Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2004/QĐ-BNN | Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 45/2004/QĐ-BNN NGÀY 30 THÁNG 9 NĂM 2004 VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức; Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng viên trợ phi Chính phủ nước ngoài; Quyết định số 112/2001/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo Quốc tế tại Việt Nam;
Xét đề nghị của Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Vụ trưởng VụTổ chức Cán bộ;
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” gồm 7 chương, 29 điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo Nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và thay thế Quyết định số 132/1999/QĐ-BNN-HTQT ngày 22 tháng 9 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế Quản lý các chương trình và dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Cao Đức Phát (Đã ký) |
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
(Ban hành theo Quyết định số: 45/2004/QĐ-BNN ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Quy chế này điều chỉnh hoạt động thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), viện trợ phi chính phủ (gọi tắt là NGO) và các hình thức viện trợ phi dự án (không mang tính thương mại) của nước ngoài do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (gọi tắt là FDI) không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chế này.
Tất cả các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ (Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ) và các đơn vị thuộc Bộ (Cục, Viện, Trường, Vườn, Trung tâm), sau đây gọi chung là đơn vị, và các địa phương có quản lý và sử dụng nguồn ODA, NGO và các hình thức viện trợ phi dự án của nước ngoài do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.
Trong Quy chế này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. "Chương trình" là một tập hợp các hoạt động, các dự án có liên quan đến nhau một cách hữu cơ và có thể liên quan đến nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật, nhiều vùng lãnh thổ, nhiều chủ thể khác nhau, được thực hiện thông qua phương pháp tiếp cận liên ngành, có thời hạn thực hiện tương đối dài hoặc theo nhiều giai đoạn, và nguồn lực để thực hiện có thể được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, theo nhiều phương thức khác nhau.
2. "Dự án" là một tập hợp các hoạt động có liên quan đến nhau nhằm đạt được một hoặc một số mục tiêu xác định, được thực hiện trong một thời hạn nhất định, dựa trên những nguồn lực xác định. Dự án bao gồm dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật và các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật song phương.
3. "Dự án đầu tư" là dự án tạo mới, mở rộng (nâng cấp) hoặc cải tạo những cơ sở vật chất nhất định nhằm đạt được sự tăng trưởng về số lượng hoặc duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng của sản phẩm hoặc dịch vụ trong khoảng thời gian xác định.
4. "Dự án hỗ trợ kỹ thuật" là dự án tập trung chủ yếu vào việc cung cấp các yếu tố kỹ thuật phần mềm, bao gồm các dự án phát triển năng lực thể chế, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ hoặc chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, cung cấp các yếu tố đầu vào về kỹ thuật để chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án đầu tư.
5. “Chương trình, dự án ODA” là chương trình, dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
6. "Điều ước quốc tế về ODA" là thoả thuận bằng văn bản được ký kết giữa đại diện được uỷ nhiệm của Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ Việt Nam với đại diện của Nhà tài trợ về các vấn đề liên quan đến ODA, bao gồm các Hiệp định, Nghị định thư, văn kiện chương trình, dự án và các văn bản trao đổi giữa các bên có giá trị tương đương.
7. "Chủ quản đầu tư" (hay còn gọi là cơ quan chủ quản chương trình, dự án) là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với chương trình, dự án do các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ hoặc các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp triển khai, thực hiện và những dự án thuộc ngành do Chính phủ giao cho Bộ là cơ quan quản lý, thực hiện.
8. "Chủ dự án" (hay còn gọi Chủ chương trình, dự án) là các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ hoặc các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương được Bộ trưởng giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn của các Nhà tài trợ và nguồn vốn đối ứng để thực hiện chương trinh, dự án theo nội dung đã được phê duyệt.
9. "Ban Quản lý chương trình, dự án" (gọi tắt "Ban Quản lý dự án") hoặc "Văn phòng dự án" là cơ quan đại diện cho Chủ dự án, được toàn quyền thay mặt Chủ dự án thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ được giao, kể từ khi bắt đầu thực hiện cho đến khi kết thúc dự án, kể cả việc quyết toán, nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào khai thác và sử dụng.
10."Trưởng Ban Quản lý dự án" (gọi tắt "Giám đốc dự án") là người đứng đầu Ban Quản lý dự án, thay mặt cho chủ dự án (và chủ quản dự án) quản lý, điều hành các hoạt động của chương trình, dự án; chịu trách nhiệm trước Chủ dự án đối vơi các hoạt động và kết quả thực hiện chương trình, dự án; chịu trách nhiệm với Chủ dự án và trước pháp luật về các hành vi của mình.
11. "Ban Điều hành chương trình, dự án” hay còn gọi là "Ban Chỉ đạo chương trình, dự án " (gọi tắt là Ban Điều hành dự án), gồm đại diện các cơ quan liên ngành, được thành lập để hỗ trợ cơ quan chủ quản chỉ đạo các hoạt động thực hiện dự án, xem xét và kiến nghị với cấp có thẩm quyền phê duyệt những điều chỉnh của dự án.
12. "Vốn đối ứng" là giá trị các nguồn lực (tiền mặt, hiện vật, công lao động) huy động trong nước để chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án ODA theo yêu cầu của chương trình, dự án.
13. “Thoả thuận về viện trợ phi Chính phủ nước ngoài” là văn bản ghi nhận ý định ban đầu (không ràng buộc về pháp lý) về các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài giữa đại diện của Bên Việt Nam và Bên Tài trợ.
14. “Văn kiện dự án (chương trình, dự án) viện trợ phi Chính phủ nước ngoài” là tài liệu chính thức thể hiện cam kết giữa đại diện của Bên Việt Nam và Bên Tài trợ về một chương trình hoặc một dự án cụ thể, trong đó xác định rõ: mục tiêu, các hoạt động, các kết quả cần đạt được, nguồn lực được sử dụng, thời hạn và kế hoạch thực hiện, nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên có liên quan.
15.“Viện trợ phi dự án” là các khoản viện trợ không thuộc chương trình, dự án, được cung cấp viện trợ qua các hình thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách ngành, viện trợ theo gói, viện trợ qua các quỹ uỷ thác, dưới dạng hiện vật (hàng hoá, vật tư, thiết bị), tiền mặt hoặc chuyên gia (kể cả chuyên gia tình nguyện); các khoản viện trợ ngoài dự án cho nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, tập huấn, học tập kinh nghiệm và cho các mục đích nhân đạo, từ thiện (gọi chung là viên trợ nhân đạo).
16. “Cứu trợ khẩn cấp” là khoản viện trợ thuộc viện trợ phi dự án được thực hiện khẩn trương ngay sau khi xẩy ra các trường hợp khẩn cấp (thiên tai, hoặc các tai hoạ khác) và kéo dài tối đa là 2 tháng sau khi các trường hợp khẩn cấp chấm dứt. Sau thời hạn trên, nếu khoản cứu trợ này vẫn được tiếp tục thì được coi là viện trợ khắc phục hậu quả sau trường hợp khẩn cấp.
17. "Quy chế Quản lý đầu tư" là Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng ban hành theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5 tháng 5 năm 2000 và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ.
18. "Quy chế đấu thầu" là Quy chế đấu thầu ban hành theo Nghị định số 88/1999/NĐ-CP ngày 1 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 14/2000/NĐ-CP ngày 5 tháng 5 ngày 2000 và Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ.
19. "Quy chế Quản lý ODA" là Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 4 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ.
20. "Quy chế Quản lý NGO" là Quy chế Quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài ban hành theo Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 4. Nguồn hỗ trợ của nước ngoài
1. Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác do các tổ chức và cá nhân nước ngoài hỗ trợ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn dưới hình thức chương trình, dự án gồm:
a) Viện trợ không hoàn lại;
b) Vốn vay với các điều kiện ưu đãi như cho vay không có lãi suất mà chỉ có phí dịch vụ, phí cam kết, có lãi suất thấp hoặc kết hợp nguồn vay có lãi suất thấp với nguồn vay có lãi suất trung bình, có thời gian ân hạn, thời gian hoàn trả vốn vay dài hạn.
2. Các nguồn hỗ trợ phi dự án của nước ngoài thể hiện dưới dạng hỗ trợ tài chính (ngoại tệ hoặc Việt Nam đồng), cung cấp thiết bị, công nghệ (máy móc, bí quyết vận hành), vật tư (hàng hoá, giống cây, giống con và sinh vật), nghiên cứu phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia và đào tạo, cứu trợ khẩn cấp.
Điều 5. Nguyên tắc thu hút, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài
1. Các nguồn hỗ trợ của nước ngoài là nguồn vốn quan trọng của ngân sách Nhà nước, được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu ưu tiên xây dựng và phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
2. Việc vận động, thu hút, sử dụng các nguồn hỗ trợ của nước ngoài đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý từ Trung ương đến các địa phương trong phạm vi cả nước.
3. Quá trình vận động, thu hút và sử dụng các nguồn hỗ trợ của nước ngoài phải có sự tham gia của các đơn vị có liên quan, của chính quyền địa phương và người dân được hưởng thành quả từ dự án; bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch về quyền hạn và trách nhiệm của các bên có liên quan; bảo đảm sự hài hoà về nguyên tắc và thủ tục hỗ trợ giữa bên Việt Nam và các Nhà tài trợ.
4. Việc thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn hỗ trợ của nước ngoài phải tuân theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (Quy chế Quản lý ODA), Quy chế Quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ (Quy chế Quản lý NGO), Quy chế Quản lý vay và trả nợ nước ngoài, các chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước. Trường hợp điều ước quốc tế đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với các bên Tài trợ có quy định khác với Quy chế này, thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.
XÁC ĐỊNH CHƯƠNG TRÌNH VÀ DỰ ÁN CẦN ƯU TIÊN VẬN ĐỘNG, THU HÚT NGUỒN HỖ TRỢ CỦA NƯỚC NGOÀI
Điều 6. Đề xuất chương trình, dự án cần thu hút, vận động nguồn hỗ trợ của nước ngoài
Tuần thứ tư của tháng 6 hàng năm, các đơn vị và địa phương căn cứ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành (hàng năm, 5 năm, 10 năm) và nhiệm vụ của đơn vị và địa phương, chủ động đề xuất danh mục chương trình, dự án cần ưu tiên vận động, thu hút nguồn hỗ trợ của nước ngoài và chuẩn bị Phiếu đăng ký dự án (Đề cương sơ bộ) gửi về Vụ Hợp tác quốc tế, đồng gửi Vụ Kế hoạch, để tổng hợp trình Bổ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 7. Lựa chọn chương trình, dự án ưu tiên thu hút và vận động nguồn hỗ trợ của nước ngoài
1. Lĩnh vực ưu tiên vận động nguồn tài trợ:
Trên cơ sở chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, hàng năm Vụ Kế hoạch trình Bộ trưởng xác định lĩnh vực cần ưu tiên của ngành để vận động nguồn hỗ trợ của nước ngoài; thông báo công khai làm cơ sở cho việc xét chọn chương trình, dự án.
2. Các bước lựa chọn chương trình, dự án ưu tiên:
a) Trước ngày 10 tháng 8 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng xét chọn chương trình, dự án ưu tiên vận động nguồn hỗ trợ nước ngoài đối với ngành.
Hội đồng xét chọn gồm đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Cục quản lý chuyên ngành do một đồng chí Thứ trưởng làm Chủ tịch và Vụ Hợp tác quốc tế là cơ quan thường trực.
Nhiệm vụ, quyền hạn và thời gian hoạt động của Hội đồng được ghi trong quyết định thành lập.
b) Tuần thứ ba tháng 9 hàng năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp tập thể Lãnh đạo Bộ để thảo luận và phê duyệt danh mục chương trình, dự án ưu tiên của ngành và gửi văn bản đăng ký lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (kèm Đề cương sơ bộ từng chương trình, dự án theo quy định tại Phụ lục 2 Thông tư 06/2001/TT-BKH ngày 20/09/2001 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
c) Hội nghị điều phối các Nhà tài trợ nước ngoài đối với các chương trình, dự án của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn được tổ chức hàng năm.
3. Đối với các khoản viện trợ khẩn cấp khắc phục thiên tai, lũ lụt hoặc các khoản viện trợ không nằm trong danh mục ưu tiên đã được Chính phủ phê duyệt, các đơn vị và địa phương có văn bản trình Bộ trưởng để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Đối với nguồn viện trợ do đơn vị tự đàm phán với đối tác nước ngoài nhằm phục vụ cho nghiên cứu, thử nghiệm khoa học của đơn vị, Thủ trưởng các đơn vị tự lựa chọn, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm cá nhân. Kết quả đàm phán chương trình, dự án phải báo cáo bằng văn bản về Bộ, theo quy định tại Quy chế quản lý ODA của Chính phủ, Quy chế quản lý NGO của Thủ tướng, các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan.
Điều 8. Cấp mã số chương trình, dự án thuộc ngành
Các chương trình, dự án sau khi được tổng hợp vào Danh mục chương trình, dự án ưu tiên của ngành phải đăng ký mã số dự án với Bộ và mã số cấp cho từng chương trình, dự án được lưu giữ thông tin ở Vụ Hợp tác quốc tế theo quy định tại Quyết định số 95/2001/QĐ-BNN ngày 21/09/2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 9. Thông báo Danh mục các chương trình, dự án được tài trợ
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về danh mục các chương trình, dự án ưu tiên của ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Nhà tài trợ cam kết hỗ trợ đến các đơn vị và địa phương đã đăng ký chương trình, dự án.
CHUẨN BỊ, XÂY DỰNG, THẨM ĐỊNH NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Điều 10. Chuẩn bị chương trình, dự án
1. Thành lập Ban Chuẩn bị chương trình, dự án hoặc giao đơn vị đầu mối chuẩn bị dự án (sau đây gọi tắt là Ban Chuẩn bị dự án):
a) Khi có thông báo chính thức bằng văn bản về danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đã được Chính phủ phê duyệt và Nhà tài trợ đồng ý xem xét, thì Bộ trưởng ra quyết định thành lập Ban Chuẩn bị dự án. Ban Chuẩn bị dự án gồm có Trưởng ban, một số cán bộ chuyên môn, đại diện của đơn vị liên quan và đơn vị được Bộ giao quản lý thực hiện dự án.
b) Nhiệm vụ của Ban Chuẩn bị dự án thực hiện theo Khoản 2 Điều 13 Quy chế quản lý ODA của Chính phủ và theo quy định của Quy chế này.
c) Ban Chuẩn bị dự án lập nội dung kế hoạch chuẩn bị chương trình, dự án theo quy định tại Điều 14 Quy chế quản lý ODA của Chính phủ và theo quy định của Quy chế này.
2. Việc xác định vốn nước ngoài và vốn đối ứng để chuẩn bị chương trình, dự án theo quy định tại Điều 12 Quy chế quản lý ODA của Chính phủ và các quy định trong Quy chế quản lý NGO của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 11. Nội dung chương trình, dự án đầu tư
1. Nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ và quy định của Nhà tài trợ.
2. Báo cáo chương trình, dự án đầu tư phải ghi rõ nguồn vốn trong nước, nguồn hỗ trợ nước ngoài, các điều kiện thoả thuận với Nhà tài trợ và nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm tra, đánh giá chương trình, dự án từ nguồn tài trợ hay từ nguồn vốn đối ứng theo đúng Quy chế Quản lý đầu tư của Chính phủ và quy định của Nhà tài trợ.
3. Các chương trình, dự án đầu tư và xây dựng phải thực hiện việc đấu thầu chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng công trình, mua sắm thiết bị, vật tư xây lắp và dịch vụ cho dự án theo Quy chế Đấu thầu của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và quy định của Nhà tài trợ.
Điều 12. Nội dung văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật
1. Chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm có: a) thể chế, chính sách, pháp luật; b) đào tạo nguồn nhân lực cho ngành; c) chuyển giao công nghệ-kỹ thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học; d) trao đổi và chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm thực hiện chương trình, dự án.
2. Nội dung văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật theo quy định tại Điều 17 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ, Phụ lục 3 của Thông tư số 06/2001/TT-BKH ngày 20/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và yêu cầu của Nhà tài trợ.
Văn kiện chương trình, dự án cần quy định rõ nguồn kinh phí bố trí cho hoạt động kiểm tra, đánh giá và nghiệm thu từ nguồn hỗ trợ phát triển của nước ngoài hay từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.
Điều 13. Đối với viện trợ phi dự án, viện trợ nhân đạo và hội nghị, hội thảo quốc tế
1. Đối với viện trợ phi dự án
Các đơn vị có nguồn hỗ trợ nước ngoài phi dự án, dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp ngân sách ngành, viện trợ theo gói hoặc qua các quỹ uỷ thác, viện trợ ngoài dự án cho nghiên cứu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ (trừ quy định tại Điều 11 và Điều 12) phải làm báo cáo gửi về Bộ thông qua Vụ Hợp tác quốc tế, nêu rõ phương thức viên trợ, nội dung, đối tượng viện trợ và tiếp nhận viện trợ, thời gian thực hiện và tổng kinh phí. Nếu viện trợ dưới dạng hiện vật (hàng hoá, vật tư, thiết bị), tiền mặt cần nêu rõ số lượng, danh mục hàng viện trợ và ước tính tổng giá trị hàng viện trợ bằng hiện vật hoặc tiền mặt.
2. Đối viên trợ nhân đạo
Các đơn vị, địa phương khi bị thiên tai hoặc tai hoạ, cần vận động cứu trợ khẩn cấp của cộng đồng quốc tế phải căn cứ vào mức độ thiệt hại cụ thể về người, tài sản, công trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn làm báo cáo gửi về Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế tổng hợp trình Bộ trưởng để báo cáo Chính phủ cho tiến hành vận động cộng đồng quốc tế cứu trợ.
3. Đối với hội nghị, hội thảo quốc tế
Việc tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế có sự hỗ trợ về kinh phí từ các nguồn viện trợ của nước ngoài đối với các đơn vị phải thực hiện theo các điều quy định tại Quyết định 112/2001/QĐ-TTg ngày 21/08/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo Quốc tế tại Việt Nam.
Điều 14. Thẩm định chương trình, dự án
1. Điều kiện thẩm định
a) Dự án có trong danh mục ưu tiên đã được Bộ trưởng duyệt và được cấp mã số theo Điều 8 của Quy chế này và được Nhà tài trợ thoả thuận tài trợ. Nếu dự án nằm ngoài danh mục chỉ được thẩm định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương.
b) Có hồ sơ chương trình, dự án hợp lệ, gồm:
(i) Tờ trình (công văn) đề nghị được tiếp nhận dự án của đơn vị và địa phương đề xuất và đăng ký nhận dự án.
(ii) Văn kiện dự án hoặc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi số lượng 08 bộ (ít nhất 01 bộ gốc) đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; và 05 bộ (có ít nhất 01 bộ gốc) đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng. Nội dung văn kiện thể hiện bằng tiếng Việt phù hợp với Đề cương sơ bộ chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(iii) Dự thảo hiệp định hoặc văn bản thoả thuận về dự án sẽ được ký kết giữa đại diện của Việt Nam và đại diện của Nhà tài trợ. Số lượng văn bản để ký kết ít nhất là 05 bộ bằng tiếng Việt và một ngôn ngữ khác do Nhà tài trợ đề nghị.
2. Nội dung thẩm định
a) Nội dung thẩm định các dự án đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 27 Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng của Chính phủ và Thông tư số 04/2003/TT-BKH ngày 17/06/2003 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
b) Những nội dung khác của các dự án, cần làm rõ sự cần thiết phải có dự án, nêu rõ tính khả thi, các mục tiêu, cơ chế tài chính, tổ chức thực hiện, hiệu quả về kinh tế - xã hội, an ninh, môi trường và đền bù tái định cư.
3. Thời gian thẩm định (kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ)
a) Các dự án đầu tư thuộc nhóm A, thời hạn thẩm định không quá 60 ngày làm việc.
b) Các dự án đầu tư thuộc nhóm B, thời hạn thẩm định không quá 30 ngày làm việc.
c) Dự án nhóm C và các dự án còn lại, thời gian thẩm định không quá 15 ngày làm việc.
4. Tổ chức thẩm định
a) Bộ trưởng thành lập Hội đồng thẩm định các chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ của nước ngoài.
b) Các thành viên tham gia thẩm định chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng về nội dung những ý kiến đóng góp của mình đối với các chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ nước ngoài.
c) Kết quả thẩm định được thể hiện bằng văn bản Báo cáo thẩm định và kèm theo hồ sơ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều này để trình Bộ trưởng phê duyệt.
Điều 15. Kinh phí chuẩn bị, xây dựng và thẩm định chương trình, dự án
1. Vốn chuẩn bị chương trình, dự án ODA thực hiện theo quy định tại Điều 12 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ, cụ thể như sau:
a) Vốn chuẩn bị xây dựng chương trình, dự án ODA thuộc diện Nhà nước cấp phát từ ngân sách do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch và tổng hợp vào kế hoạch ngân sách chung hàng năm của ngành; trường hợp chương trình, dự án không trùng kỳ lập kế hoạch, Bộ có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin tạm ứng vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương.
b) Vốn chuẩn bị chương trình, dự án ODA thuộc diện Nhà nước cho vay lại từ ngân sách hoặc cấp phát một phần , thì chủ dự án tự cân đối và bố trí vốn theo quy định của Bộ Tài chính; các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ làm chủ đầu tư thì Vụ Kế hoạch bố trí vốn.
c) Vốn chuẩn bị dự án hỗ trợ kỹ thuật (tài trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí chuẩn bị chương trình, dự án ODA) đơn vị hưởng dự án tự chuẩn bị, Bộ có trách nhiệm đưa vào kế hoạch vốn chuẩn bị hàng năm và gửi báo cáo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp và theo dõi.
2. Kinh phí thẩm định đối với dự án đầu tư thực hiện theo Điều 32 Quy chế Quản lý đầu tư của Chính phủ và Quyết định số 15/2001/QĐ-BXD ngày 20/07/2001 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Định mức Tư vấn đầu tư và xây dựng, Thông tư số 109/2000/TT-BTC ngày 13/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp và sử dụng lệ phí thẩm định đầu tư.
Đối với các dự án khác, kinh phí xây dựng và thẩm định lấy từ nguồn hỗ trợ của nước ngoài hoặc vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho dự án hoặc từ kinh phí hợp pháp của đơn vị chuẩn bị dự án hoặc đơn vị chủ dự án.
3. Tùy theo từng chương trình, dự án, vốn đối ứng có thể bao gồm toàn bộ hoặc một số thành phần và chi phí theo quy định dưới đây:
a) Vốn chuẩn bị chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ phát triển nước ngoài theo quy định tại điểm a, khoản 12 của Điều 5 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ.
b) Vốn chuẩn bị thực hiện và thực hiện chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ phát triển nước ngoài theo quy định tại điểm b, khoản 12 của Điều 5 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ.
c) Vốn đối ứng các chương trình, dự án phi Chính phủ theo quy định của Luật Ngân sách và nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.
4. Ban Chuẩn bị chương trình, dự án quản lý kinh phí thẩm định, nghiên cứu khả thi các chương trình, dự án, hợp phần lớn; các đơn vị có chương trình, dự án tự xây dựng nội dung dự án, thì kinh phí thẩm định để tại đơn vị quản lý.
ĐÀM PHÁN, KÝ KẾT VÀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Điều 16. Trình tự đàm phán, ký kết và phê duyệt các văn bản chương trình, dự án
1. Tiếp xúc ban đầu để xác định chương trình, dự án và xác định nguồn hỗ trợ để xây dựng văn kiện và ký kết các văn bản dự án.
2. Các đơn vị và địa phương xây dựng văn kiện chương trình, dự án; hoàn thành thủ tục trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn, đề nghị Chính phủ cho tiến hành đàm phán với Nhà tài trợ.
3. Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với các đơn vị và địa phương đề xuất dự án trình Bộ trưởng thành lập đoàn đàm phán và chuẩn bị các văn bản trình Bộ trưởng hoặc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ký kết với Nhà tài trợ.
4. Hồ sơ cần thiết để trình phê duyệt và ký kết gồm có một trong những văn bản sau: Hiệp định hoặc Thoả thuận, Nghị định thư, Ghi nhớ, Biên bản, Thư cam kết của Nhà tài trợ, Hợp đồng cùng với báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc hồ sơ dự án, thư uỷ nhiệm (trường hợp người ký được cấp trên uỷ quyền).
5. Sau khi kết thúc đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán phải báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan và người có thẩm quyền về kết quả đàm phán, nội dung và các văn bản đã thoả thuận, ký kết với đối tác bên nước ngoài.
6. Đối với các chương trình, dự án đoàn đàm phán là cơ quan khác chủ trì, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ là một thành viên tham gia, Ban chuẩn bị chương trình, dự án phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế chuẩn bị nội dung văn kiện có liên quan đến ngành, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt để làm cơ sở tham gia đàm phán, và sau khi kết thúc đàm phán sao văn kiện gửi cho đơn vị liên quan thực hiện.
Điều 17. Thẩm quyền và cấp ký kết văn bản chương trình, dự án
1. Việc tiến hành đàm phán và ký điều ước quốc tế về các nguồn hỗ trợ phát triển của nước ngoài phải được sự uỷ quyền bằng văn bản của Chủ tịch nước (đối với điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Nhà nước), của Chính phủ (đối với điều ước quốc tế ký kết với danh nghĩa Chính phủ).
2. Việc đàm phán và ký điều ước quốc tế với danh nghĩa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nguồn hỗ trợ phát triển của nước ngoài phải được Bộ trưởng uỷ quyền bằng văn bản.
3. Đối với các chương trình, dự án hợp tác có nhiều quốc gia tham gia thực hiện (hoặc dự án vùng có sự tham gia của nhiều ngành và địa phương), trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một bên tham gia, Bộ trưởng có thể uỷ quyền cho Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp tham gia thoả thuận nội dung liên quan đến ngành.
Điều 18. Quản lý văn bản ký kết, trao đổi tài liệu
1. Các văn bản được Chính phủ uỷ quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết, được lưu giữ tại Bộ Ngoại giao, bản gốc lưu tại Văn phòng Bộ.
2. Các văn bản ký kết khác được quản lý như sau:
a) Bản gốc lưu giữ tại Văn phòng Bộ.
b) Các bản sao lưu giữ tại Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị có liên quan.
3. Việc lưu giữ, tiếp xúc, trao đổi, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, mẫu vật với bên nước ngoài được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành của nhà nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4. Sau khi chương trình, dự án được ký kết và phê duyệt, Ban Chuẩn bị dự án chịu trách nhiệm bàn giao tất cả các văn bản, giấy tờ có liên quan đến thực hiện chương trình, dự án cho Giám đốc dự án. Khi dự án đã kết thúc, đưa vào sử dụng, Giám đốc dự án phải nộp vào lưu trữ cơ quan Bộ các văn bản ký kết và hồ sơ của dự án theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Thẩm quyền phê duyệt chương trình, dự án
1. Các chương trình, dự án thuộc nhóm A, chương trình và các dự án hỗ trợ kỹ thuật có mức vốn từ một triệu USD trở lên do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ và tại khoản 1 Điều 6 Quy chế Quản lý NGO của Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt các chương trình, dự án thuộc nhóm B, C và nhóm A được Thủ tướng Chính phủ uỷ quyền và các dự án hỗ trợ kỹ thuật có mức vốn dưới một triệu USD theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ và tại khoản 2 Điều 6 Quy chế Quản lý NGO của Thủ tướng Chính phủ.
3. Bộ trưởng uỷ quyền cho Thủ trưởng đơn vị phê duyệt các dự án có mức vốn từ 500 triệu Việt Nam đồng trở xuống, sau khi ký phê duyệt phải báo cáo bằng văn bản về Bộ.
Điều 20. Phân công trách nhiệm
1.Vụ Hợp tác quốc tế
a) Vụ Hợp tác quốc tế là cơ quan đầu mối giúp Bộ trưởng vận động, thu hút nguồn hỗ trợ của nước ngoài đối với các chương trình, dự án cần ưu tiên.
b) Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, đề xuất thành lập Ban Chuẩn bị dự án, Ban Điều hành dự án, Ban Quản lý dự án (Văn phòng dự án), Giám đốc dự án, trình Bộ trưởng quyết định.
c) Chủ trì và tổng hợp các chương trình, dự án về hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế và công tác đối ngoại của ngành trình Bộ trưởng.
d) Tham gia hoặc chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế quản lý dự án, điều ước quốc tế liên quan đến hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế của ngành trình Bộ trưởng.
e) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các văn kiện dự án có nguồn vốn nước ngoài theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ; xây dựng các chương trình hội nhập kinh tế quốc tế và lựa chọn đối tác để thực hiện.
f) Tham gia các hội đồng thẩm định, nghiệm thu đề án, chương trình, dự án điều tra cơ bản, dự án quy hoạch, dự án đầu tư phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ lợi, phát triển nông thôn và các lĩnh vực khác liên quan đến ngành nông nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài.
g) Quản lý hồ sơ dự án và cấp mã số dự án theo Quyết định số 95/2001/BNN của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
h) Hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc chuẩn bị chương trình, dự án hợp tác quốc tế và việc thực hiện Quy chế này.
2. Vụ Kế hoạch
a) Chủ trì xác định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về các lĩnh vực, danh mục dự án cần ưu tiên vận động nguồn hỗ trợ của nước ngoài.
b) Chịu trách nhiệm giúp Bộ thẩm định sự phù hợp các mục tiêu, nội dung của dự án với chiến lược và kế hoạch phát triển của ngành; kế hoạch vốn liên quan đến chuẩn bị và thực hiện các chương trình, dự án.
c) Tổng hợp kế hoạch vốn đối ứng và vốn nước ngoài theo tiến độ của tất cả các dự án thuộc Bộ và của ngành để quản lý và cân đối kế hoạch đầu tư hàng năm và hướng dẫn chủ dự án thực hiện.
3.Vụ Tài chính
a) Hướng dẫn chủ dự án xây dựng quy chế quản lý tài chính, định mức chỉ tiêu đối với các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài do các đơn vị thực hiện.
b) Hướng dẫn các Ban quản lý dự án (Văn phòng dự án) về lập kế hoạch tài chính, giải ngân, chế độ kế toán, báo cáo tài chính trình Bộ và Bộ Tài chính phù hợp với nội dung, tiến độ đã được phê duyệt.
c) Chịu trách nhiệm giúp Bộ thẩm định dự toán và quyết toán các chi tiêu liên quan đến chuẩn bị chương trình, dự án.
d) Trình Bộ phê duyệt dự toán chi tiêu hàng năm cho các chương trình, dự án. Phê duyệt dự toán chi tiết cho các hoạt động dự án được Bộ trưởng uỷ quyền.
e) Kiểm tra kế toán định kỳ và bất thường đối với các Ban quản lý dự án hoặc các Văn phòng dự án theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ; thẩm định và trình Bộ phê duyệt quyết toán các dự án hàng năm; quyết toán dự án hoàn thành.
f) Khi dự án kết thúc, hướng dẫn việc bàn giao tài sản và thành quả dự án cho các đơn vị quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
4.Vụ Tổ chức cán bộ
a) Trình Bộ trưởng thành lập Ban chuẩn bị dự án, Ban điều hành dự án hoặc Ban chỉ đạo dự án, Ban quản lý dự án (Văn phòng dự án) và chuẩn bị nhân sự tham gia Ban chuẩn bị dự án, Ban điều hành dự án, Ban quản lý dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài.
b) Hướng dẫn và hỗ trợ tiến hành các thủ tục liên quan đến tổ chức và nhân sự của Ban chuẩn bị chương trình, dự án, Ban điều hành dự án hoặc Ban chỉ đạo dự án, Ban quản lý dự án (Văn phòng dự án).
c) Hướng dẫn các Ban quản lý dự án xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động, theo dõi kiểm tra việc thực hiện các quy chế đó.
5.Vụ Khoa học và Công nghệ
a) Hướng dẫn xây dựng dự án, tổ chức thẩm định nội dung khoa học, công nghệ và môi trường trong các chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ của nước ngoài trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Tham gia giám sát, kiểm tra việc thực hiện các dự án hợp tác nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ và môi trường nông thôn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.
c) Xem xét và làm các thủ tục trao đổi với nước ngoài về mẫu vật (thực vật, động vật, vi sinh vật...), công nghệ và các tài liệu khoa học, môi trường nông thôn trong hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn.
6. Vụ Pháp chế
a) Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế xây dựng các văn kiện hợp tác và hội nhập quốc tế, quy chế quản lý các chương trình, dự án của ngành có nguồn hỗ trợ nước ngoài.
b) Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế xây dựng và thẩm định nội dung các văn bản pháp lý liên quan đến chuẩn bị, đàm phán và ký kết chương trình, dự án.
7. Thanh tra Bộ
Tiến hành thanh tra việc thực hiện chương trình, dự án khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ
8. Cục Quản lý Xây dựng Công trình
a) Thực hiện nhiệm vụ quyền hạn về quản lý đầu tư xây dựng công trình có nguồn hỗ trợ của nước ngoài theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 2 trong Quyết định số 95/2003/QĐ-BNN, ngày 4 tháng 9 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Quản lý Xây dựng Công trình.
b) Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán hạng mục công trình phù hợp với thiết kế kỹ thuật (hoặc thiết kế thi công) và tổng dự toán đã được phê duyệt trong phạm vi được Bộ giao.
9. Các Cục quản lý nhà nước chuyên ngành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, có trách nhiệm chủ trì hoặc phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, các đơn vị có liên quan tiến hành các công việc sau:
a) Hướng dẫn các chủ dự án xây dựng và thực hiện các dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam và hiệp định, điều ước, những cam kết của Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế thuộc chuyên ngành do Cục quản lý.
b) Thẩm định các nội dung kỹ thuật của dự án có liên quan tới chuyên ngành do Cục quản lý.
c) Theo dõi, phối hợp các hoạt động của chương trình, dự án nước ngoài với các hoạt động trong nước để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành do Cục quản lý.
Điều 21. Tổ chức bộ máy và nhân lực thực hiện chương trình, dự án
1. Chủ dự án
Sau khi chương trình, dự án được ký kết, trước khi văn kiện hiệp định có hiệu lực, Bộ trưởng quyết định giao nhiệm vụ cho một đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ hoặc thuộc Bộ làm Chủ dự án quản lý thực hiện.
2. Ban Điều hành dự án (hay còn gọi là Ban Chỉ đạo dự án)
a) Căn cứ yêu cầu, nội dung và quy mô của từng dự án, có thể thành lập Ban Điều hành dự án. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Ban Điều hành dự án do một Thứ trưởng hoặc Thủ trưởng đơn vị làm Trưởng Ban.
b) Thành viên Ban Điều hành dự án là đại diện của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan đến dự án theo quy định của Chính phủ; có thể, có sự tham gia của các Nhà tài trợ.
c) Ban Điều hành dự án có nhiệm vụ hỗ trợ cơ quan chủ quản trong việc:
- Định hướng về cơ chế, chính sách, kế hoạch phối hợp hoạt động thực hiện chương trình, dự án.
- Phê duyệt ngân sách định kỳ cả năm của các dự án.
- Quyết định những biện pháp cơ bản bảo đảm thực hiện dự án; kiểm tra, giám sát, sơ kết và tổng kết dự án.
- Xem xét các điều chỉnh của dự án khi cần thiết.
3. Ban Quản lý dự án (Văn phòng dự án)
a) Ban Quản lý dự án (dự án ODA) hoặc Đơn vị đầu mối (dự án NGO) là cơ quan đại diện cho Chủ dự án do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập. Ban Quản lý dự án có con dấu riêng, tài khoản tại ngân hàng và kho bạc nhà nước theo quy định của Chủ dự án (trừ trường hợp có thoả thuận khác với Nhà tài trợ trong Văn kiện dự án).
Tuỳ tình hình thực tế và điều kiện cụ thể, Bộ trưởng có thể giao trách nhiệm quản lý chương trình, dự án mới được phê duyệt cho Ban quản lý Trung ương Các dự án (CPO Nông nghiệp, CPO Lâm nghiệp, CPO Thủy lợi) thực hiện chương trình, dự án. Trường hợp này, giám đốc CPO thành lập bộ phận quản lý thực hiện chương trình, dự án và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện chương trình, dự án mới được phê duyệt.
b) Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, nhân sự và quy chế hoạt động của Ban Quản lý dự án theo quy định tại Khoản 1 phần V của Thông tư số 06/2001/TT-BKH ngày 20 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Điều 25 Quy chế quản lý ODA của Chính phủ.
c) Nhân sự Ban Quản lý dự án gồm Giám đốc (hoặc gọi Trưởng Ban Quản lý dự án), Phó Giám đốc (nếu là dự án ODA vốn vay), điều phối viên, kế toán trưởng do Bộ trưởng xem xét, quyết định. Những cán bộ, nhân viên trong Ban Quản lý dự án do Giám đốc dự án tuyển chọn và quyết định theo quy định tại Quy chế Quản lý ODA, Quy chế Quản lý NGO và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Giám đốc dự án là người đứng đầu Ban Quản lý dự án, được Chủ dự án (và Chủ quản dự án) uỷ quyền làm chủ tài khoản của chương trình, dự án; thay mặt Chủ dự án quản lý, điều hành các hoạt động của chương trình, dự án; chịu trách nhiệm quản lý nhân viên trong Ban Quản lý dự án thực hiện nội dung chương trình, dự án; chịu trách nhiệm với Chủ dự án và trước pháp luật về các hành vi của mình.
Nhiệm vụ của Giám đốc dự án:
a) Xây dựng kế hoạch hoạt động và ngân sách (tháng, quý, nửa năm và cả năm) của dự án, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
b) Lập kế hoạch và chuẩn bị các thủ tục để rút vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước, rút vốn nước ngoài theo tiến độ đã ghi trong văn bản dự án.
c) Chấp hành các quy chế tài chính, chế độ thống kê, kế toán và các chế độ kiểm tra, thanh tra theo quy định hiện hành của Nhà nước.
d) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (theo quy định của văn bản dự án đã được phê duyệt) và bất thường (khi có yêu cầu) về Bộ (Vụ Kế hoạch, Cục Quản lý Xây dựng công trình, Vụ Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế) theo mẫu hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ có liên quan và các yêu cầu của bên nước ngoài về báo cáo tài chính, kiểm toán.
e) Chủ trì việc tuyển chọn chuyên gia trong nước và chuyên gia quốc tế theo đề cương về chức năng và nhiệm vụ, cung cấp các điều kiện vật chất và nhân sự cộng tác để tiến hành công việc theo lịch trình đã định.
f) Tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng công trình, mua thiết bị, vật tư xây lắp và dịch vụ cho dự án theo quy định hiện hành của Nhà nước và của Nhà tài trợ.
g) Tổ chức lực lượng, phương tiện, sổ sách để theo dõi, đôn đốc thực hiện các hoạt động và hạng mục của dự án.
h) Quản lý hoạt động của các chuyên gia của dự án.
i) Tiến hành tổ chức giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện dự án và sơ kết, tổng kết tiến độ triển khai dự án theo định kỳ và khi kết thúc dự án, báo cáo kết quả về Bộ và Nhà tài trợ.
j) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 22. Điều chỉnh, sửa đổi nội dung các chương trình, dự án
Các chương trình, dự án đã được phê duyệt, khi triển khai, nếu có yêu cầu thay đổi, điều chính thì thực hiện như sau:
1. Ban Quản lý dự án có văn bản giải trình về nội dung, kế hoạch cần điều chỉnh đã được Ban Điều hành dự án phê duyệt (thông qua) gửi Bộ (Vụ Kế hoạch, Vụ Hợp tác Quốc tế) xem xét hoặc tổ chức thẩm định.
2. Hình thức thẩm định được tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ và khoản 3 Phần V của Thông tư hướng dẫn số 06/2001/TT-BKH, ngày 20 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Việc ra quyết định điều chỉnh chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ và khoản 3 Phần V của Thông tư hướng dẫn số 06/2001/TT-BKH, ngày 20 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp phải sửa đổi, bổ sung Điều ước quốc tế đã ký về ODA thì thực hiện theo quy định của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế.
THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN VÀ KẾT QUẢ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN
Điều 23. Theo dõi và đánh giá việc thực hiện chương trình, dự án
1. Ban Điều hành dự án chịu trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý Dự án thực hiện đúng nội dung dự án, chương trình đã được phê duyệt; theo dõi, kiểm tra hoạt động của chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ của nước ngoài về tiến độ thực hiện, kết quả giải ngân, về hiệu quả dự án, định kỳ báo cáo Bộ trưởng và các cơ quan quản lý nhà nước về ODA, về viện trợ phi chính phủ và đề xuất biện pháp giải quyết các trường hợp cần thiết.
2. Vụ Hợp tác quốc tế là đầu mối theo dõi, hướng dẫn các chủ đầu tư tiến hành kiểm tra, đánh giá, hoặc khi cần thiết đề xuất với Lãnh đạo Bộ quyết định thuê Tư vấn đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc ngành.
3. Ban Quản lý Dự án chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý thực hiện dự án, tổ chức đánh giá hàng năm, giữa kỳ, cuối kỳ; theo dõi tiến độ thực hiện, kết quả giải ngân, hiệu quả và định kỳ báo cáo Bộ trưởng (Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính và Vụ Kế hoạch) và các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ.
4. Trường hợp Ban Quản lý Các dự án (CPO) được Bộ trưởng giao trách nhiệm quản lý các chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ của nước ngoài, Trưởng Ban Quản lý Các dự án phải tổ chức đánh giá hàng năm, giữa kỳ, cuối kỳ; theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện, kết quả giải ngân theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Chế độ báo cáo thực hiện chương trình, dự án
1. Hàng quý, 6 tháng, hàng năm và khi kết thúc dự án, Chủ dự án phải làm báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục 4, Phụ lục 5, Phụ lục 7, Phụ lục 8 và Phụ lục 9 của Thông tư số 06/2001/TT-BKH, ngày 20/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ (đối với dự án cải cách hành chính).
Hàng tháng các chương trình, dự án nhóm A, Chủ dự án phải lập báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 gửi Ban Điều hành dự án, Vụ Kế hoạch và Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Ban Quản lý dự án có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện chương trình, dự án theo quy định tại Quy chế quản lý ODA, Quy chế Quản lý NGO và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; gửi các cơ quan tổng hợp của Chính phủ và đồng thời gửi cho Vụ Kế hoạch và Vụ Tài chính của Bộ.
3. Vụ Kế hoạch chịu trách nhiệm lập báo cáo quý, 6 tháng, hàng năm và kết thúc chương trình, dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo biểu mẫu quy định tại Quy chế Quản lý ODA, Quy chế Quản lý NGO và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Điều 25. Nghiệm thu, khai thác sử dụng kết quả chương trình, dự án
1. Đối với các chương trình, dự án về đầu tư xây dựng:
Chủ Dự án phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước về nghiệm thu, bàn giao từng phần hay bàn giao toàn phần, đăng ký tài sản và quyết toán các nguồn hỗ trợ theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản.
2. Đối với các chương trình, dự án về hỗ trợ kỹ thuật:
Chủ dự án phải tổ chức nghiệm thu, khai thác, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật; phải có biện pháp để duy trì, phát huy hiệu quả của chương trình, dự án.
3. Tất cả các chương trình, dự án trước khi hoàn thiện đưa vào sử dụng (dự án đầu tư xây dựng) hoặc sau khi kết thúc thực hiện (dự án hỗ trợ kỹ thuật) đều phải thực hiện việc nghiệm thu, đưa vào sử dụng đúng quy định trong Điều này và quy định của pháp luật về sử dụng các nguồn đầu tư của nước ngoài.
4. Kinh phí nghiệm thu chương trình, dự án phải được ghi trong văn kiện dự án theo quy định chi tại khoản 12 của Điều 5 và Điều 11 Quy chế Quản lý ODA của Chính phủ, trừ các nguồn viên trợ NGO.
Điều 26. Kiểm tra, thanh tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài
1. Các Chủ dự án, Ban Quản lý Dự án và các Ban quản lý Các dự án (được giao quản lý dự án) phải có trách nhiệm thường xuyên và định kỳ kiểm tra, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài đối với các chương trình, dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ.
2. Khi cần thiết, Bộ trưởng quyết định thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Đơn vị và cá nhân được giao trách nhiệm vận động, thu hút và sử dụng các nguồn hỗ trợ nước ngoài để xẩy ra tiêu cực, vi phạm các quy định về quản lý ODA, quản lý NGO và quản lý các hoạt động phi dự án, tuỳ theo mức độ sai phạm sẽ bị kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Những dự án có trước ngày Quy chế này có hiệu lực
Những chương trình, dự án có nguồn hỗ trợ của nước ngoài đang triển khai thực hiện ở các tổ chức, đơn vị và địa phương trước ngày Quy chế này có hiệu lực, nếu chưa đăng ký mã số dự án với Bộ, thì tiến hành làm thủ tục đăng ký mã số dự án theo quy định tại Quyết định số 95/2001/QĐ-BNN ngày 21 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 28. Những dự án có sau ngày Quy chế này có hiệu lực
Kể từ ngày Quy chế này có hiệu lực, các cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng chương trình, dự án thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn có nguồn hỗ trợ nước ngoài phải theo đúng trình tự và thủ tục của Quy chế này và các quy định tại Quy chế Quản lý ODA, Quy chế Quản lý NGO của Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị và địa phương phản ảnh kịp thời về Vụ hợp tác Quốc tế để tổng hợp trình Bộ trưởng xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp thực tế.
- 1Thông tư 81/2001/TT-BNN hướng dẫn công tác nghiệm thu thanh toán chi phí chuẩn bị đầu tư các dự án thuỷ lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 132/1999/QĐ-BNN-HTQT về Quy chế quản lý các chương trình và dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc trách nhiệm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Nghị định 66/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế đấu thầu kèm theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP và Nghị định 14/2000/NĐ-CP
- 4Quyết định 97/2007/QĐ-BNN công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2007 hết hiệu lực thi hành
- 5Thông tư 49/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Quyết định 3593/QĐ-BNN-PC năm 2009 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật tính đến ngày 30 tháng 09 năm 2009 hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Quyết định 132/1999/QĐ-BNN-HTQT về Quy chế quản lý các chương trình và dự án có sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc trách nhiệm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 97/2007/QĐ-BNN công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2007 hết hiệu lực thi hành
- 3Thông tư 49/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Quyết định 3593/QĐ-BNN-PC năm 2009 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật tính đến ngày 30 tháng 09 năm 2009 hết hiệu lực thi hành do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Quyết định 95/2003/QĐ-BNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Quản lý xây dựng công trình do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 95/2001/QĐ-BNN quy định hệ thống mã số quản lý chương trình/dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển do các nước và các tổ chức quốc tế tài trợ có liên quan đến Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Thông tư 81/2001/TT-BNN hướng dẫn công tác nghiệm thu thanh toán chi phí chuẩn bị đầu tư các dự án thuỷ lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng
- 5Nghị định 88/1999/NĐ-CP về Quy chế Đấu thầu
- 6Thông tư 109/2000/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp và sử dụng lệ phí thẩm định đầu tư do Bộ tài chính ban hành
- 7Quyết định 64/2001/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 8Nghị định 17/2001/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
- 9Quyết định 15/2001/QĐ-BXD về định mức chi phí tư vấn đầu tư và xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 10Thông tư 06/2001/TT-BKH hưóng dẫn thực hiện Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm Nghị định 17/2001/NĐ-CP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 11Thông tư 04/2003/TT-BKH hướng dẫn về thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư, sửa đổi về hồ sơ thẩm định dự án, Báo cáo đầu tư và Tổng mức đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 12Nghị định 66/2003/NĐ-CP sửa đổi Quy chế đấu thầu kèm theo Nghị định 88/1999/NĐ-CP và Nghị định 14/2000/NĐ-CP
- 13Nghị định 86/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Quyết định 45/2004/QĐ-BNN ban hành "Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ của nước ngoài trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 45/2004/QĐ-BNN
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/09/2004
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra