Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 470/2012/NQ-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2012

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC KHU KINH TẾ, KHU KINH TẾ CỬA KHẨU

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Căn cứ vào Nghị quyết số 54/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010 về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội trong năm 2011;

Căn cứ Nghị quyết số 1003/NQ-UBTVQH12 ngày 25 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2011;

Trên cơ sở xem xét Báo cáo kết quả giám sát số 88/BC-ĐGS ngày 15 tháng 12 năm 2011 của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 274/BC-CP ngày 12 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu,

QUYẾT NGHỊ

Điều 1.

Tán thành cơ bản nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu với những đánh giá về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và các giải pháp, kiến nghị; đồng thời, nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

1. Việc hình thành và xây dựng các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của một số địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu, kết hợp phát triển kinh tế với giữ vững quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại. Các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Nhà nước đã có tác động tích cực và hiệu quả bước đầu đối với phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu cũng như đối với các địa phương có các khu kinh tế này.

2. Một số khu kinh tế bước đầu phát huy vai trò động lực phát triển của địa phương, vùng và đã đạt được một số kết quả trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn các khu kinh tế tuy đã được thành lập nhưng còn đang trong quá trình đầu tư xây dựng, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thiếu và chưa đồng bộ. Công tác quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư, tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng cho các khu kinh tế chậm. Nhu cầu đầu tư lớn nhưng khả năng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để phần lớn các khu kinh tế chưa đáp ứng các mục tiêu cơ bản, nhất là thu hút đầu tư tập trung hình thành các trung tâm phát triển kinh tế-xã hội, chưa thể hiện rõ được sức lan tỏa cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng và khu vực.

Các khu kinh tế cửa khẩu đã thu hút được nhiều dự án đầu tư và doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất - nhập khẩu. Hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa tại một số khu kinh tế cửa khẩu ngày càng sôi động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân cư và bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng tại các khu kinh tế cửa khẩu chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển do chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách trung ương, nên đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và sản xuất, kinh doanh tại các khu kinh tế cửa khẩu.

3. Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật về khu kinh tế khá đầy đủ, bước đầu đã thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư. Tuy nhiên chính sách về ưu đãi đầu tư chưa đủ mạnh để tạo sức hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Việc ban hành các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành chậm và chưa chi tiết, một số văn bản còn mâu thuẫn, thiếu nhất quán. Chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư áp dụng chung cho tất cả các khu kinh tế trong cả nước, trong khi đó các khu kinh tế, kinh tế cửa khẩu có điều kiện khác nhau. Việc phối hợp hoạt động, thực hiện cải cách hành chính tại cửa khẩu còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu, nhất là các thủ tục liên quan đến các sở, ban, ngành. Chưa xây dựng và thực hiện được một chương trình quảng bá và xúc tiến đầu tư quy mô ở cấp quốc gia có tính hệ thống ở nước ngoài về khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

Điều 2.

Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau đây:

1. Tạm thời không thành lập mới khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu để tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, trên cơ sở đó xem xét, lựa chọn một số khu kinh tế có tiềm năng và sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội vùng, cả nước; một số khu kinh tế cửa khẩu có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, hạ tầng xã hội tạo thế cạnh tranh với các quốc gia láng giềng báo cáo Quốc hội để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển. Những khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu còn lại nghiên cứu lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư phát triển có hiệu quả.

2. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định liên quan đến chính sách về thuế, đất đai, về xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức quản lý, xuất nhập cảnh và cải cách thủ tục hành chính nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Tiếp tục nghiên cứu để áp dụng các ưu đãi khuyến khích đầu tư, thương mại, xuất - nhập khẩu mang tính đột phá, tạo ra lợi thế so sánh của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

3. Xây dựng cơ chế, chính sách và áp dụng các biện pháp thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, hình thức hợp tác công tư (PPP) và các hình thức hợp tác khác. Ưu tiên đầu tư phát triển kết nối cơ sở hạ tầng bên ngoài các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu với việc quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp với quy hoạch các công trình hạ tầng xã hội, quy hoạch phát triển đô thị và các quy hoạch ngành nhằm bảo đảm hiệu quả thu hút đầu tư cũng như các dịch vụ thiết yếu khác cho doanh nghiệp, người lao động và dân cư sinh sống trên địa bàn, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Điều 3.

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 4.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Sinh Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 470/2012/NQ-UBTVQH13 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật xây dựng và phát triển khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 470/2012/NQ-UBTVQH13
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 27/02/2012
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản