Hệ thống pháp luật

Điều 10 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

Điều 10. Về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự

1. Trường hợp Tòa án nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi mở phiên tòa thì thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải xem xét đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó. Nếu đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 133 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn. Nếu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ thì Thẩm phán yêu cầu họ cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu của Thẩm phán. Thẩm phán cũng có thể hỏi thêm ý kiến của họ.

Thẩm phán có thể yêu cầu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trình bày ý kiến trước khi ra quyết định nếu việc trình bày đó bảo đảm cho việc ra quyết định đúng đắn và không làm ảnh hưởng đến việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thẩm phán không được yêu cầu người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trình bày ý kiến trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại khoản 2 Điều 206 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Sau khi xem xét đơn yêu cầu, các tài liệu, chứng cứ và nghe trình bày của người yêu cầu, người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có), nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 9, 12, 13, 14 và 17 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11, 15 và 16 Điều 114 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Thẩm phán buộc người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm. Ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Thẩm phán ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

2. Trường hợp Hội đồng xét xử nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án, tùy từng trường hợp mà Hội đồng xét xử giải quyết như sau:

a) Nếu chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu không phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

b) Nếu có căn cứ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng xét xử ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người đó xuất trình chứng cứ đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

c) Nếu tài liệu, chứng cứ chứng minh cho sự cần thiết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa đầy đủ, Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 259 của Bộ luật Tố tụng dân sự trong thời hạn 02 ngày làm việc và đề nghị người yêu cầu cung cấp bổ sung chứng cứ;

d) Nếu không chấp nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng xét xử phải thông báo ngay cho người yêu cầu tại phòng xử án và phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật Tố tụng dân sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 02/2020/NQ-HĐTP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 24/09/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH