Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 615/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2014

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2014 của Bộ Tài chính (kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Lãnh đạo Bộ (để b/cáo);
- Bộ Tư pháp (Vụ PLDSKT) (để phối hợp);
- Như Điều 2;
- Lưu: VT, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Quyết định số 615/QĐ-BTC ngày 27 tháng 03 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin pháp luật chính xác, kịp thời và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; thực hiện giải đáp vướng mắc và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định tại văn bản QPPL tài chính, nâng cao hiệu quả trong tổ chức triển khai văn bản QPPL tài chính.

2. Đảm bảo đúng nội dung, hình thức và phương pháp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thực hiện lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật để giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các văn bản QPPL tài chính mới ban hành và tổ chức thực hiện, chấp hành đúng quy định của pháp luật.

3. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM

1. Các văn bản QPPL tài chính mới ban hành (hiệu lực từ sau 1/1/2014) có nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp như:

a. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b. Các Nghị định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính: Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 98/2013/NĐ-CP ngày 28/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số;

c. Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước; Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

2. Các văn bản QPPL tài chính dự kiến ban hành trong năm 2014 như:

a. Luật Hải quan (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b. Nghị định về thu tiền sử dụng đất, Nghị định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

3. Các văn bản QPPL tài chính cần tiếp tục thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như:

a. Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế; Luật Giá; Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm;

b. Các văn bản hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp về Hệ thống thông quan tự động (gọi tắt là Hệ thống VNACCS/VCIS).

c. Các văn bản hướng dẫn pháp luật khác cần tiếp tục triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

III. GIẢI PHÁP

1. Đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong tổ chức triển khai nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xác định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện.

2. Thực hiện lồng ghép hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các hoạt động chuyên môn khác như hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền cung cấp thông tin cho người nộp thuế, người khai hải quan; các hoạt động phối hợp với Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội ngành nghề; đặc biệt trong các dịp triển khai ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày Pháp luật Tài chính, Tháng/ Tuần lễ đối thoại với người nộp thuế, người khai hải quan đang thực hiện có hiệu quả thời gian qua.

3. Thiết thực xây dựng cơ chế tiếp nhận các đề xuất kiến nghị, nắm bắt yêu cầu để xác định nội dung, đối tượng, trên cơ sở đó lựa chọn hình thức thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả.

4. Thông qua các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về xây dựng pháp luật để trao đổi, tiếp thu ý kiến, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản QPPL về tài chính liên quan đến doanh nghiệp.

5. Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành để đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc viết tin, bài, mở các chuyên mục giải đáp vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện theo các hình thức quy định tại Nghị định 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp như sau:

a. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

b. Biên soạn tài liệu, tờ rơi, tờ gấp phổ biến, hướng dẫn thực hiện đối với những nội dung cụ thể và phát hành rộng rãi đến các doanh nghiệp để nắm vững thực hiện;

c. Thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp: giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp; giải đáp điện thoại;

d. Tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, giải đáp vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm cụ thể hóa hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi, lĩnh vực quản lý được giao bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, thiết thực với hình thức phù hợp, hiệu quả.

Các Tổng cục và tương đương, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai trong toàn hệ thống; tổng hợp, báo cáo kết quả theo quy định.

Trường hợp có cùng đối tượng triển khai, các đơn vị có trách nhiệm phối hợp để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả và thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí; đối với những văn bản có yêu cầu triển khai chung, các đơn vị tổng hợp gửi Vụ Pháp chế để trình Bộ báo cáo Bộ Tư pháp đưa vào chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành.

3. Vụ Pháp chế có trách nhiệm:

a. Hướng dẫn triển khai, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và đánh giá công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong cơ quan Bộ Tài chính; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định và đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (nếu có).

b. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ triển khai các nhiệm vụ tại kế hoạch này, các nhiệm vụ theo phân công của Ban chỉ đạo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành; lồng ghép các nội dung hỗ trợ pháp lý với các hoạt động thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính theo Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành tại Quyết định số 585/QĐ-TTg và chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính năm 2014.

4. Kinh phí thực hiện:

Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm bố trí kinh phí trong phạm vi dự toán năm 2014 được giao để triển khai các nhiệm vụ theo phân công tại Kế hoạch này; đồng thời được sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân khác để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 615/QĐ-BTC về Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 615/QĐ-BTC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/03/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Vũ Thị Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản