Hệ thống pháp luật

Chương 5 Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001

Chương 5:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 36

Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật bao gồm:

1. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

3. Tổ chức theo dõi, phát hiện, xác minh sinh vật gây hại tài nguyên thực vật; chỉ đạo việc ngăn chặn, dập tắt dịch gây hại tài nguyên thực vật; quyết định công bố dịch, bãi bỏ quyết định công bố dịch;

4. Tổ chức thực hiện công tác kiểm dịch thực vật;

5. Tổ chức đăng ký, kiểm định, khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật;

6. Cấp, thu hồi giấy phép khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật mới, giấy phép nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng hoặc chưa có trong danh mục được phép sử dụng, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật, giấy chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, giấy chứng chỉ hành nghề xông hơi khử trùng;

7. Tổ chức nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

8. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

9. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

10. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 37

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên phạm vi cả nước.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước và chỉ đạo hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết hợp với hoạt động khuyến nông trong phạm vi địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

5. Hệ thống chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến địa phương. Chính phủ quy định cụ thể tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 38

Thanh tra về bảo vệ và kiểm dịch thực vật là thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật, kiểm dịch thực vật, quản lý thuốc bảo vệ thực vật và kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Chính phủ quy định.

Điều 39

Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Cá nhân có quyền tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001

  • Số hiệu: 36/2001/PL-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 25/07/2001
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH