Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán

Chương II

PHÁT HÀNH VÀ GIAO DỊCH CÔNG CỤ NỢ CỦA CHÍNH PHỦ TẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Mục 1. PHÁT HÀNH VÀ GIAO DỊCH TÍN PHIẾU KHO BẠC

Điều 11. Điều kiện điều khoản của tín phiếu Kho bạc

1. Kỳ hạn tín phiếu Kho bạc:

a) Tín phiếu Kho bạc có kỳ hạn chuẩn là 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần;

b) Các kỳ hạn khác của tín phiếu kho bạc do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tùy theo nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường nhưng không vượt quá 52 tuần.

2. Mệnh giá phát hành: tín phiếu Kho bạc có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.

3. Đồng tiền phát hành, thanh toán là đồng Việt Nam.

4. Hình thức tín phiếu Kho bạc

a) Tín phiếu Kho bạc được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành;

b) Chủ thể tổ chức phát hành quyết định cụ thể về hình thức đối với mỗi đợt phát hành.

5. Lãi suất phát hành:

a) Đối với tín phiếu Kho bạc phát hành theo phương thức đấu thầu, lãi suất phát hành do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.

b) Đối với tín phiếu Kho bạc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãi suất phát hành là lãi suất thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này.

6. Phương thức phát hành:

a) Đấu thầu phát hành tín phiếu Kho bạc theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 15 của Nghị định này.

Chủ thể tổ chức phát hành trực tiếp tổ chức đấu thầu phát hành tín phiếu Kho bạc hoặc tổ chức đấu thầu thông qua Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.

b) Phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

7. Phương thức thanh toán tín phiếu: Tín phiếu được thanh toán một lần cả gốc và lãi vào ngày đáo hạn.

Điều 12. Phát hành trực tiếp tín phiếu Kho bạc cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Trường hợp ngân sách trung ương thiếu hụt tạm thời, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng đề án phát hành tín phiếu Kho bạc trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Đề án phát hành bao gồm các nội dung cơ bản sau: mục đích phát hành; khối lượng, kỳ hạn, hình thức tín phiếu; mệnh giá tín phiếu; lãi suất phát hành, thời điểm phát hành dự kiến; phương thức và nguồn thanh toán tín phiếu khi đáo hạn; đăng ký, lưu ký và niêm yết, giao dịch tín phiếu (nếu có).

2. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về khối lượng, lãi suất, kỳ hạn cho từng đợt phát hành. Trường hợp ngày phát hành và ngày đáo hạn tín phiếu Kho bạc không cùng một năm ngân sách thì thực hiện theo quy định về tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật ngân sách nhà nướcĐiều 26 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Lãi suất tín phiếu Kho bạc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là lãi suất thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở tham khảo lãi suất đấu thầu phát hành tín phiếu Kho bạc hoặc lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại tương đương tại thời điểm gần nhất.

4. Trên cơ sở thống nhất về khối lượng, lãi suất, kỳ hạn và thời điểm phát hành, Kho bạc Nhà nước ký hợp đồng bán tín phiếu trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong đó quy định các điều kiện, điều khoản của đợt phát hành bao gồm: khối lượng, kỳ hạn, lãi suất phát hành, ngày phát hành, giá bán, ngày thanh toán tiền mua, ngày đáo hạn, tài khoản nhận tiền mua tín phiếu, việc đăng ký, lưu ký và niêm yết, giao dịch tín phiếu (nếu có).

5. Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán tiền mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngân sách nhà nước và thanh toán tín phiếu khi đáo hạn.

Điều 13. Đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch tín phiếu Kho bạc

1. Tín phiếu kho bạc phát hành theo phương thức đấu thầu được đăng ký, lưu ký và niêm yết, giao dịch theo quy định về đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch trái phiếu Chính phủ.

2. Tín phiếu Kho bạc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Kho bạc nhà nước.

Mục 2. PHÁT HÀNH VÀ GIAO DỊCH TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Điều 14. Điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ

1. Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ:

a) Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và 50 năm.

b) Các kỳ hạn khác của trái phiếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.

2. Mệnh giá phát hành: Trái phiếu Chính phủ có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.

3. Đồng tiền phát hành, thanh toán là đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ, đồng tiền phát hành, thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này.

4. Hình thức trái phiếu Chính phủ

a) Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành.

b) Chủ thể tổ chức phát hành quyết định cụ thể về hình thức trái phiếu Chính phủ đối với mỗi đợt phát hành.

5. Lãi suất trái phiếu Chính phủ

a) Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước.

b) Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.

6. Phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu Chính phủ

a) Tiền lãi được thanh toán theo định kỳ 06 tháng một lần, hoặc 12 tháng một lần, hoặc thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn cùng với thanh toán gốc. Chủ thể phát hành thông báo cụ thể phương thức thanh toán lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.

b) Tiền gốc được thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn theo thông báo của chủ thể phát hành đối với từng đợt phát hành.

7. Phương thức phát hành: Trái phiếu Chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu phát hành, bảo lãnh phát hành và phát hành riêng lẻ theo quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định này.

Điều 15. Đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ

1. Đấu thầu phát hành là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ chức đấu thầu về lãi suất cho đối tượng mua trái phiếu.

2. Nguyên tắc tổ chức đấu thầu:

a) Giữ bí mật mọi thông tin dự thầu của đối tượng tham gia đấu thầu.

b) Thực hiện công khai, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các đối tượng tham gia đấu thầu.

3. Đối tượng tham gia đấu thầu: Nhà tạo lập thị trường theo quy định tại Mục 4 Chương II Nghị định này. Các đối tượng khác quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định này mua trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu thông qua các nhà tạo lập thị trường.

4. Hình thức đấu thầu

Đấu thầu trái phiếu Chính phủ được thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

a) Đấu thầu cạnh tranh lãi suất;

b) Đấu thầu kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất. Trường hợp phiên đấu thầu được tổ chức theo hình thức này, tổng khối lượng trái phiếu phát hành không cạnh tranh lãi suất đảm bảo không vượt quá 30% tổng khối lượng trái phiếu gọi thầu trong phiên đấu thầu.

5. Việc xác định kết quả đấu thầu được thực hiện theo một trong hai phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá. Căn cứ vào sự phát triển của thị trường, Bộ Tài chính quyết định phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá trong từng thời kỳ.

6. Chủ thể tổ chức phát hành trực tiếp tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ hoặc tổ chức đấu thầu thông qua Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 16. Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ

1. Bảo lãnh phát hành là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ hợp bảo lãnh phát hành bao gồm:

a) Tổ chức bảo lãnh chính và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh chính;

b) Tổ chức bảo lãnh phát hành và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh phát hành.

2. Điều kiện làm tổ chức bảo lãnh chính

a) Các tổ chức tài chính có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh chứng khoán theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

b) Có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo lãnh chứng khoán;

c) Có phương án bảo lãnh phát hành khả thi đáp ứng được yêu cầu của chủ thể tổ chức phát hành đối với mỗi đợt phát hành.

3. Quy trình bảo lãnh phát hành trái phiếu

a) Căn cứ yêu cầu của từng đợt bảo lãnh phát hành, điều kiện của tổ chức bảo lãnh chính quy định tại khoản 2 Điều này, Kho bạc Nhà nước lựa chọn tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính cho từng đợt bảo lãnh phát hành. Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính lựa chọn tổ chức bảo lãnh phát hành/đồng bảo lãnh phát hành, báo cáo Kho bạc Nhà nước chấp thuận.

b) Kho bạc Nhà nước cung cấp các thông tin cơ bản về đợt phát hành để tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh tìm kiếm nhà đầu tư. Nội dung cung cấp thông tin bao gồm: khối lượng dự kiến phát hành, kỳ hạn dự kiến phát hành, định hướng lãi suất đối với từng kỳ hạn phát hành, thời gian dự kiến phát hành.

c) Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và thành viên của tổ hợp bảo lãnh tổng hợp nhu cầu mua trái phiếu của nhà đầu tư gồm: khối lượng dự kiến mua, khối lượng mua chắc chắn và lãi suất kỳ vọng đối với từng kỳ hạn gửi Kho bạc Nhà nước.

d) Kho bạc Nhà nước đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính về khối lượng, điều kiện, điều khoản của trái phiếu (kỳ hạn, lãi suất phát hành ngày phát hành, ngày thanh toán tiền mua trái phiếu, giá bán trái phiếu), chi phí bảo lãnh và các nội dung liên quan khác.

đ) Căn cứ kết quả đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính Kho bạc Nhà nước ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính để bán trái phiếu. Hợp đồng bảo lãnh phát hành là căn cứ pháp lý xác nhận các quyền, nghĩa vụ của tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính; quyền, nghĩa vụ của Kho bạc Nhà nước.

e) Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh có trách nhiệm phân phối trái phiếu theo cam kết tại hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không phân phối hết trái phiếu, tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh có trách nhiệm mua hết khối lượng còn lại.

g) Kết thúc đợt bảo lãnh phát hành, Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ cho nhà đầu tư theo danh sách do tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính cung cấp.

Điều 17. Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

1. Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua.

2. Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Đối tượng mua trái phiếu;

b) Khối lượng dự kiến phát hành;

c) Kỳ hạn trái phiếu;

d) Lãi suất dự kiến;

đ) Thời gian dự kiến phát hành.

3. Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận Kho bạc Nhà nước ban hành quyết định phát hành trái phiếu và trực tiếp tổ chức phát hành và thanh toán gốc, lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.

Điều 18. Đăng ký, lưu ký và niêm yết trái phiếu Chính phủ

1. Đăng ký, lưu ký:

a) Trái phiếu Chính phủ được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo đề nghị của Kho bạc Nhà nước.

b) Căn cứ vào thông báo kết quả phát hành của Kho bạc Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký trái phiếu Chính phủ.

c) Căn cứ vào văn bản xác nhận hoàn tất thanh toán tiền mua trái phiếu của Kho bạc Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam thực hiện lưu ký trái phiếu theo quy định của pháp luật chứng khoán.

2. Niêm yết trái phiếu:

a) Trái phiếu Chính phủ được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và niêm yết, giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán ngoại trừ trái phiếu ngoại tệ.

b) Căn cứ vào văn bản thông báo về việc đăng ký trái phiếu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và văn bản đề nghị của Kho bạc Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán thực hiện niêm yết trái phiếu Chính phủ theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Điều 19. Giao dịch trái phiếu Chính phủ

1. Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận theo quy định của pháp luật chứng khoán và quy chế giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

2. Trái phiếu Chính phủ được giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các loại hình sau:

a) Mua bán thông thường;

b) Mua bán lại và bán kết hợp mua lại;

c) Các loại hình giao dịch khác theo quy định của pháp luật chứng khoán.

3. Giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều này được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

a) Kỳ hạn của giao dịch tối đa không quá 01 năm;

b) Bên mua và bên bán tự thỏa thuận và ký hợp đồng giao dịch bao gồm các nội dung cơ bản sau: khối lượng; lãi suất (hoặc giá trái phiếu); kỳ hạn; tài sản bảo đảm; tỷ lệ phòng ngừa rủi ro; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan- xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp các bên không thực hiện thanh toán theo thỏa thuận.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng khi thực hiện các giao dịch mua bán lại và bán kết hợp mua lại trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

5. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về giao dịch trái phiếu Chính phủ trên thị trường chứng khoán theo quy định tại Nghị định này và pháp luật chứng khoán.

Điều 20. Phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo thanh khoản của thị trường

1. Điều kiện phát hành

a) Khi nhà tạo lập thị trường thực hiện nghĩa vụ chào giá với cam kết chắc chắn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 27 Nghị định này nhưng không có đủ trái phiếu Chính phủ để giao dịch.

b) Khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành để đảm bảo thanh khoản của thị trường tại mọi thời điểm phải thuộc hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Nhà tạo lập thị trường phải ký quỹ bắt buộc tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy trình thực hiện

a) Khi có nhu cầu trái phiếu để thực hiện nghĩa vụ chào giá với cam kết chắc chắn, nhà tạo lập thị trường đề nghị Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu để đảm bảo thanh khoản trong đó nêu rõ mã trái phiếu Chính phủ và khối lượng đề nghị hỗ trợ thanh khoản, thời hạn hỗ trợ thanh khoản.

b) Căn cứ đề nghị của nhà tạo lập thị trường, Kho bạc Nhà nước thông báo để nhà tạo lập thị trường ký hợp đồng hỗ trợ thanh khoản và thực hiện ký quỹ bằng tiền tại Kho bạc Nhà nước, số tiền ký quỹ tương ứng với khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành tính theo giá thị trường cộng thêm tỷ lệ phòng ngừa rủi ro tính trên giá trị trái phiếu phát hành.

c) Sau khi nhận đủ tiền ký quỹ, Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ cho nhà tạo lập thị trường. Thời hạn phát hành trái phiếu để đảm bảo thanh khoản không quá 28 ngày từ ngày phát hành, kể cả thời gian gia hạn (nếu có).

d) Khi hợp đồng hỗ trợ thanh khoản đáo hạn, nhà tạo lập thị trường hoàn trả trái phiếu Chính phủ cho Kho bạc Nhà nước và Kho bạc Nhà nước hoàn trả khoản tiền ký quỹ cho nhà tạo lập thị trường sau khi trừ chi phí thực hiện hợp đồng. Chi phí thực hiện hợp đồng do nhà tạo lập thị trường trả cho Kho bạc Nhà nước được hạch toán vào thu của ngân sách nhà nước.

đ) Trường hợp hết thời hạn hợp đồng (bao gồm cả thời gian gia hạn nếu có), nhà tạo lập thị trường không hoàn trả được trái phiếu, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục tất toán hợp đồng và chuyển toàn bộ tiền ký quỹ thành khoản phát hành trái phiếu Chính phủ cho ngân sách nhà nước.

e) Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về giá trái phiếu phát hành, tỷ lệ phòng ngừa rủi ro, chi phí thực hiện hợp đồng, hạn mức Kho bạc Nhà nước phát hành để hỗ trợ thanh khoản cho các nhà tạo lập thị trường, các nội dung cơ bản của hợp đồng hỗ trợ thanh khoản và các bước phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo thanh khoản của thị trường theo quy định tại Nghị định này.

Điều 21. Trái phiếu xanh

1. Trái phiếu xanh là một loại trái phiếu Chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước.

2. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Nội dung của đề án bao gồm:

a) Mục đích phát hành;

b) Khối lượng phát hành;

c) Điều kiện, điều khoản của trái phiếu;

d) Đối tượng mua trái phiếu;

đ) Phương thức phát hành;

e) Việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch;

g) Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu.

3. Điều kiện điều khoản, việc tổ chức phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch trái phiếu Chính phủ xanh thực hiện theo quy định tại Điều 14 Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, và Điều 19 của Nghị định này.

Điều 22. Trái phiếu ngoại tệ

1. Trái phiếu ngoại tệ là một loại trái phiếu Chính phủ phát hành tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thực hiện theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Căn cứ nhu cầu huy động của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đề án bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Mục đích phát hành;

b) Khối lượng phát hành;

c) Điều kiện, điều khoản của trái phiếu: Kỳ hạn, mệnh giá phát hành; đồng tiền phát hành và thanh toán trái phiếu; lãi suất phát hành;

d) Đối tượng mua trái phiếu;

đ) Việc đăng ký, lưu ký và giao dịch;

3. Căn cứ Đề án phát hành trái phiếu ngoại tệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính tổ chức phát hành trái phiếu ngoại tệ theo phương thức riêng lẻ.

4. Trái phiếu ngoại tệ được đăng ký, lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Nghị định này và được giao dịch theo quy định của pháp luật ngoại hối.

Điều 23. Công trái xây dựng Tổ quốc

1. Công trái xây dựng Tổ quốc là một loại công cụ nợ của Chính phủ có điều kiện, điều khoản của trái phiếu Chính phủ quy định tại Điều 14 Nghị định này.

2. Căn cứ nhu cầu huy động vốn của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính xây dựng phương án phát hành công trái xây dựng Tổ quốc trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định. Phương án phát hành công trái xây dựng Tổ quốc bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Mục đích phát hành;

b) Điều kiện, điều khoản của công trái xây dựng Tổ quốc;

c) Thời gian dự kiến phát hành;

d) Phương thức thanh toán gốc, lãi;

đ) Khối lượng dự kiến phát hành;

e) Đối tượng mua và tổ chức thực hiện.

3. Căn cứ vào phương án phát hành được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, Bộ Tài chính tổ chức phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.

4. Việc tổ chức phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công trái xây dựng Tổ quốc thực hiện theo quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18 và Điều 19 của Nghị định này.

Mục 3. MUA LẠI VÀ HOÁN ĐỔI CÔNG CỤ NỢ CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 24. Mua lại công cụ nợ của Chính phủ

1. Bộ Tài chính xây dựng đề án mua lại công cụ nợ trước ngày đáo hạn và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi thực hiện. Đề án bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Mục đích mua lại;

b) Khối lượng và điều kiện, điều khoản công cụ nợ dự kiến mua lại;

c) Nguồn mua lại;

d) Phương thức mua lại;

đ) Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện và chi phí có liên quan.

2. Việc mua lại công cụ nợ của Chính phủ phải đảm bảo công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường.

3. Công cụ nợ của Chính phủ được mua lại theo phương thức thỏa thuận hoặc phương thức đấu thầu. Các bước tổ chức mua lại công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 25. Hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ

1. Bộ Tài chính xây dựng đề án hoán đổi công cụ nợ trước ngày đáo hạn và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Đề án bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Mục đích hoán đổi;

b) Khối lượng, điều kiện, điều khoản công cụ nợ dự kiến hoán đổi;

c) Phương thức hoán đổi;

d) Dự kiến thời gian tổ chức thực hiện và các chi phí liên quan.

2. Việc hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ phải đảm bảo công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường.

3. Khối lượng phát hành công cụ nợ của Chính phủ để hoán đổi phải nằm trong kế hoạch vay và trả nợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Công cụ nợ của Chính phủ được hoán đổi theo phương thức thỏa thuận hoặc phương thức đấu thầu. Các bước tổ chức hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ tại thị trường trong nước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Mục 4. NHÀ TẠO LẬP THỊ TRƯỜNG

Điều 26. Nhà tạo lập thị trường

1. Điều kiện đăng ký nhà tạo lập thị trường

a) Là ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

b) Có vốn chủ sở hữu thực có trên báo cáo tài chính được kiểm toán của ba năm liền kề trước năm đăng ký làm nhà tạo lập thị trường không thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định của pháp luật liên quan;

c) Có thời gian hoạt động tối thiểu là 03 năm. Trường hợp tổ chức nhận sáp nhập hoặc hình thành sau chia, tách, hợp nhất thì thời gian hoạt động được tính cả thời gian trước khi chia, tách, sáp nhập hoặc hợp nhất;

d) Tham gia mua công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường sơ cấp và giao dịch trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu do Bộ Tài chính quy định trong từng thời kỳ.

2. Hồ sơ đăng ký mới trở thành nhà tạo lập thị trường

a) Đơn đề nghị trở thành nhà tạo lập thị trường theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

c) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam của 03 năm liền kề trước năm đăng ký trở thành nhà tạo lập thị trường.

d) Báo cáo về tình hình tham gia thị trường sơ cấp và thứ cấp theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Quy trình, thủ tục công nhận mới nhà tạo lập thị trường

a) Từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 11 hàng năm, các tổ chức đủ điều kiện có nhu cầu trở thành nhà tạo lập thị trường gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Bộ Tài chính.

b) Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Tài chính kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và thông báo bằng văn bản về việc bổ sung hồ sơ (nếu có).

c) Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, căn cứ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, Bộ Tài chính lựa chọn và công bố nhà tạo lập thị trường trước ngày 31 tháng 12 hàng năm. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện, Bộ Tài chính có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

4. Điều kiện duy trì nhà tạo lập thị trường:

a) Đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

b) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường quy định tại khoản 2 Điều 27 của Nghị định này.

5. Quy trình đánh giá duy trì tư cách nhà tạo lập thị trường

a) Từ ngày 01 đến ngày 10 tháng 11 hàng năm, nhà tạo lập thị trường gửi Bộ Tài chính báo cáo về kết quả tham gia thị trường trong kỳ đánh giá từ ngày 01 tháng 11 năm liền kề đến ngày 31 tháng 10 năm hiện hành theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Căn cứ báo cáo của nhà tạo lập thị trường và cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đánh giá điều kiện duy trì tư cách nhà tạo lập thị trường và công bố trước ngày 31 tháng 12 hàng năm. Đối với những nhà tạo lập thị trường không đáp ứng đủ điều kiện, Bộ Tài chính có văn bản thông báo và nêu rõ lý do.

6. Xếp hạng nhà tạo lập thị trường:

a) Hàng năm, căn cứ kết quả tham gia trên thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp và tỷ trọng đánh giá của từng tiêu chí trong từng thời kỳ, Bộ Tài chính xếp hạng và công bố kết quả xếp hạng nhà tạo lập thị trường.

b) Căn cứ vào tình hình phát triển của thị trường, Bộ Tài chính sử dụng kết quả đánh giá xếp hạng để duy trì tư cách nhà tạo lập thị trường.

Điều 27. Quyền lợi và nghĩa vụ của nhà tạo lập thị trường

1. Nhà tạo lập thị trường có các quyền lợi sau:

a) Là đối tượng duy nhất được tham gia vào các phiên phát hành, mua lại hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo phương thức đấu thầu;

b) Được ưu tiên lựa chọn làm tổ chức bảo lãnh chính đối với các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái xây dựng Tổ quốc theo phương thức bảo lãnh;

c) Được tham gia trao đổi định kỳ về công tác phát hành và định hướng chính sách phát triển thị trường trái phiếu trong từng thời kỳ với Bộ Tài chính;

d) Được Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo thanh khoản theo quy định tại Điều 20 của Nghị định này;

đ) Được ưu tiên tham gia các phiên thỏa thuận mua lại hoặc thỏa thuận hoán đổi công cụ nợ của Chính phủ theo thông báo của Bộ Tài chính.

2. Nhà tạo lập thị trường có các nghĩa vụ sau:

a) Tham gia dự thầu tại các phiên đấu thầu phát hành công cụ nợ của Chính phủ theo thông báo của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ;

b) Hàng năm tham gia mua (mua cho mình hoặc cho khách hàng) công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường sơ cấp và tham gia giao dịch trên thị trường thứ cấp với khối lượng tối thiểu theo thông báo của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ;

c) Thực hiện nghĩa vụ cam kết chắc chắn chào giá mua, chào giá bán hàng ngày đối với các công cụ nợ chuẩn theo thông báo của Bộ Tài chính trong từng thời kỳ.

d) Thanh toán đầy đủ, đúng hạn tiền mua công cụ nợ của Chính phủ;

đ) Thực hiện chế độ báo cáo năm và báo cáo định kỳ 6 tháng theo Mẫu số 03Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 28. Loại bỏ tư cách nhà tạo lập thị trường

1. Nhà tạo lập thị trường bị xem xét loại bỏ tư cách thành viên theo một trong các trường hợp sau:

a) Bị thu hồi hoặc bị rút Giấy phép kinh doanh;

b) Tạm ngừng kinh doanh, hoặc bị giải thể, phá sản;

c) Hoạt động kinh doanh bị kiểm soát đặc biệt theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Có đơn đề nghị không làm nhà tạo lập thị trường;

đ) Không đáp ứng đủ điều kiện duy trì nhà tạo lập thị trường theo quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định này.

2. Tổ chức bị loại bỏ tư cách nhà tạo lập thị trường được thông báo bằng văn bản và công bố thông tin trên trang tin điện tử của Bộ Tài chính.

3. Tổ chức bị loại bỏ tư cách nhà tạo lập thị trường quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này không được nộp hồ sơ đăng ký trở thành nhà tạo lập thị trường trong vòng 02 năm kể từ ngày bị loại bỏ tư cách.

Điều 29. Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày có thay đổi về một trong các nội dung sau đây nhà tạo lập thị trường phải thông báo bằng văn bản đến Bộ Tài chính:

1. Bị thu hồi hoặc bị rút Giấy phép kinh doanh.

2. Bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, tạm ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản.

3. Không đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

4. Hoạt động kinh doanh bị kiểm soát đặc biệt bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật liên quan.

Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán

  • Số hiệu: 95/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/06/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 783 đến số 784
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH