Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 76-CP năm 1996 hướng dẫn Bộ luật dân sự về quyền tác giả

Chương 2:

CÁC QUYỀN CỦA TÁC GIẢ, QUYỀN CỦA CHỦ SỞ HỮU TÁC PHẨM

Điều 8.- Các quyền của tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm:

1. Các quyền nhân thân của tác giả quy định tại các điểm c, d, khoản 1 Điều 751 của Bộ luật có thể được chuyển giao cho người khác. Việc chuyển giao đó phải được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản.

2. Quyền của tác giả về việc công bố, phổ biến tác phẩm hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 751 của Bộ luật được thực hiện đối với các hình thức sau đây:

a) Xuất bản, tái bản, sao chép tác phẩm.

b) Biểu diễn hoặc trưng bày tác phẩm trước công chúng.

c) Truyền đạt tác phẩm tới công chúng bằng bất kỳ phương tiện hoặc cách thức nào.

d) Phân phối tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm bằng cách bán, cho thuê hoặc bằng cách khác.

đ) Nhập khẩu các bản sao tác phẩm của mình từ nước ngoài vào Việt Nam.

3. Quyền của tác giả cho phép hoặc không cho phép người khác sử dụng tác phẩm quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 751 của Bộ luật được thực hiện đối với các hình thức sau đây:

a) Sao chép lại tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào.

d) Dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể.

4. Việc thanh toán nhuận bút, thù lao hoặc các lợi ích vật chất mà tác giả được hưởng theo quy định tại khoản 2 Điều 751 của Bộ luật được xác định theo hợp đồng giữa tác giả với cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm.

Điều 9.- Các quyền của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả:

1. Các quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8 của Nghị định này cũng được áp dụng đối với các quyền nhân thân của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả quy định tại khoản 1 Điều 753 của Bộ luật. 2. Quy định tại khoản 4 Điều 8 của Nghị định này cũng được áp dụng đối với quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm không đồng thời là tác giả quy định tại khoản 2 Điều 753 của Bộ luật.

Điều 10.- Các quyền của đồng tác giả:

Đối với tác phẩm đồng tác giả quy định tại khoản 1 Điều 755 của Bộ luật thì việc sử dụng, định đoạt tác phẩm phải được sự thoả thuận của tất cả các đồng tác giả, nếu có đồng tác giả đã chết thì phải được sự thoả thuận của người thừa kế của đồng tác giả đó.

Điều 11.- Các quyền của tác giả dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể:

Trong trường hợp cá nhân, tổ chức dựa vào tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể của người khác để sáng tạo ra tác phẩm mới thì phải được sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm.

Việc xin phép và trả thù lao cho tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể phải được thực hiện thông qua hợp đồng.

Điều 12.- Các hình thức sử dụng tác phẩm không phải xin phép, không phải trả thù lao:

1. Việc sao lại tác phẩm để sử dụng riêng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 761 của Bộ luật không được quá một bản.

2. Phần trích dẫn tác phẩm đã công bố của người khác theo quy định tại các điểm b, c, d khoản 1 Điều 761 của Bộ luật không trở thành phần chính của tác phẩm mới; phần trích dẫn này chỉ giới hạn trong phạm vi giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong tác phẩm của mình và phải ghi rõ tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm được trích dẫn.

3. Việc dịch tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và ngược lại theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 761 của Bộ luật chỉ áp dụng đối với tác phẩm gốc là tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc thiểu số.

4. Các buổi biểu diễn công cộng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 761 của Bộ luật chỉ được áp dụng đối với các buổi biểu diễn không thu tiền vào cửa dưới mọi hình thức.

Điều 13.- Thừa kế quyền tác giả:

1. Trong trường hợp thừa kế quyền tác giả theo pháp luật thì những người được thừa kế cùng hàng có quyền ngang nhau trong việc sử dụng, định đoạt tác phẩm. Việc sử dụng, định đoạt tác phẩm phải có sự thoả thuận của tất cả những người thừa kế, nếu họ không thoả thuận được với nhau thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Trong trường hợp thừa kế quyền tác giả theo di chúc hợp pháp nếu có nhiều người cùng được hưởng thừa kế theo di chúc thì những người thừa kế được sử dụng, định đoạt tác phẩm theo phạm vi đã được xác định cụ thể trong nội dung di chúc. Trong trường hợp nội dung di chúc không nói rõ phạm vi của việc sử dụng, định đoạt tác phẩm của từng người thừa kế, thì việc sử dụng, định đoạt tác phẩm phải được sự thoả thuận của tất cả những người thừa kế theo di chúc; nếu họ không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Trường hợp tác giả hoặc đồng tác giả không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản thừa kế thì các quyền về tài sản của tác giả thuộc về Nhà nước.

Bộ Văn hoá - Thông tin có trách nhiệm quy định, hướng dẫn việc sử dụng tác phẩm nói trên và cách thức trả thù lao.

Điều 14.- Thời hạn bảo hộ quyền tác giả:

1. Thời điểm kết thúc thời hạn 50 năm bảo hộ quyền tác giả trong các khoản 2, 3 Điều 766 của Bộ luật được tính đến ngày 31 tháng 12 của năm thứ 50.

2. Thời điểm kết thúc thời hạn 50 năm bảo hộ đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm phát thanh, truyền hình, vi-đi-ô, tác phẩm di cảo; đối với quyền của các tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình quy định tại khoản 4 Điều 766, các Điều 777, 779 của Bộ luật là ngày 31 tháng 12 của năm thứ 50 tính từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu tiên.

3. Mọi trường hợp chuyển giao các quyền nhân thân quy định tại các điểm c, d khoản 1 và các quyền tài sản quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 751 của Bộ luật đều không được vượt quá thời hạn bảo hộ mà pháp luật đã quy định.

Nghị định 76-CP năm 1996 hướng dẫn Bộ luật dân sự về quyền tác giả

  • Số hiệu: 76-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/11/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 29/11/1996
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH