Hệ thống pháp luật

Chương 3 Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001

Chương 3:

KIỂM DỊCH THỰC VẬT

Điều 14

1. Công tác kiểm dịch thực vật phải bảo đảm phát hiện và kết luận chính xác, nhanh chóng, kịp thời tình hình nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

2. Công tác kiểm dịch thực vật bao gồm:

a) Thực hiện các biện pháp kiểm tra vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật;

b) Quyết định biện pháp xử lý thích hợp đối với vật thể nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật;

c) Giám sát, xác nhận việc thực hiện các biện pháp xử lý;

d) Điều tra, theo dõi, giám sát tình hình sinh vật gây hại trên giống cây nhập nội và sản phẩm thực vật lưu trữ trong kho;

đ) Phổ biến, hướng dẫn phương pháp phát hiện, nhận biết đối tượng kiểm dịch thực vật, thể lệ và biện pháp kiểm dịch thực vật.

3. Cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật được trang bị các phương tiện cần thiết và hiện đại để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 15

Trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định và công bố Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật, Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Điều 16

Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải theo dõi tình trạng nhiễm sinh vật gây hại ở vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của mình.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có đối tượng kiểm dịch thực vật thuộc danh mục đã công bố hoặc sinh vật gây hại lạ thì chủ vật thể phải áp dụng các biện pháp cần thiết để diệt trừ và ngăn chặn sự lây lan, đồng thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Điều 17

1. Khi phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật thuộc danh mục đã công bố hoặc sinh vật gây hại lạ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải quyết định các biện pháp để bao vây, tiêu diệt đối tượng đó và yêu cầu chủ vật thể phải thực hiện ngay các biện pháp này.

2. Trường hợp đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc sinh vật gây hại lạ lây lan thành dịch thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải báo ngay với cơ quan có thẩm quyền để quyết định công bố dịch theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này.

Điều 18

1. Việc kiểm dịch thực vật được tiến hành đối với tất cả vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập.

2. Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật thì được xử lý như sau:

a) Nếu vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật chưa có trên lãnh thổ Việt Nam mà thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam thì không được phép nhập khẩu và phải trả về nơi xuất xứ hoặc tiêu huỷ;

b) Nếu vật thể bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật có phân bố hẹp trên lãnh thổ Việt Nam mà thuộc Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam hoặc những sinh vật gây hại lạ khác thì trước khi đưa vào nội địa phải thực hiện các biện pháp xử lý triệt để do cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật quyết định.

3. Trong trường hợp chưa đủ điều kiện để kết luận về tình trạng nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật thì phải được bảo quản nghiêm ngặt ở một địa điểm quy định. Trong thời hạn theo quy định của Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật phải có kết luận để vật thể đó được phép sử dụng hoặc bị xử lý theo quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều này.

Điều 19

1. Sinh vật có ích, tài nguyên thực vật nhập nội để làm giống hoặc có thể được sử dụng làm giống phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật kiểm tra, giám sát và theo dõi chặt chẽ theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

2. Sinh vật có ích, tài nguyên thực vật được nhập nội để làm giống hoặc có thể được sử dụng làm giống khi vận chuyển từ địa phương này đến địa phương khác thì chủ vật thể phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật của địa phương nơi đến để theo dõi, giám sát.

3. Giống cây trồng mới, lần đầu tiên nhập khẩu phải được gieo trồng ở một nơi quy định để theo dõi tình hình sinh vật gây hại, chỉ sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật kết luận không mang đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam mới được đưa vào sản xuất.

Điều 20

1. Việc kiểm dịch thực vật được tiến hành đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu nếu trong hợp đồng mua bán hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định phải kiểm dịch.

2. Trong trường hợp vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật sau khi thực hiện các biện pháp xử lý mà vẫn không đạt tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Điều 21

Tổ chức, cá nhân trước khi đưa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật và phải được áp dụng các biện pháp ngăn chặn sinh vật gây hại nguy hiểm từ vật thể đó lây lan vào Việt Nam. Trong trường hợp xẩy ra lây lan thì chủ vật thể phải báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Việt Nam nơi gần nhất và phải thực hiện các biện pháp bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 22

1. Tổ chức, cá nhân khi nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 1 Điều 20 và Điều 21 của Pháp lệnh này phải khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Việt Nam tại cửa khẩu đường bộ, đường xe lửa, đường sông, đường biển, đường hàng không, bưu điện và phải được cơ quan này kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhận được giấy khai báo, căn cứ tính chất, số lượng, loại hàng hoá mà quyết định và thông báo cho chủ vật thể biết địa điểm, thời gian tiến hành kiểm dịch.

3. Việc kiểm dịch thực vật phải được tiến hành ngay sau khi vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được đưa đến địa điểm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

4. Chính phủ quy định cụ thể chế độ, tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh.

Điều 23

Trường hợp vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật từ nước ngoài mà bị rơi vãi, vứt bỏ, để lọt vào Việt Nam, thì chủ vật thể hoặc người phát hiện phải báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Việt Nam nơi gần nhất để xử lý.

Điều 24

Tổ chức, cá nhân thực hiện việc xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bằng biện pháp xông hơi khử trùng phải có chứng chỉ hành nghề và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 25

Khi làm nhiệm vụ kiểm dịch, viên chức phải mang sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu và thẻ kiểm dịch theo quy định của Chính phủ.

Điều 26

Chủ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải trả phí và lệ phí bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật.

Điều 27

Nghiêm cấm việc đưa vào Việt Nam hoặc làm lây lan giữa các vùng trong nước:

1. Đối tượng kiểm dịch thực vật thuộc danh mục đã công bố;

2. Sinh vật gây hại lạ;

3. Đất có sinh vật gây hại.

Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001

  • Số hiệu: 36/2001/PL-UBTVQH10
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 25/07/2001
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 37
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH