Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 71/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Việt Nam

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CỦA NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI BIỂN

Điều 6. Người, phương tiện Việt Nam hoạt động trong khu vực biên giới biển

1. Công dân Việt Nam (trừ công dân có hộ khẩu thường trú trong khu vực biên giới biển) vào khu vực biên giới biển phải có một trong các loại giấy tờ sau: Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu, Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh sĩ quan, Giấy chứng minh Quân đội, Giấy chứng minh Công an nhân dân (đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân); nếu ở qua đêm phải đăng ký lưu trú tại Công an cấp xã sở tại.

2. Người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có bằng hoặc chứng chỉ Thuyền trưởng do cơ quan có thẩm quyền cấp; máy trưởng, thuyền viên phải có bằng hoặc phải có chứng chỉ chuyên môn hoặc chứng chỉ hành nghề, Sổ thuyền viên và Giấy chứng nhận bảo hiểm thuyền viên theo quy định pháp luật; trường hợp mang theo vũ khí phải có Giấy phép sử dụng vũ khí.

3. Người điều khiển phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có Biển số đăng ký và mang theo các loại giấy tờ (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; Giấy xác nhận đã đăng ký tàu cá (đối với tàu cá có tổng công suất dưới 20CV);

b) Giấy chứng nhận đăng kiểm tàu thuyền hoặc Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu thuyền theo quy định;

c) Danh sách thuyền viên hoặc số thuyền viên (đối với tàu cá), hoặc chứng chỉ thuyền viên; Giấy chứng nhận bảo hiểm thuyền viên;

d) Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện;

đ) Giấy tờ liên quan đến hàng hóa trên tàu thuyền;

e) Giấy phép khai thác thủy sản, hải sản (đối với tàu cá có trọng tải từ 0,5 tấn trở lên);

g) Sổ nhật ký hành trình.

4. Trường hợp tàu cá Việt Nam hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, ngoài giấy tờ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này phải có Giấy phép cho tàu cá khai thác thủy sản khai thác ở vùng biển của quốc gia vùng lãnh thổ khác do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp.

5. Ngoài các giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và các Điểm a, b, c, d, g Khoản 3 Điều này, người, phương tiện đường thủy hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật.

6. Người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới biển phải xuất trình giấy tờ và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

7. Phương tiện đường bộ vào khu vực biên giới biển (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh, xây dựng, khai thác khoáng sản, tài nguyên, môi trường từ 10 (mười) ngày trở lên, cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng hoặc chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện phải thông báo bằng văn bản cho đồn Biên phòng sở tại về số lượng người, phương tiện, biển kiểm soát, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động.

8. Phương tiện hàng không khi tiến hành hoạt động hàng không dân dụng, kinh tế, thương mại, du lịch, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản, tài nguyên, môi trường trong khu vực biên giới biển phải thực hiện theo các quy định pháp luật hàng không Việt Nam, quy định của Bộ Quốc phòng về quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia.

Điều 7. Người nước ngoài đến, hoạt động hoặc làm việc, học tập trong khu vực biên giới biển

1. Người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam khi đến khu vực biên giới biển hoặc đến các đảo, quần đảo (trừ khu du lịch, dịch vụ, khu kinh tế) phải có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu hợp lệ và có thị thực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực), giấy tờ liên quan đến cư trú tại Việt Nam và giấy phép vào khu vực biên giới biển của Công an cấp tỉnh nơi người đó thường trú, tạm trú hoặc Công an cấp tỉnh nơi đến cấp; trường hợp ở qua đêm phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành cơ sở lưu trú để đăng ký lưu trú tại Công an cấp xã sở tại.

2. Cơ quan, tổ chức Việt Nam đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới biển phải có giấy giới thiệu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 24 giờ; trường hợp người nước ngoài đi trong đoàn đại biểu, đoàn cấp cao vào khu vực biên giới biển, cơ quan, tổ chức của Việt Nam (cơ quan, tổ chức mời hoặc làm việc với đoàn) phải thông báo bằng văn bản cho Công an, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi đến biết trước ít nhất 12 giờ.

3. Người nước ngoài làm việc, học tập, hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu kinh tế nằm trong khu vực biên giới biển hoặc có một phần địa giới thuộc khu vực biên giới biển và các thành viên gia đình họ được cư trú, tạm trú có thời hạn trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về lao động, nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

4. Người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế trong khu vực biên giới biển hoặc có một phần địa giới thuộc khu vực biên giới biển, doanh nghiệp sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong thời hạn 24 giờ kể từ ngày bắt đầu làm việc phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Công an cấp xã, đồn Biên phòng sở tại về họ tên, tuổi, quốc tịch, số hộ chiếu, ngày bắt đầu, ngày kết thúc làm việc, nội dung công việc, nơi làm việc, tên và địa chỉ của cơ quan, tổ chức người nước ngoài làm việc.

Điều 8. Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển

1. Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có các giấy tờ (bản chính) sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu thuyền đó mang cờ quốc tịch cấp;

b) Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu thuyền (đối với tàu cá phải có Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật do cơ quan đăng kiểm của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu thuyền đó mang cờ quốc tịch hoặc cơ quan đăng kiểm Việt Nam cấp);

c) Danh sách thuyền viên, danh sách hành khách hoặc số thuyền viên, nhân viên phục vụ, hành khách trên tàu; Hộ chiếu của thuyền viên, nhân viên phục vụ và hành khách đi trên tàu thuyền;

d) Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp; Giấy chứng nhận an toàn vô tuyến điện theo quy định pháp luật;

đ) Giấy phép hoạt động thủy sản do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp (đối với tàu cá);

e) Giấy tờ về hàng hóa, vận chuyển hàng hóa trên tàu thuyền và giấy tờ khác có liên quan do pháp luật Việt Nam quy định.

2. Tàu thuyền nước ngoài hoạt động trong khu vực biên giới biển phải treo cờ quốc tịch, treo quốc kỳ của Việt Nam ở đỉnh cột tàu cao nhất.

3. Tàu thuyền nước ngoài neo, trú đậu ở cảng, bến đậu phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

4. Tàu thuyền nước ngoài đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

5. Tàu thuyền nước ngoài chạy bằng năng lượng hạt nhân, chuyên chở chất phóng xạ, chất độc hại, nguy hiểm khi đi trong lãnh hải Việt Nam có nghĩa vụ sau đây:

a) Phải có tài liệu kỹ thuật liên quan tới tàu thuyền và hàng hóa trên tàu, tài liệu về bảo hiểm dân sự bắt buộc;

b) Sẵn sàng cung cấp cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật của tàu thuyền cũng như của hàng hóa trên tàu thuyền;

c) Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên áp dụng đối với các loại tàu thuyền này;

d) Tuân thủ quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về việc áp dụng biện pháp phòng ngừa đặc biệt, kể cả cấm không được đi qua lãnh hải Việt Nam hoặc buộc phải rời khỏi lãnh hải Việt Nam trong trường hợp làm ô nhiễm môi trường biển.

6. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố hoặc vì lý do khách quan cần sự cứu giúp (gọi tắt là bị nạn) buộc tàu thuyền phải dừng lại, neo đậu trong lãnh hải hoặc trú đậu tại các cảng biển, bến đậu thì thuyền trưởng hoặc người điều khiển tàu thuyền phải phát tín hiệu cấp cứu và khi điều kiện cho phép phải thông báo ngay cho Cảng vụ hàng hải hoặc cơ quan cứu hộ và cứu nạn quốc gia, Bộ đội Biên phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã ven biển nơi gần nhất hoặc Tổng cục Thủy sản (đối với tàu cá) hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của Việt Nam nơi gần nhất. Các cơ quan này sau khi nhận được thông báo phải tổ chức cứu nạn hoặc thông báo ngay cho cơ quan có trách nhiệm để tổ chức cứu nạn.

Điều 9. Hoạt động diễn tập quân sự, diễn tập tìm kiếm, cứu nạn, diễn tập an ninh hàng hải, tổ chức bắn đạn thật hoặc sử dụng vật liệu nổ trong khu vực biên giới biển

Diễn tập quân sự; diễn tập tìm kiếm, cứu nạn; an ninh hàng hải; tổ chức bắn đạn thật hoặc sử dụng vật liệu nổ trong khu vực biên giới biển thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo cho đối tượng liên quan biết, đồng thời khi tiến hành phải thông báo bằng văn bản trước 10 ngày làm việc cho Ủy ban nhân dân và Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh sở tại, Vùng Hải quân, Vùng Cảnh sát biển, Cục Hàng hải Việt Nam, Hải đoàn Biên phòng (nếu các hoạt động trên diễn ra ở các vùng biển).

Điều 10. Hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học, khảo sát về địa chất, khoáng sản, tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, hải sản trong khu vực biên giới biển

1. Người, phương tiện Việt Nam khi tiến hành hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học, khảo sát về địa chất, khoáng sản, tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, hải sản trong khu vực biên giới biển, ngoài các giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và các Điểm a, b, c, d, g Khoản 3 Điều 6 Nghị định này phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, các quy định pháp luật khác liên quan và phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi tiến hành hoạt động trên trước 05 ngày làm việc.

2. Người, phương tiện nước ngoài tiến hành hoạt động điều tra, thăm dò, khảo sát, nghiên cứu, đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên trong khu vực biên giới biển, ngoài các giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều 8 Nghị định này phải được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam, đồng thời phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân, Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi tiến hành hoạt động biết trước 05 ngày làm việc khi thực hiện; phải tuân theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

Điều 11. Xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới biển

1. Các cơ quan, tổ chức khảo sát, thiết kế, thi công, triển khai thực hiện các dự án, công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới biển phải thông báo bằng văn bản trước 03 ngày làm việc cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đồn Biên phòng sở tại về danh sách người, phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động.

2. Việc xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới biển phải đúng quy định pháp luật về xây dựng, không được làm ảnh hưởng đến điểm cơ sở, công trình biên giới, công trình phòng thủ vùng biển, môi trường biển, hải đảo.

3. Khi lập dự án xây dựng khu du lịch, khu kinh tế; giao thông, thủy sản và các công trình cảng, bến đậu; thăm dò, khai thác tài nguyên; các dự án, công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc có yếu tố nước ngoài trong khu vực biên giới biển, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an cấp tỉnh sở tại trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khi triển khai thực hiện các dự án, công trình đã được cấp phép, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho Bộ đội Biên phòng, Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã sở tại trước 03 ngày làm việc.

4. Đồn Biên phòng sở tại có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, tổ chức theo quy định tại các Khoản 1, 2 Điều này nhận biết điểm cơ sở, đường biên giới quốc gia trên biển, phạm vi khu vực biên giới biển, vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển, các quy định khác có liên quan đến quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển.

Điều 12. Thiết lập vùng cấm tạm thời, vùng hạn chế hoạt động ở lãnh hải; xác định vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển

1. Trường hợp chủ quyền, quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia bị đe dọa hoặc vì đảm bảo an toàn hàng hải, bảo vệ tài nguyên, sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố, thảm họa môi trường biển, phòng chống lây lan dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thiết lập vùng cấm tạm thời, vùng hạn chế hoạt động ở lãnh hải.

2. Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển xác định vùng cấm trong khu vực biên giới biển theo đề nghị của các ngành chức năng sau khi thống nhất với Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an cấp tỉnh.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xác định vùng cấm đối với các công trình quốc phòng, công trình biên giới biển liên quan đến quốc phòng, an ninh theo đề nghị của Tư lệnh Quân khu hoặc Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển nơi có vùng cấm biết.

4. Khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển do Bộ, ngành chủ quản xác định vì lý do bảo vệ tài nguyên, sinh thái biển, chống ô nhiễm, khắc phục sự cố, thảm họa môi trường, trục vớt, tìm kiếm cứu nạn hoặc diễn tập quân sự sau khi thống nhất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; đồng thời thông báo cho Bộ Quốc phòng và các cơ quan, lực lượng chức năng hoạt động trong khu vực biên giới biển.

5. Quản lý, bảo vệ vùng cấm tạm thời, vùng hạn chế hoạt động ở lãnh hải; vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển:

a) Quản lý, bảo vệ vùng cấm tạm thời, vùng hạn chế hoạt động ở lãnh hải thực hiện theo quy định pháp luật;

b) Vùng cấm trong khu vực biên giới biển phải có nội quy bảo vệ do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý vùng cấm đó quy định;

c) Khu vực hạn chế hoạt động phải được xác định cụ thể phạm vi, thời gian, nội dung hạn chế hoạt động của người, phương tiện;

d) Người, phương tiện vào vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động phải được người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý vùng cấm đó cho phép;

đ) Quyết định vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động phải được thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển, Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng cục Thủy sản và các đối tượng có liên quan biết để thực hiện.

6. Khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển được xác định bằng biển báo (trên bộ) hoặc xác định bằng tọa độ trên hải đồ (trên biển); phạm vi vùng cấm, vùng hạn chế hoạt động ở nội thủy, lãnh hải được xác định bằng tọa độ trên hải đồ.

7. Việc thiết lập vùng cấm tạm thời, vùng hạn chế hoạt động ở lãnh hải phải được thông báo rộng rãi trong nước và quốc tế trong “Thông báo hàng hải” theo tập quán hàng hải quốc tế, chậm nhất là 15 ngày trước khi áp dụng hoặc thông báo ngay sau khi áp dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Điều 13. Quản lý bến, bãi, khu vực neo đậu cho phương tiện đường thủy trong khu vực biên giới biển

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ven biển căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quyết định thành lập, quy định nội quy bến, bãi, khu vực neo đậu cho phương tiện đường thủy tại địa phương.

2. Phương tiện đường thủy neo đậu thường xuyên, tạm thời phải đăng ký với cơ quan quản lý bến, bãi, khu vực neo đậu, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy bến, bãi, khu vực neo đậu.

Điều 14. Trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa môi trường

1. Khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa môi trường (sau đây viết chung là tai nạn) trong khu vực biên giới biển, người phát hiện phải kịp thời thông báo, phát tín hiệu cấp cứu, kịp thời thông báo cho đồn, trạm Biên phòng, cơ quan, lực lượng chức năng nơi gần nhất và tiến hành ngay các biện pháp để cứu người, phương tiện, tài sản và hạn chế tổn thất.

2. Người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới biển khi nhận được thông báo, tín hiệu cấp cứu hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn, phải nhanh chóng tổ chức cứu nạn, thông báo ngay cho các lực lượng chức năng đang hoạt động trên biển gần nhất hoặc thông báo cho Trung tâm phối hợp Tìm kiếm - Cứu nạn hàng hải nơi gần nhất biết để tổ chức cứu hộ, cứu nạn.

3. Người, phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới biển phải chịu sự huy động, chỉ huy, điều hành của chính quyền địa phương và bộ đội Biên phòng để tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Việc huy động, yêu cầu tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn chỉ được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp và chỉ trong thời gian cần thiết để thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn.

4. Người tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn nếu bị thương, hy sinh, bị tổn hại sức khỏe, thiệt hại về tính mạng, tài sản được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Xử lý vi phạm pháp luật trong khu vực biên giới biển

1. Khi phát hiện người, phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành có quyền tiến hành kiểm tra, tạm giữ người, phương tiện vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển phải tố giác, tin báo về tội phạm cho đồn Biên phòng, Công an cấp xã nơi gần nhất; trường hợp tổ chức, cá nhân phát hiện, thu được tài sản chìm đắm, trôi dạt trên vùng biển Việt Nam phải có trách nhiệm thông báo, giao nộp ngay chính quyền địa phương hoặc đồn Biên phòng nơi gần nhất để xử lý theo quy định pháp luật.

Điều 16. Thực hiện quyền truy đuổi

1. Lực lượng tuần tra, kiểm soát trong khu vực biên giới biển có quyền truy đuổi phương tiện đường thủy nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong nội thủy, lãnh hải Việt Nam hoặc người, phương tiện vi phạm pháp luật trong khu vực biên giới biển vào nội địa.

2. Khi lực lượng tuần tra, kiểm soát trong khu vực biên giới biển đã sử dụng tín hiệu yêu cầu người, phương tiện đường thủy nước ngoài vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam trong khu vực biên giới biển dừng lại để tiến hành kiểm tra, nhưng người, phương tiện đó không chấp hành thì người chỉ huy lực lượng truy đuổi được quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ, vũ khí theo quy định của pháp luật; trường hợp có người bị thương phải tổ chức cấp cứu; trường hợp có người chết phải phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sở tại giải quyết theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp truy đuổi phương tiện đường thủy nước ngoài vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam, việc truy đuổi được tiếp tục ở ngoài ranh giới lãnh hải hay vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam và phải được tiến hành liên tục, không ngắt quãng; việc truy đuổi chấm dứt khi phương tiện đường thủy nước ngoài bị truy đuổi đi vào lãnh hải của quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

4. Khi thực hiện quyền truy đuổi, người chỉ huy lực lượng truy đuổi được huy động người, phương tiện của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong khu vực biên giới biển để tham gia truy đuổi (trừ phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt Nam).

5. Tổ chức, cá nhân có phương tiện, tài sản được cơ quan có thẩm quyền huy động thực hiện quyền truy đuổi được thanh toán các chi phí hợp lý, trường hợp bị thiệt hại được bồi thường theo quy định của pháp luật.

6. Người chỉ huy lực lượng truy đuổi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Nghị định 71/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Việt Nam

  • Số hiệu: 71/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 03/09/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 989 đến số 990
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH