Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 02/2013/TT-BNNPTNT quy định phân tích nguy cơ và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và muối do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Chương III

QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM THEO CHUỖI SẢN XUẤT KINH DOANH NÔNG LÂM THUỶ SẢN VÀ MUỐI DÙNG LÀM THỰC PHẨM

Điều 22: Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản và muối dùng làm thực phẩm

1. Quản lý an toàn thực phẩm được thực hiện trong toàn bộ chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản và muối từ các công đoạn sản xuất ban đầu đến phân phối thực phẩm.

2. Cơ sở tham gia vào chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và muối chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm được sản xuất, kinh doanh tại Cơ sở.

3. Hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm phải được thực hiện tại từng công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất kinh doanh trên cơ sở phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm.

Điều 23: Hoạt động quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản và muối dùng làm thực phẩm

1. Tự kiểm soát an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm của Cơ sở.

2. Giám sát an toàn thực phẩm của cộng đồng.

3. Giám sát, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của Cơ quan quản lý chuyên môn.

4. Kế hoạch dự phòng xử lý khi có sự cố về an toàn thực phẩm.

5. Đánh giá và đề xuất biện pháp cải thiện hiệu quả hoạt động quản lý an toàn thực phẩm.

Điều 24: Tự kiểm soát an toàn thực phẩm của Cơ sở

1. Hoạt động tự kiểm soát (bao gồm cả việc thực hiện các chương trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm) tại Cơ sở phải tuân thủ theo các quy định, quy chuẩn kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

2. Cơ sở thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 và Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thực hiện hoạt động tự kiểm soát phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

4. Căn cứ Hồ sơ nguy cơ hoặc Báo cáo đánh giá nguy cơ đối với cặp Mối nguy - Thực phẩm đã thực hiện đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm, Cơ sở xác định các công đoạn trọng yếu của quá trình sản xuất kinh doanh để thực hiện các biện pháp quản lý nguy cơ theo hướng dẫn của Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương hoặc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Đối với cặp Mối nguy - Thực phẩm đã xác định cần đánh giá nguy cơ nhưng chưa có Hồ sơ nguy cơ hoặc chưa hoàn thành Báo cáo đánh giá nguy cơ, Cơ sở xây dựng, thực hiện chương trình giám sát mối nguy gồm:

a) Xác định mối nguy đối với sản phẩm: theo cảnh báo của Cơ quan thẩm quyền, phản ánh của khách hàng;

b) Tăng cường biện pháp kiểm soát mối nguy đã xác định tại điểm a khoản này theo các chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm mà Cơ sở đang áp dụng; tăng cường lấy mẫu kiểm tra, giám sát mối nguy trong quá trình sản xuất tại Cơ sở;

c) Truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm (nếu có);

d) Định kỳ báo cáo Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương hoặc cơ quan quản lý chuyên môn địa phương về kết quả kiểm tra giám sát mối nguy an toàn thực phẩm.

6. Phát hiện và báo cáo Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương hoặc cơ quan quản lý chuyên môn địa phương khi sản phẩm của Cơ sở có khả năng gây mất an toàn thực phẩm.

7. Thông tin về an toàn thực phẩm trên nhãn, bao bì, trong tài liệu kèm theo thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

8. Cảnh báo kịp thời, đầy đủ, chính xác về nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, cách phòng ngừa cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Điều 25. Giám sát an toàn thực phẩm của cộng đồng

Các tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện thực phẩm vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và thông báo kịp thời tới Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương hoặc cơ quan chuyên môn địa phương, đồng thời thông báo tới cơ quan chức năng ở địa phương.

Điều 26. Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương, cơ quan quản lý chuyên môn địa phương

1. Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương hoặc cơ quan quản lý chuyên môn địa phương lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm các sản phẩm nông lâm thủy sản và muối trong toàn bộ chuỗi sản xuất theo các quy chuẩn/quy định hiện hành, tập trung vào sản phẩm và công đoạn có nguy cơ cao đã được nhận diện trong Hồ sơ nguy cơ, Báo cáo đánh giá nguy cơ và kết quả đánh giá phân loại điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Cơ sở.

2. Căn cứ kết quả phân loại của Cơ sở, Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương hoặc cơ quan quản lý chuyên môn địa phương áp dụng tần suất giám sát phù hợp để kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của Cơ sở trong từng công đoạn trên toàn bộ chuỗi theo các quy chuẩn kỹ thuật và quy định hiện hành.

3. Các hình thức kiểm tra bao gồm:

a) Kiểm tra đánh giá phân loại điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm;

b) Kiểm tra, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch việc chấp hành theo quy định của pháp luật;

c) Kiểm tra đột xuất, thanh tra chuyên ngành khi có dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

4. Đối với các Cơ sở sản xuất, công đoạn sản xuất không bảo đảm an toàn thực phẩm, Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương, cơ quan quản lý chuyên môn địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng;

5. Đối với cặp Mối nguy - Thực phẩm đã xác định phải đánh giá nguy cơ nhưng chưa có Hồ sơ nguy cơ hoặc chưa hoàn thành Báo cáo đánh giá nguy cơ, Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương, cơ quan quản lý chuyên môn địa phương xây dựng, triển khai chương trình giám sát mối nguy đối với chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tăng cường kiểm tra tại công đoạn sản xuất có nhiều khả năng gây mất an toàn thực phẩm; tăng tần suất lấy mẫu giám sát đối với cặp Mối nguy - Thực phẩm đã xác định;

6. Đối với cặp Mối nguy - Thực phẩm đã thực hiện phân tích nguy cơ, Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương hướng dẫn triển khai các biện pháp quản lý nguy cơ. Trong trường hợp cần thiết, Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương sẽ đề xuất xây dựng văn bản quy định về biện pháp quản lý nguy cơ an toàn thực phẩm trình Bộ xem xét ban hành.

Điều 27. Kế hoạch dự phòng giải quyết sự cố về an toàn thực phẩm

Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương, cơ quan quản lý chuyên môn địa phương xây dựng Kế hoạch dự phòng giải quyết sự cố về an toàn thực phẩm trong kế hoạch hoạt động thường xuyên hàng năm, bao gồm các nội dung:

1. Dự kiến các sự cố về an toàn thực phẩm có khả năng xảy ra;

2. Phương án xử lý đối với từng loại sự cố: nêu rõ các bước triển khai và nguồn lực thực hiện;

3. Phân công tổ chức thực hiện đối với từng phương án xử lý;

4. Kinh phí thực hiện.

Điều 28. Tổ chức xử lý, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm

Khi có sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra, Cơ quan quản lý chuyên môn trung ương, cơ quan quản lý chuyên môn địa phương chủ trì tổ chức thực hiện truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 và Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thông tư 02/2013/TT-BNNPTNT quy định phân tích nguy cơ và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản và muối do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 02/2013/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/01/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 53 đến số 54
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH