Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1897/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 27 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÓA MÙ CHỮ ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số: 692/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”;

Căn cứ Công văn số: 3428/BGDĐT-GDTX ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ GD&ĐT về việc triển khai thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số: 1580/TTr-SGDĐT ngày 18/9/2014 và Công văn số: 911/KH&ĐT-VX ngày 15/10/2014 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÓA MÙ CHỮ ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1897/QĐ-UBND ngày 27 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn

Căn cứ Quyết định số: 692/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”; Công văn số: 3428/BGDĐT-GDTX ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”, UBND tỉnh Bắc Kạn xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NGƯỜI MÙ CHỮ VÀ CÔNG TÁC CHỐNG MÙ CHỮ TRƯỚC KHI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp các ngành, đặc biệt là sự chung tay góp sức của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đối với sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, công tác phổ cập giáo dục, chống mù chữ của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng về quy mô, chất lượng và hiệu quả góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Bắc Kạn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ tháng 12/1998; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở tháng 12/2005; được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 01 tháng 12/2012.

Cùng với sự phát triển của các bậc học, công tác giáo dục thường xuyên luôn được quan tâm, chỉ đạo và thu được những kết quả nhất định đặc biệt là công tác xóa mù chữ. Tính đến hết tháng 12/2013 số người hoàn thành chương trình lớp 3 (chuẩn biết chữ mức độ 1) từ 15 - 60 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh là 200.928 người, đạt 94,06%, trong đó từ 15 - 35 tuổi là 115.324 người, đạt 96,02%; tỷ lệ người mù chữ và tái mù chữ ở các độ tuổi hàng năm giảm, số người đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ và theo học các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ được các đơn vị thường xuyên quan tâm, duy trì và tổ chức thực hiện khá tốt, từng bước củng cố, duy trì và nâng cao tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ. Theo các tiêu chuẩn công nhận đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ quy định tại Nghị định số: 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 của Chính phủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 116/122 xã/phường/thị trấn (95,08%) và 8/8 huyện/thị xã (100%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 01, có 83/122 xã/phường/thị trấn (68,03%) và 3/8 huyện/thị xã (37,5%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 02, tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 01.

Nhìn chung công tác xóa mù chữ trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên số người mù chữ vẫn còn nhiều, tỷ lệ người mù chữ theo độ tuổi ở một số địa phương còn chênh lệch khá lớn chủ yếu ở độ tuổi từ 36 đến 60. Hiện nay người mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 trên địa bàn tỉnh là 12.696 người chiếm 5,94%, trong đó tuổi từ 15 - 35 là 4.778 người chiếm 3,98%. Những huyện có tỷ lệ người mù chữ cao, độ tuổi từ 15 - 60 là Ngân Sơn 11,08%, Pác Nặm 9,74%, Ba Bể 9,39%.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa đúng với yêu cầu, thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó địa hình vùng núi phức tạp, dân cư phân tán, đời sống kinh tế - văn hóa của nhân dân vùng cao còn khó khăn, tâm lý ngại học hoặc không yên tâm học tập,… là những trở ngại đối với những người tham gia học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các Ban, Ngành, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ xóa mù chữ, chống tái mù chữ chưa thường xuyên. Mặt khác một số Ban, Ngành, đoàn thể chưa thật sự vào cuộc trong việc hỗ trợ ngành giáo dục vận động người chưa biết chữ đến lớp học. Công tác tham mưu của Ban Chỉ đạo cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về công tác xóa mù chữ còn hạn chế, việc quản lý chưa thực sự chặt chẽ. Một số đơn vị chưa thường xuyên quan tâm đến việc huy động số trẻ em bỏ học, thất học và số người mù chữ ra lớp, đặc biệt số người mới biết chữ chưa được huy động đi học các lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ nên vẫn còn đối tượng tái mù chữ.

Phần thứ hai

NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “XÓA MÙ CHỮ ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác chống mù chữ. Từ đó tích cực tham gia công tác chống mù chữ bằng các nội dung và hình thức thích hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

b) Góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành kèm theo Quyết định số: 997/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh.

c) Tăng cường sự quản lý của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và sự tham gia của toàn xã hội về công tác chống mù chữ trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

a) Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về chủ trương chống mù chữ, góp phần xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

b) Tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số: 692/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành kèm theo Quyết định số: 997/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh; lồng ghép với các kế hoạch, đề án, dự án, các chương trình mục tiêu có liên quan đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Mục tiêu đến năm 2015

a) Độ tuổi 15 - 60: Xóa mù chữ cho 689 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 94,38%. Xóa mù chữ cho 658 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 93,83%.

Trong độ tuổi 15 - 35: Xóa mù chữ cho 511 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 96,45%. Xóa mù chữ cho 490 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 96,16 %.

b) Có 80% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ.

c) Có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 01 và 50% đơn vị đạt chuẩn mức độ 02. Có 96,72% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 01 và 75,40% đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 02.

2. Mục tiêu đến năm 2020

a) Độ tuổi 15 - 60: Xóa mù chữ cho 2.207 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 95,09%. Xóa mù chữ cho 2.062 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 94,57%.

Trong độ tuổi 15 - 35: Xóa mù chữ cho 1.584 người, nâng tỷ lệ biết chữ đạt 97,34%; xóa mù chữ cho 1.433 người dân tộc thiểu số, nâng tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 97,07%.

b) Có 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ.

c) Có 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 01 và 75% đơn vị đạt chuẩn mức độ 02. Có 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 01 và 87,70% đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 02.

3. Lộ trình thực hiện công tác xóa mù chữ: Phụ lục I, II, III kèm theo Kế hoạch này.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ

a) Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của việc biết chữ đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và cộng đồng.

b) Phổ biến các tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ (sách mỏng, tờ gấp, áp phích, băng rôn ...).

c) Gắn kết tuyên truyền chống mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương.

d) Gắn kết tiêu chí người lớn biết chữ để xét công nhận gia đình văn hóa; xóm bản, tổ dân phố đạt văn hóa hàng năm.

đ) Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác chống mù chữ.

2. Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng

a) Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của địa phương, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành Giáo dục với các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ.

b) Hàng năm tổ chức điều tra đến từng hộ gia đình để thống kê chính xác số người mù chữ, người tái mù chữ đảm bảo chính xác, trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp huyện, xã; phân công cán bộ chủ chốt của các xã, thôn, bản vận động từng người mù chữ ra lớp học.

c) Tổ chức các lớp học xóa mù chữ (lớp 1,2,3) phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính. Tích cực mở các lớp học giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (lớp 4,5) để củng cố kết quả biết chữ, duy trì và từng bước nâng cao chuẩn biết chữ. Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, dòng họ trong việc vận động người mù chữ ra lớp học.

d) Thực hiện đúng định mức chi cho công tác xóa mù chữ theo các văn bản hướng dẫn hiện hành. Hướng dẫn thực hiện kinh phí đối với công tác xóa mù chữ. Bố trí giáo viên chuyên trách xóa mù chữ có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên địa bàn cấp xã. Tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

đ) Thực hiện đúng quy trình kiểm tra, đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn chống mù chữ.

e) Duy trì hoạt động của hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về công tác phổ cập giáo dục - chống mù chữ của tỉnh. Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác theo quy định.

3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia chống mù chữ

a) Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài Ngành Giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ.

b) Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số.

c) Bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên dạy xóa mù chữ cho người khuyết tật.

d) Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với những người tham gia dạy xóa mù chữ ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đối với những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia dạy xóa mù chữ.

4. Thực hiện chương trình, tài liệu xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng

a) Thực hiện chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ phù hợp với chương trình phổ thông sau năm 2015. Hướng dẫn thực hiện chương trình phù hợp với các vùng, các nhóm đối tượng.

b) Sử dụng các tài liệu hướng dẫn dạy và học xóa mù chữ phù hợp với nhóm đối tượng người học: Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhóm dân cư vùng nông thôn.

c) Sử dụng học liệu nghe nhìn và ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin truyền thông hỗ trợ dạy, học xóa mù chữ.

5. Củng cố bền vững kết quả chống mù  chữ, hạn chế mù chữ trở lại

a) Tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt,... tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm củng cố kết quả biết chữ, hạn chế mù chữ trở lại.

b) Triển khai tài liệu chuyên đề theo Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ nhằm giúp người mới biết chữ có tài liệu đọc hấp dẫn, thiết thực, trên cơ sở đó, duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ, đồng thời áp dụng những kiến thức vào thực tế cuộc sống, sản xuất.

c) Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ.

d) Tăng cường hoạt động của các điểm bưu điện văn hóa xã; tổ chức mô hình thư viện di động để phục vụ người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

đ) Củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng. Tổ chức các lớp học nghề truyền thống, nghề ngắn hạn cho những người mới biết chữ.

6. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ

a) Tăng cường huy động giáo viên các trường tiểu học; cán bộ hưu trí; các hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức tham gia dạy xóa mù chữ. Đẩy mạnh hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

b) Huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, sách, vở hỗ trợ cho người dạy, người học xóa mù chữ.

7. Hợp tác quốc tế

a) Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về công tác chống mù chữ, tiếp thu có chọn lọc các phương pháp xóa mù chữ hiện đại.

b) Tham gia hội thảo, nghiên cứu học tập kinh nghiệm về công tác chống mù chữ tại một số nước có nhiều kinh nghiệm.

IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Năm 2015 thực hiện bằng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012-2015 và các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp khác.

Giai đoạn 2016-2020: nếu không còn chương trình MTQG sẽ cân đối bằng các nguồn vốn khác để thực hiện.

Huy động thêm nguồn lực của các tổ chức trong và ngoài nước, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện Kế hoạch.

2. Dự toán kinh phí thực hiện:

Chi cho các hoạt động: Hoạt động 1: Công tác điều tra, tổng hợp và vận động người mù chữ đến lớp; Hoạt động 2: Công tác tổ chức lớp XMC, GDTTSKBC; Hoạt động 3: Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ người làm công tác XMC; Hoạt động 4: Hỗ trợ hoạt động Ban Chỉ đạo các cấp.

Dự kiến kinh phí hàng năm như sau:

Năm

Hoạt động 1

Hoạt động 2

Hoạt động 3

Hoạt động 4

Cộng

2015

537.342.000

1.011.193.400

87.118.000

165.550.000

1.801.203.400

2016

842.386.000

812.076.600

87.118.000

165.550.000

1.907.130.600

2017

552.555.000

723.329.900

87.118.000

165.550.000

1.528.552.900

2018

559.821.000

477.572.300

87.118.000

165.550.000

1.290.061.300

2019

568.058.000

446.221.200

87.118.000

165.550.000

1.266.947.200

2020

576.273.000

397.924.700

87.118.000

165.550.000

1.226.865.700

Tổng cộng

3.636.435.000

3.868.318.100

522.708.000

993.300.000

9.020.761.100

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành của tỉnh

a) Sở Giáo dục và Đào tạo

Tham mưu, kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ cấp tỉnh; xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Là cơ quan thường trực triển khai kế hoạch thực hiện Đề án có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương dự toán kinh phí hàng năm, từng giai đoạn; tổng hợp nhu cầu kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xây dựng các Chương trình phối hợp hành động để triển khai thực hiện công tác chống mù chữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn thực hiện kinh phí đối với công tác chống mù chữ của địa phương.

Lựa chọn, cung cấp tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ. Hướng dẫn thực hiện chương trình xóa mù chữ và tài liệu dạy, học theo chương trình xóa mù chữ, tài liệu dạy và học xóa mù chữ cho các nhóm đối tượng.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên dạy xóa mù chữ.

Kiểm tra, giám sát tổng hợp tình hình thực hiện Đề án; định kỳ 06 tháng, hằng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan sưu tầm tài liệu học tập chuyên đề về nông nghiệp và nông thôn để cung cấp cho các trung tâm học tập cộng đồng.

Chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích những người chưa biết chữ ở nông thôn tích cực học xóa mù chữ.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Ban, Ngành liên quan thực hiện chính sách đối với người khuyết tật học xóa mù chữ.

Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tổ chức các lớp học nghề đơn giản cho người mới biết chữ.

d) Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền về công tác chống mù chữ lồng ghép với việc tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập.

đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Tham mưu, phân bổ kinh phí Chương trình MTQG trên cơ sở thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan để thực hiện kế hoạch theo Luật Ngân sách; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, giám sát thực hiện Kế hoạch.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ các cấp.

Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, các Ban, Ngành, đoàn thể của địa phương dự toán kinh phí xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch theo từng năm và từng giai đoạn gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Chủ động nghiên cứu, áp dụng những giải pháp chống mù chữ mang tính đặc thù của địa phương, phù hợp với các nhóm đối tượng.

Bố trí đủ giáo viên chuyên trách làm công tác chống mù chữ tại các xã hoặc kiêm nhiệm làm công tác biệt phái tại Trung tâm Học tập cộng đồng.

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông địa phương tuyên truyền về công tác chống mù chữ, xây dựng xã hội học tập.

Chỉ đạo điều tra, thống kê, cập nhật số liệu, duy trì hoạt động của hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về phổ cập giáo dục - xóa mù chữ.

Hỗ trợ ngân sách cho các hoạt động chống mù chữ ở địa phương, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chế độ, chính sách đối với những người tham gia công tác chống mù chữ và hỗ trợ người học xóa mù chữ.

Triển khai thực hiện hướng dẫn của các Sở, Ban, Ngành liên quan đến nhiệm vụ chống mù chữ trên địa bàn.

Theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện Đề án tại địa phương; định kỳ 06 tháng, hằng năm báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

3. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp

a) Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh

Phối hợp tổ chức tuyên truyền và đôn đốc các tổ chức thành viên xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp hành động để triển khai thực hiện công tác chống mù chữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đưa nội dung xóa mù chữ vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

b) Hội Khuyến học tỉnh

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng, tổ chức các lớp học xóa mù chữ và các lớp chuyên đề để củng cố kết quả biết chữ.

Tổ chức vận động các gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư tích cực vận động người chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ. Huy động học sinh các trường dân tộc nội trú tham gia xóa mù chữ ở địa phương trong thời gian nghỉ hè.

c) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em gái về sự cần thiết phải biết chữ. Phối hợp với Ngành Giáo dục tổ chức điều tra, thống kê số phụ nữ, trẻ em gái không biết chữ; nghiên cứu các biện pháp vận động, tổ chức các hình thức học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng.

Đề xuất với các cơ quan chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái học xóa mù chữ; tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái sau khi học chữ được học nghề, làm nghề để củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ và ổn định cuộc sống của gia đình.

d) Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các Ban, Ngành, đoàn thể liên quan tuyên truyền vận động thanh thiếu niên chưa biết chữ tham gia học xóa mù chữ.

Duy trì đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động như: “Tiếp sức đến trường”, “Tiếp sức mùa thi”,“Xe đạp giúp bạn đến trường”, “Hũ gạo tình thương”,… để hỗ trợ, tiếp bước thanh thiếu nhi đến trường; chương trình “Ánh sáng văn hóa hè”, mở các lớp xóa mù chữ, ôn luyện văn hóa cho thanh thiếu nhi.

Vận động các nguồn lực xây dựng “Nhà bán trú cho em”, “Trường đẹp cho em” tại các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh.

đ) Hội Nông dân tỉnh

Phối hợp với Ngành Giáo dục, chính quyền địa phương tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng người mù chữ ở nông thôn, vận động và tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho nông dân.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn tài liệu liên quan đến chuyên đề nông nghiệp và nông thôn để giảng dạy trong các Trung tâm học tập cộng đồng, nhằm củng cố kết quả xóa mù chữ. Động viên nông dân học xóa mù chữ. Tổ chức các lớp học nghề đơn giản hỗ trợ nông dân học Chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

e) Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức

Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ và giải pháp chống mù chữ phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Hội.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Các Sở, Ngành, UBND huyện, thị xã và các cơ quan có liên quan định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo (cơ quan thường trực triển khai kế hoạch thực hiện Đề án) trước ngày 15/6 và ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch, tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

Phụ lục 01

DỰ KIẾN LỘ TRÌNH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC XÓA MÙ CHỮ ĐẾN NĂM 2020 TỈNH BẮC KẠN

(Kèm theo Quyết định số: 1897/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh)

Năm

Độ tuổi

Số người tham gia học xóa mù chữ

Số người tham gia học GDTTSKBC

Người đạt chuẩn biết chữ Mức độ 1

Người đạt chuẩn biết chữ Mức độ 2

Số lượng

Tỷ lệ

Số lượng

Tỷ lệ

2013

15->35

 

 

115.324

96,02

109.685

91,33

15->60

 

 

200.928

94,06

187.651

87,84

2014

15->35

101

81

115.425

96,11

109.766

91,39

15->60

151

121

201.079

94,13

187.772

87,90

2015

15->35

410

328

115.835

96,45

110.094

91,67

15->60

538

430

201.617

94,38

188.202

88,10

Cộng đến năm 2015

15->35

511

409

115.835

96,45

110.094

91,67

15->60

689

551

201.617

94,38

188.202

88,10

2016

15->35

296

266

116.131

96,69

110.360

91,89

15->60

415

374

202.032

94,57

188.576

88,27

2017

15->35

285

257

116.416

96,93

110.617

92,10

15->60

390

351

202.422

94,76

188.927

88,44

2018

15->35

176

158

116.592

97,08

110.775

92,23

15->60

261

235

202.683

94,88

189.162

88,55

2019

15->35

167

150

116.759

97,22

110.925

92,36

15->60

244

220

202.927

94,99

189.381

88,65

2020

15->35

149

134

116.908

97,34

111.060

92,47

15->60

208

187

203.135

95,09

189.568

88,74

Cộng đến năm 2020

15->35

1.584

1.375

116.908

97,34

111.060

92,47

15->60

2.207

1.917

203.135

95,09

189.568

88,74

 

Phụ lục 02

DỰ KIẾN SỐ NGƯỜI HUY ĐỘNG RA HỌC CÁC LỚP XÓA MÙ CHỮ TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Quyết định số: 1897/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh)

STT

Đơn vị

Số lượng (người)

Năm 2014

Năm 2015

Cộng đến năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Cộng đến năm 2020

15->35

15->60

15->35

15->60

15->35

15->60

15->35

15->60

15->35

15->60

15->35

15->60

15->35

15->60

15->35

15->60

15->35

15->60

1

Chợ Đồn

0

0

100

120

100

120

61

76

50

63

55

75

44

65

60

73

370

472

2

Chợ Mới

0

0

14

22

14

22

0

0

14

22

0

0

0

0

0

0

28

44

3

Na Rì

0

0

140

170

140

170

35

35

30

35

0

0

0

0

0

0

205

240

4

Ba Bể

84

128

42

64

126

192

59

98

59

98

59

98

56

86

42

64

401

636

5

Pác Nặm

17

23

17

34

34

57

17

34

35

44

0

0

0

0

0

0

86

135

6

Bạch Thông

0

0

70

85

70

85

80

95

70

85

35

45

40

50

20

28

315

388

7

Ngân Sơn

0

0

27

43

27

43

44

77

27

43

27

43

27

43

27

43

179

292

 

Cộng

101

151

410

538

511

689

296

415

285

390

176

261

167

244

149

208

1.584

2.207

 

Phụ lục 03

DỰ KIẾN SỐ NGƯỜI HUY ĐỘNG RA HỌC CÁC LỚP DGTTSKBC TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020

(Kèm theo Quyết định số:1897/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh)

STT

Đơn vị

Số lượng (người)

Năm 2014

Năm 2015

Cộng đến năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Cộng đến năm 2020

15-> 35

15-> 60

15-> 35

15-> 60

15-> 35

15-> 60

15-> 35

15-> 60

15-> 35

15-> 60

15->35

15-> 60

15->35

15->60

15->35

15->60

15->35

15->60

1

Chợ Đồn

0

0

80

96

80

96

55

68

45

57

50

68

40

59

54

66

323

413

2

Chợ Mới

0

0

11

18

11

18

0

0

13

20

0

0

0

0

0

0

24

37

3

Na Rì

0

0

112

136

112

136

32

32

27

32

0

0

0

0

0

0

171

199

4

Ba Bể

67

102

34

51

101

154

53

88

53

88

53

88

50

77

38

58

348

553

5

Pác Nặm

14

18

14

27

27

46

15

31

32

40

0

0

0

0

0

0

74

116

6

Bạch Thông

0

0

56

68

56

68

72

86

63

77

32

41

36

45

18

25

277

341

7

Ngân Sơn

0

0

22

34

22

34

40

69

24

39

24

39

24

39

24

39

158

259

 

Cộng

81

121

328

430

409

551

266

374

257

351

158

235

150

220

134

187

1.375

1.917

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1897/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án Xóa mù chữ đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

  • Số hiệu: 1897/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/10/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Lý Thái Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản