Hệ thống pháp luật

Chương 4 Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 1993

Chương 4:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CƠ QUAN ĐẠI DIỆN

Điều 19

Nội dung quản lý nhà nước đối với cơ quan đại diện bao gồm:

1- Ban hành các văn bản pháp luật về cơ quan đại diện;

2- Quyết định thành lập, đình chỉ hoạt động, tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan đại diện;

3- Quy định tiêu chuẩn viên chức, nhân viên cơ quan đại diện;

4- Chỉ đạo và hướng dẫn hoạt động của cơ quan đại diện;

5- Giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan đại diện, khen thưởng và xử lý vi phạm.

Điều 20

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với các cơ quan đại diện.

Bộ Ngoại giao thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các cơ quan đại diện.

Điều 21

Chủ tịch nước chỉ thị trực tiếp cho cơ quan đại diện khi cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền chỉ thị trực tiếp cho cơ quan đại diện.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp cơ quan đại diện.

Người đứng đầu cơ quan đại diện có trách nhiệm báo cáo lên Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao về công tác của cơ quan đại diện.

Điều 22

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1- Trình Chính phủ quyết định thành lập hoặc đình chỉ hoạt động của cơ quan đại diện;

2- Trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp quy về cơ quan đại diện;

3- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện và của thành viên cơ quan đại diện;

4- Điều hoà, phối hợp hoạt động giữa cơ quan đại diện với các cơ quan hữu quan ở trong nước;

5- Cử và triệu hồi viên chức của cơ quan đại diện không phải là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Công sứ đặc mệnh toàn quyền và Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực tại Liên hợp quốc; điều động nhân viên của cơ quan đại diện. Trong trường hợp viên chức, nhân viên không thuộc Bộ Ngoại giao thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cử, điều động trên cơ sở đề nghị của thủ trưởng cơ quan hữu quan;

6- Chỉ đạo việc quản lý cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí của cơ quan đại diện.

Điều 23

1- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm thông qua Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan đại diện quản lý và chỉ đạo các viên chức, nhân viên do mình cử đi làm việc tại cơ quan đại diện, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước.

2- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội có trách nhiệm thông qua Bộ Ngoại giao phối hợp với cơ quan đại diện thực hiện các hoạt động đối ngoại thuộc lĩnh vực mình phụ trách và chỉ đạo các đoàn thuộc cơ quan, tổ chức mình cử đi công tác tại nước ngoài.

3- Các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội ở Trung ương và địa phương được quyền thông qua Bộ Ngoại giao yêu cầu cơ quan đại diện thực hiện hoặc hỗ trợ hoạt động của cơ quan, tổ chức mình ở nước ngoài.

Điều 24

Đại diện các cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội của Việt Nam ở nước tiếp nhận không thuộc tổ chức của cơ quan đại diện chịu sự lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan đại diện và có trách nhiệm báo cáo công việc với người đứng đầu cơ quan đại diện.

Điều 25

Các đoàn Việt Nam được cử đi công tác ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đại diện tại nước đoàn đến về nội dung, chương trình và kết quả hoạt động để cơ quan đại diện thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước các hoạt động đối ngoại ở nước tiếp nhận.

Cơ quan đại diện có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 26

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam ra nước ngoài có nghĩa vụ chấp hành sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước đó.

Điều 27

Nếu tại nước có cả Cơ quan đại diện ngoại giao, Phái đoàn đại diện thường trực, Cơ quan lãnh sự thì Cơ quan đại diện ngoại giao chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đối ngoại tại nước tiếp nhận. Trong trường hợp chỉ có Phái đoàn đại diện thường trực và Cơ quan lãnh sự thì Cơ quan lãnh sự chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với hoạt động đối ngoại tại nước tiếp nhận. Những vấn đề thuộc lĩnh vực của tổ chức quốc tế do Phái đoàn đại diện thường trực quản lý.

Điều 28

1- Nhà nước Việt Nam ký kết và tham gia các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm cho cơ quan đại diện, thành viên cơ quan đại diện và thành viên gia đình họ đi theo được hưởng đầy đủ các quyền ưu đãi, miễn trừ tại nước tiếp nhận.

2- Nhà nước Việt Nam dành các chế độ ưu đãi theo pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế cho thành viên của cơ quan đại diện và thành viên của gia đình họ đi theo để tạo điều kiện cho họ hoàn thành nhiệm vụ.

Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 1993

  • Số hiệu: 27-L/CTN
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 02/12/1993
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đức Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH