Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 146/QĐ-UBDT

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2018 THEO ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017-2021”

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC

Căn cứ Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 08 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”;

Căn cứ Quyết định số 64/QĐ-UBDT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc giao thực hiện nhiệm vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc năm 2018;

Căn cứ Quyết định số 809/QĐ-UBDT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018 cho Văn phòng Ủy ban;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các Vụ, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp (để phối hợp);
- Cổng thông tin điện tử UBDT;
- Lưu: VT, PC (10 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Sơn Hải

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2018 THEO ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT VÀ TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG ĐỒNG BÀO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2017-2021”
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 146/QĐ-UBDT, ngày 19 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ các giải pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới vùng dân tộc thiểu số và miền núi;

- Cung cấp thông tin kịp thời, chính xác những nội dung cơ bản về các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống các chính sách dân tộc để đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi từng bước nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội;

- Tạo chuyển biến về ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

2. Yêu cầu

- Các nhiệm vụ cần bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền công dân; công tác dân tộc, chính sách dân tộc; thực hiện đúng nội dung, xác định rõ những nhiệm vụ có tính đặc thù trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Đảm bảo tính khả thi, kế thừa, có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và phù hợp với, đặc điểm, phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống của các dân tộc, vùng miền.

- Quản lý và sử dụng kinh phí tiết kiệm.

II. NỘI DUNG

1. Nhiệm vụ 2018

Năm 2018, tập trung thực hiện trong 2 nhiệm vụ trọng tâm:

Nhiệm vụ 1. Phổ biến nội dung các quy định chung của Hiến pháp, pháp luật về quyền công dân.

Nhiệm vụ 2. Phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về: giảm nghèo; hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển thương mại, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ.

2. Phạm vi thực hiện

Các nhiệm vụ trên triển khai thực hiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

III. HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NĂM 2018

1. Triển khai biên soạn sổ tay kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi dành cho báo cáo viên và sổ tay hỏi đáp pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

1.1. Biên soạn sổ tay kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi dành cho báo cáo viên

a) Nội dung: Tập tài liệu gồm 2 phần, 7 chuyên đề:

Phần I. Những vấn đề chung

Chuyên đề 1: Một số vấn đề chung về phổ biến giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (tập trung vào đối tượng đặc thù, vùng miền, các yếu tố ảnh hưởng, phong tục tập quán...)

Chuyên đề 2: Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chuyên đề 3: Xây dựng tài liệu, các ấn phẩm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dành cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Phần II. Kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật

Chuyên đề 4: Kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp (tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, thuyết trình...) cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chuyên đề 5: Kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động sinh hoạt cộng đồng của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chuyên đề 6: Kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hòa giải ở cơ sở khi giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chuyên đề 7: Một số kinh nghiệm trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, duyên hải Miền Trung và khu vực Nam Bộ.

b) Đồng chủ biên: Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Tất Viễn, nguyên Ủy viên Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và đồng chí Lý Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc.

c) Phương thức thực hiện

- Giao Vụ Pháp chế:

+ Phối hợp với Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, các chuyên gia, các nhà khoa học, các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban triển khai biên soạn và xuất bản theo quy định.

+ In ấn tài liệu cung cấp cho đại biểu tham gia tập huấn dự kiến khoảng 500 đến 800 cuốn.

+ Khổ in xuất bản: 14.5x20.5 cm, khoảng 200 trang, trong đó 4 trang bìa in mầu.

1.2. Biên soạn cuốn sổ tay hỏi đáp pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

a) Nội dung: Xây dựng câu hỏi đáp, tình huống pháp luật về 2 nội dung:

- Nội dung 1: quyền nhân thân, quyền tài sản; quyền dùng tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số; quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự; quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; quyền học tập; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước.

- Nội dung 2: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới; chính sách vay vốn tín dụng đối với hộ nghèo, cận nghèo, đối với người dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ phát triển thương mại, xúc tiến thương mại, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ, hội chợ thương mại đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã; chính sách phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

b) Đồng chủ biên: Tiến sỹ Đỗ Xuân Lân, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và đồng chí Lý Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, đồng chí Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ chính sách Dân tộc, đồng chí Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, đồng chí Võ Văn Bảy, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình 135.

c) Phương thức thực hiện

- Giao Vụ Pháp chế:

+ Phối hợp với Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, các chuyên gia, các nhà khoa học, các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban triển khai biên soạn và xuất bản theo quy định.

+ In ấn tài liệu cung cấp cho đại biểu tham gia tập huấn, hội nghị phổ biến pháp luật: dự kiến khoảng 400 đến 700 cuốn.

+ Khổ in: 16x24cm, khoảng 200 trang, trong đó 4 trang bìa in mầu.

1.3. Thời gian hoàn thành: tháng 6 năm 2018.

2. Tổ chức tập huấn kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi

2.1. Đối tượng: Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện; công chức thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện.

2.2. Mục đích: Cung cấp kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho đội ngũ báo cáo viên, công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

2.3. Hội nghị tập huấn khu vực phía Bắc

- Thời gian tập huấn: 02 ngày/hội nghị

- Tham dự hội nghị gồm 24 tỉnh, thành phố: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Ninh Bình.

- Địa điểm: địa điểm tổ chức tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (giao Vụ Pháp chế thống nhất với địa phương để tổ chức triển khai hội nghị).

- Số lượng đại biểu triệu tập: dự kiến 110 đại biểu.

2.4. Hội nghị tập huấn khu vực Duyên hải miền trung và Tây Nguyên

- Thời gian tập huấn: 02 ngày/hội nghị

- Tham dự hội nghị gồm 12 tỉnh, thành phố: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

- Địa điểm: địa điểm tổ chức tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (giao Vụ Pháp chế thống nhất với địa phương để tổ chức triển khai hội nghị).

- Số lượng đại biểu triệu tập: dự kiến 80 đại biểu.

2.5. Hội nghị tập huấn khu vực phía Nam

- Thời gian tập huấn: 02 ngày/hội nghị

- Tham dự hội nghị gồm 16 tỉnh, thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

- Địa điểm: địa điểm tổ chức tại Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (giao Vụ Pháp chế thống nhất với địa phương để tổ chức triển khai hội nghị).

- Số lượng đại biểu triệu tập: dự kiến 90 đại biểu.

2.6. Tổ chức thực hiện và thời gian thực hiện

- Tổ chức thực hiện: Giao Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện.

- Thời gian: mỗi đoàn công tác 05 ngày; 6 người/đoàn (Ủy ban dân tộc, Bộ Tư pháp, Báo cáo viên).

2.7. Thời gian thực hiện: quý II, III, IV năm 2018

3. Tổ chức hội nghị điểm phổ biến, giáo dục pháp luật

3.1. Đối tượng

- Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, phum, sóc; các đoàn thể ở thôn, bản, phum, sóc; người có uy tín, già làng, chức sắc tôn giáo, tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc các địa phương; cán bộ, công chức cấp xã.

3.2. Nội dung phổ biến

- Phổ biến nội dung các quy định chung của Hiến pháp, pháp luật về quyền công dân; các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về: giảm nghèo, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, phát triển thương mại, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ.

- Cung cấp tài liệu, sách pháp luật, sổ tay hỏi đáp pháp luật phù hợp với vùng, miền.

3.3. Thời gian

- Thời gian: 02 ngày/hội nghị.

- Mỗi hội nghị 100 đại biểu, trong đó: 80 đại biểu không hưởng lương từ NSNN và 20 đại biểu hưởng lương từ NSNN.

- Năm 2018: tổ chức 3 hội nghị điểm tại ba khu vực, gồm:

+ Hội nghị điểm phổ biến, giáo dục pháp luật khu vực miền núi phía Bắc: tổ chức tại huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai.

+ Hội nghị điểm phổ biến, giáo dục pháp luật khu vực Duyên hải miền trung, Tây Nguyên: tổ chức tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

+ Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật khu vực Nam Bộ: tổ chức tại huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

3.4. Tổ chức thực hiện và thời gian thực hiện

- Tổ chức thực hiện: Giao Vụ pháp chế, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.

- Thời gian: 6 ngày/đoàn (riêng đoàn công tác tại Lào Cai 7 ngày); 6 người/đoàn.

3.5. Thời gian thực hiện: quý II, III, IV năm 2018.

4. Xây dựng mô hình điểm

4.1. Chủ đề: Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm giảm thiểu vi phạm pháp luật về mua bán người.

4.2 Mục đích: xây dựng, duy trì hoạt động của mô hình điểm tại địa phương thông qua việc triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm cung cấp thông tin pháp luật kịp thời đến người dân, từng bước nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của người dân; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc góp phần ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, giảm thiểu tình trạng buôn bán người tại địa phương.

4.3. Nội dung hoạt động

Tổ chức đồng bộ các giải pháp: xây dựng lực lượng cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật tại nơi xây dựng mô hình; tập huấn cho các cộng tác viên; tổ chức ký cam kết với các hộ dân; cấp phát tài liệu, hỗ trợ cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; duy trì sinh hoạt định kỳ.

4.4. Tiêu chí, địa điểm

- Tiêu chí: Mô hình điểm được đặt tại xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới có tình hình vi phạm pháp luật về buôn bán người diễn ra phức tạp.

- Địa điểm: Xây dựng mới một mô hình điểm tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

4.5. Thời gian thực hiện: quý II, III, IV năm 2018.

4.6. Tổ chức thực hiện

- Giao Vụ Pháp chế phối hợp với Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức khảo sát thực tế tại xã địa phương nơi xây dựng mô hình điểm, hướng dẫn xây dựng mô hình; trang bị sách pháp luật (dự kiến từ 10 đến 15 đầu sách cơ bản; mỗi đầu sách từ 5 đến 10 cuốn); cấp sổ tay kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi dành cho báo cáo viên và sổ tay hỏi đáp pháp luật dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

- Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai: chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện Mường Khương, UBND xã Nậm Chảy tổ chức xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động của mô hình điểm.

- Hàng quý, 6 tháng một năm tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình báo cáo Lãnh đạo Ủy ban.

IV. KINH PHÍ

- Kinh phí thực hiện kế hoạch này là 930.000.000 đồng (chín trăm ba mươi triệu đồng chẵn) được giao tại Quyết định 809/QĐ-UBDT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

- Kinh phí thực hiện biên soạn sổ tay kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi dành cho báo cáo viên áp dụng quy định tại Quyết định số 723/QĐ-UBDT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành một số định mức xây dựng, phân bổ dự toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp cơ sở có sử dụng ngân sách của Ủy ban Dân tộc (khoán thuê chuyên gia trong nước xây dựng đề cương, chuyên đề).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Vụ Tuyên truyền, các Vụ, đơn vị liên quan xây dựng chương trình, nội dung dự toán chi tiết triển khai thực hiện kế hoạch.

2. Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, Văn phòng Ủy ban thẩm định dự toán kinh phí.

3. Văn phòng Ủy ban phối hợp bảo đảm kinh phí kịp thời tổ chức triển khai các hoạt động và hướng dẫn việc thanh quyết toán kinh phí.

4. Các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức thực hiện kế hoạch theo đúng nội dung và tiến độ thời gian được phê quyệt./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 146/QĐ-UBDT năm 2018 về Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo Đề án Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 146/QĐ-UBDT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/03/2018
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Lê Sơn Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/03/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản