Hệ thống pháp luật

Chương 1 Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 1993

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là cơ quan đại diện) gồm Cơ quan đại diện ngoại giao, Phái đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế liên chính phủ và Cơ quan lãnh sự. Cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với nước, tổ chức quốc tế tiếp nhận trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn do pháp luật quy định.

Điều 2

Cơ quan đại diện do Chính phủ quyết định thành lập hoặc đình chỉ hoạt động theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Điều 3

1- Cơ quan đại diện hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tôn trọng pháp luật, phong tục tập quán của nước tiếp nhận, của nước mà tổ chức quốc tế đặt trụ sở và pháp luật, tập quán quốc tế.

2- Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Pháp lệnh này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 4

Thành viên của Cơ quan đại diện phải là người có phẩm chất, năng lực hoạt động quốc tế và phục vụ hoạt động quốc tế.

Điều 5

1- Pháp lệnh này áp dụng đối với Cơ quan đại diện ngoại giao, Phái đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế liên Chính phủ và Cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.

2- Cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Pháp lệnh này và Pháp lệnh Lãnh sự.

Điều 6

Trong Pháp lệnh này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- Cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Cơ quan đại diện ngoại giao) là cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về mọi lĩnh vực quan hệ với nước tiếp nhận.

Cơ quan đại diện ngoại giao gồm Đại sứ quán, Công sứ quán và đại biện quán. Trong trường hợp đặc biệt, Cơ quan đại diện ngoại giao có tên gọi khác theo sự thoả thuận giữa Việt Nam và nước tiếp nhận.

2- Người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đối với Đại sứ quán, Công sứ đặc mệnh toàn quyền đối với Công sứ quán và Đại biện đối với Đại biện quán.

3- Thành viên của Cơ quan đại diện ngoại giao gồm viên chức ngoại giao, nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ.

Viên chức ngoại giao là thành viên có cương vị ngoại giao của Cơ quan đại diện ngoại giao, kể cả người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao.

Nhân viên hành chính, kỹ thuật là thành viên làm công việc hành chính, kỹ thuật của Cơ quan đại diện ngoại giao.

Nhân viên phục vụ là thành viên làm công việc phục vụ của Cơ quan đại diện ngoại giao.

4- Phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại tổ chức quốc tế liên Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Phái đoàn đại diện thường trực) là cơ quan đại diện của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chức năng ngoại giao tại Tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế liên Chính phủ ngoài hệ thống Liên hợp quốc (dưới đây gọi tắt là Tổ chức quốc tế).

5- Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực là người đứng đầu Phái đoàn đại diện thường trực.

6- Thành viên của Phái đoàn đại diện thường trực gồm viên chức ngoại giao, nhân viên hành chính, kỹ thuật và nhân viên phục vụ.

7- Cơ quan lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Cơ quan lãnh sự) là cơ quan đại diện về lãnh sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại khu vực lãnh sự ở nước tiếp nhận.

Cơ quan lãnh sự gồm Tổng lãnh sự quán và Lãnh sự quán.

Pháp lệnh về Cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài năm 1993

  • Số hiệu: 27-L/CTN
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 02/12/1993
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đức Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1994
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH