các hoạt động đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa tàu quân sự

a) Đóng mới tàu quân sự là quá trình sử dụng vật tư, trang thiết bị, vũ khí, khí tài và lao động để tổ chức thi công đóng tàu theo tài liệu thiết kế, tài liệu công nghệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Hoán cải tàu quân sự là quá trình kết hợp giữa sửa chữa, thay đổi kết cấu, trang thiết bị nhằm chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ công năng, cấu hình của tàu quân sự theo tài liệu thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Hiện đại hóa tàu quân sự là kết hợp quá trình giữa sửa chữa, nâng cấp, thay mới vũ khí trang bị kỹ thuật nhằm nâng cao tính năng chiến-kỹ thuật của tàu quân sự theo tài liệu thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

6. Sửa chữa tàu quân sự là tổng hợp các hình thức và biện pháp nhằm khắc phục những hư hỏng, khôi phục và duy trì tính năng chiến-kỹ thuật, độ bền, độ tin cậy của tàu và trang bị kỹ thuật đồng bộ trên tàu.

Điều 4. Nguyên tắc đăng kiểm tàu quân sự

1. Tàu quân sự đóng mới, hoán cải, hiện đại hóa, mua sắm, nhập khẩu, tiếp nhận, sửa chữa và đang khai thác sử dụng phải được cơ sở đăng kiểm kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng.

2. Công tác đăng kiểm tàu quân sự bảo đảm tính độc lập, trung thực, khách quan, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tuân thủ Quy định của tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và điều ước quốc tế liên quan, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng hoặc tiêu chuẩn khác được Bộ Quốc phòng chấp nhận.

3. Công tác đăng kiểm tàu quân sự do cơ quan đăng kiểm, cơ sở đăng kiểm trong Quân đội thực hiện. Tổ chức đăng kiểm ngoài Quân đội (sau đây gọi tắt là tổ chức đăng kiểm) chỉ được thực hiện đăng kiểm tàu quân sự khi Bộ Quốc phòng cho phép.

4. Cơ sở đăng kiểm và đăng kiểm viên tàu quân sự chỉ được thực hiện các nội dung đăng kiểm theo phạm vi, nhiệm vụ được giao; phù hợp với lĩnh vực, chuyên ngành đăng kiểm được cấp có thẩm quyền công nhận.

5. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan phải chấp hành nghiêm các nội dung công tác đăng kiểm tàu quân sự theo quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự.

6. Hoạt động kiểm tra của đăng kiểm không làm thay đổi công việc cũng như không thay cho trách nhiệm của cơ quan kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra chất lượng thuộc đơn vị sử dụng, cơ sở đóng và sửa chữa, cơ sở chế tạo sản phẩm công nghiệp dùng cho đóng và sửa chữa tàu quân sự.

Điều 5. Những hành vi nghiêm cấm

1. Sử dụng tàu quân sự khi chưa được đăng kiểm hoặc giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hiệu lực.

2. Sử dụng tài liệu thiết kế khi chưa được cơ sở đăng kiểm xét duyệt.

3. Thực hiện công tác đăng kiểm vượt quá chức năng, thẩm quyền được giao.

4. Cản trở hoạt động đăng kiểm hoặc can thiệp kết quả kiểm tra của cơ sở đăng kiểm và đăng kiểm viên.

5. Làm lộ, lọt thông tin bí mật khi thực hiện công tác đăng kiểm tàu quân sự.

Điều 6. Các loại hình kiểm tra của đăng kiểm đối với tàu quân sự

1. Các loại hình kiểm tra của đăng kiểm đối với tàu quân sự bao gồm:

a) Kiểm tra lần đầu, bao gồm: Kiểm tra, giám sát kỹ thuật tàu đóng mới; tàu tiếp nhận, mua sắm, nhập khẩu hoặc thay đổi tổ chức đăng kiểm;

b) Kiểm tra chu kỳ, bao gồm: Kiểm tra hằng năm; kiểm tra trên đà; kiểm tra định kỳ đối với tàu quân sự đang khai thác sử dụng;

c) Kiểm tra bất thường;

d) Kiểm tra hoán cải, hiện đại hóa, sửa chữa.

2. Nội dung và thời hạn các loại hình kiểm tra của đăng kiểm tàu quân sự được thực hiện theo quy định tại hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định của Bộ Quốc phòng.

Những yêu cầu cụ thể của từng đợt kiểm tra sẽ được điều chỉnh phù hợp với từng chủng loại tàu, trạng thái kỹ thuật thực tế, vùng hoạt động, tuổi thọ của tàu, kết quả của các đợt kiểm tra trước và kế hoạch sử dụng tàu của đơn vị.

Điều 7. Hệ thống cơ quan, cơ sở đăng kiểm tàu quân sự

1. Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng là cơ quan có chức năng tham mưu với Tổng Tham mưu trưởng giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác đăng kiểm tàu quân sự.

2. Cơ quan đăng kiểm tàu quân sự các cấp: Có chức năng tham mưu giúp người chỉ huy tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm tàu quân sự thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao.

3. Cơ sở đăng kiểm tàu quân sự: Có chức năng trực tiếp thực hiện các nội dung công tác đăng kiểm tàu quân sự trong phạm vi, thẩm quyền được giao.

Thông tư 02/2024/TT-BQP về công tác đăng kiểm tàu quân sự do Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 02/2024/TT-BQP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/01/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Huy Vịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH