Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1531/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC KHU KINH TẾ CỬA KHẨU VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ vào Nghị quyết số 470/2012/NQ-UBTVQH13 ngày 27 tháng 02 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu;

Căn cứ Quyết định số 671/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 470/2012/NQ-UBTVQH13 ngày 27 tháng 02 năm 2012;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 4195/TTr-BKHĐT ngày 20 tháng 6 năm 2013 và văn bản số 6024/BKHĐT-CLPT ngày 20 tháng 8 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

a) Phát triển kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu gắn với việc xây dựng và phát triển mối quan hệ chính trị hữu nghị, ổn định, bền vững giữa nước ta với các nước Trung Quốc, Lào và Campuchia. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước qua các khu kinh tế cửa khẩu;

b) Phát triển kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu phải có tầm nhìn dài hạn, có thứ tự ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể và định hướng phát triển của quốc gia;

c) Lấy hiệu quả kinh tế, chính trị và lợi ích chung của quốc gia làm yêu cầu cao nhất và là tiêu chí quan trọng để rà soát quy hoạch và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, tính toán đầy đủ ảnh hưởng của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Các bên tham gia hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư... đều được hưởng lợi từ kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu;

d) Việc triển khai xây dựng trong các khu kinh tế cửa khẩu phải tuân thủ quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sử dụng đất đúng lộ trình, đầu tư xây dựng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, tránh sự dàn trải, không tập trung, gây lãng phí nguồn lực;

đ) Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế cửa khẩu với phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ với quy hoạch nguồn nhân lực, quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội (trường học, cơ sở y tế, văn hóa, thể thao, khu dân cư…);

e) Phát triển kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế cửa khẩu phải chú ý tới yêu cầu bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu tại các khu vực biên giới theo hướng hiện đại, đồng bộ, trở thành các vùng kinh tế động lực của từng tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đến năm 2020 cả nước quy hoạch 26 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách để xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mô hình tổ chức quản lý, cơ chế chính sách cho một số khu kinh tế cửa khẩu hoạt động có hiệu quả cao; đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến khu kinh tế cửa khẩu.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tập trung hoàn thiện, xây dựng và phát triển các khu kinh tế cửa khẩu hiện có theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Đẩy nhanh sự phát triển hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển hàng hóa quá cảnh, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ.

- Phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD với tốc độ tăng bình quân khoảng 12,3 %/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 14 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 16 tỷ USD. Đến năm 2030 kim ngạch xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu đạt khoảng 50 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 22 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 28 tỷ USD.

- Đến năm 2020, đón khoảng 16,5 triệu lượt khách xuất nhập cảnh từ các nước vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước láng giềng qua các khu kinh tế cửa khẩu, trong đó khách từ Việt Nam đi các nước láng giềng khoảng 8,5 triệu lượt và khách từ các nước vào Việt Nam khoảng 8 triệu lượt. Đến năm 2030, đón khoảng 26 triệu lượt khách xuất nhập cảnh từ các nước vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước láng giềng qua các khu kinh tế cửa khẩu, trong đó khách từ Việt Nam đi các nước láng giềng khoảng 13,2 triệu lượt và khách từ các nước vào Việt Nam khoảng 12,8 triệu lượt.

3. Định hướng:

a) Trong giai đoạn 2013 - 2020:

- Không bổ sung thêm các khu kinh tế cửa khẩu vào quy hoạch và chưa xem xét thành lập mới các khu kinh tế cửa khẩu đã có trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2008;

- Sáp nhập ba (03) Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang thuộc tỉnh Cao Bằng đã được áp dụng cơ chế, chính sách theo Quyết định số 83/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ thành Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng để tạo thuận lợi trong quản lý và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đúng tiêu chí và điều kiện “bao gồm các đơn vị hành chính liền kề, không tách biệt về không gian” theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ;

b) Trong giai đoạn 2021 - 2030: Chỉ xem xét thành lập các khu kinh tế cửa khẩu đã có trong quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2008 khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định của pháp luật.

4. Lựa chọn một số khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm:

a) Giai đoạn 2013 - 2015, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đối với nhóm tám (08) khu kinh tế cửa khẩu đã được lựa chọn để tập trung đầu tư tại văn bản số 2074/TTg-KTTH ngày 07 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ với mức hỗ trợ tối thiểu 70% tổng nguồn vốn trong kế hoạch hàng năm hỗ trợ cho các khu kinh tế cửa khẩu.

b) Giai đoạn sau 2015, đánh giá, xếp loại các khu kinh tế cửa khẩu theo các tiêu chí và điều kiện được phê duyệt để lựa chọn, tập trung đầu tư.

c) Đối với các khu kinh tế cửa khẩu không được lựa chọn, tập trung đầu tư, ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần để hoàn thiện một số công trình hạ tầng thiết yếu đang thực hiện. Các địa phương chủ động huy động các nguồn vốn và hình thức đầu tư để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng của khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại địa phương.

5. Tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển đối với khu kinh tế cửa khẩu.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Phổ biến quy hoạch: Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với các giai đoạn phát triển.

2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu theo các giai đoạn 5 năm. Việc phân bổ, bố trí vốn đầu tư cho các công trình, dự án trong khu kinh tế cửa khẩu phải tuân thủ các quy định của pháp luật;

b) Chủ trì và là đầu mối theo dõi quá trình triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các nội dung không điều chỉnh tại Quyết định này được tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 52/2008/QĐ-TTg ngày 25 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1531/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 1531/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/08/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 13/09/2013
  • Số công báo: Từ số 565 đến số 566
  • Ngày hiệu lực: 30/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản