Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 3 Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước

Mục 2: CHỨC NĂNG, QUYỀN, NGHĨA VỤ, TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG TY MẸ LÀ CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN MỘT THÀNH VIÊN DO NHÀ NƯỚC LÀM CHỦ SỞ HỮU

Điều 18. Chức năng, tổ chức quản lý, hoạt động của công ty mẹ

1. Công ty mẹ thực hiện chức năng trực tiếp sản xuất kinh doanh và đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác hoặc chỉ thực hiện chức năng đầu tư tài chính vào doanh nghiệp khác.

2. Tổ chức quản lý, hoạt động của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế và tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP thực hiện theo: Điều lệ do Chính phủ ban hành; Quy chế quản lý tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức quản lý, hoạt động của công ty mẹ trong các tổng công ty không được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP thực hiện theo: Điều lệ do Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; Quy chế quản lý tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và pháp luật có liên quan.

Điều 19. Quyền, nghĩa vụ và cơ cấu tổ chức quản lý của công ty mẹ

1. Công ty mẹ thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

2. Công ty mẹ có cơ cấu tổ chức quản lý gồm Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên và bộ máy giúp việc. Nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế làm việc của Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 và 27 của Nghị định này.

Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu tổ chức quản lý đối với công ty mẹ hoạt động trong các lĩnh vực đặc thù.

Thù lao, tiền lương và các lợi ích khác của thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc và Kiểm soát viên theo quy định của pháp luật về lao động, tiền lương.

Điều 20. Quyền, trách nhiệm của Hội đồng thành viên

Hội đồng thành viên là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại công ty mẹ, có các quyền, trách nhiệm quy định tại Điều 14 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP.

Điều 21. Thành viên Hội đồng thành viên

1. Thành viên Hội đồng thành viên công ty mẹ bao gồm Chủ tịch, thành viên chuyên trách và không chuyên trách. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng thành viên không quá năm (05) năm, Thành viên Hội đồng thành viên có thể được bổ nhiệm lại.

2. Đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế và tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, số lượng thành viên Hội đồng thành viên không quá bảy (07) người; trong đó có tối đa một (01) thành viên tham gia điều hành công ty mẹ. Trường hợp đặc biệt cần nhiều hơn bảy (07) thành viên Hội đồng thành viên thì Bộ trưởng Bộ quản lý ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3. Đối với công ty mẹ trong các tổng công ty không được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP, số lượng thành viên Hội đồng thành viên không quá năm (05) người; trong đó có tối đa một (01) thành viên tham gia điều hành công ty mẹ. Trường hợp đặc biệt cần nhiều hơn năm (05) thành viên Hội đồng thành viên thì Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

4. Thành viên Hội đồng thành viên công ty mẹ phải đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản sau đây:

a) Thường trú tại Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng thành viên phải là công dân Việt Nam;

b) Tốt nghiệp đại học và có năng lực kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Chủ tịch Hội đồng thành viên phải có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm về quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ;

c) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, hiểu biết pháp luật và có ý thức chấp hành pháp luật;

d) Không là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước hoặc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hoặc các chức vụ quản lý, điều hành tại doanh nghiệp thành viên;

đ) Không thuộc đối tượng bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định tại các Điểm b, c, đ, e, g Khoản 2 Điều 13 Luật Doanh nghiệp;

e) Tiêu chuẩn khác quy định tại Điều lệ công ty mẹ.

5. Thành viên Hội đồng thành viên bị miễn nhiệm và được thay thế trong những trường hợp sau:

a) Vi phạm pháp luật đến mức bị truy tố hoặc các trường hợp bị miễn nhiệm, thay thế do Điều lệ công ty mẹ quy định; trong trường hợp này, Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên có quyền đề nghị cơ quan đại diện chủ sở hữu bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng thành viên;

b) Không đủ năng lực, trình độ đảm nhận công việc được giao; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Xin từ chức;

d) Khi có quyết định điều chuyển hoặc bố trí công việc khác;

đ) Không trung thực trong thực thi các quyền hạn hoặc lạm dụng địa vị, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác;

e) Khi công ty không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do chủ sở hữu giao mà không giải trình được nguyên nhân khách quan và được chủ sở hữu chấp nhận;

g) Các trường hợp khác theo quyết định của chủ sở hữu phù hợp với quy định tại Điều lệ công ty mẹ.

Điều 22. Chủ tịch Hội đồng thành viên và bộ máy giúp việc Hội đồng thành viên

1. Chủ tịch Hội đồng thành viên không kiêm Tổng Giám đốc công ty mẹ. Điều lệ công ty mẹ quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ.

2. Chủ tịch Hội đồng thành viên thực hiện các quyền, nhiệm vụ quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp và các quyền và nhiệm vụ khác quy định tại Điều lệ công ty mẹ; có trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về việc chậm trễ hoặc không ký các quyết định của Hội đồng thành viên.

3. Căn cứ vào yêu cầu, đặc thù của công ty mẹ và sau khi được sự chấp thuận của Bộ quản lý ngành, Hội đồng thành viên của công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế có thể thành lập tổ tư vấn hoặc một số ban tư vấn sau do các thành viên Hội đồng thành viên làm Trưởng ban:

a) Ban Tài chính có nhiệm vụ giúp Hội đồng thành viên xác định các mục tiêu, chỉ tiêu tài chính dài hạn và trung hạn; các nguyên tắc, cơ chế quản lý tài chính thực hiện trong toàn tập đoàn kinh tế; thực hiện thẩm định các hợp đồng, dự án đầu tư và những vấn đề về tài chính khác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên;

b) Ban Nhân sự, tiền lương, tiền thưởng có nhiệm vụ xây dựng các quy chế, tiêu chuẩn về tuyển chọn, sử dụng, quản lý nhân sự, lao động thực hiện trong toàn tập đoàn kinh tế; lựa chọn, đề cử nhân sự cao cấp; tiền công, thù lao, tiền thưởng của các cán bộ chủ chốt trong tập đoàn kinh tế và những vấn đề về nhân sự, tiền lương, tiền thưởng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên;

c) Ban Kiểm toán, giám sát có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động huy động, sử dụng và phân phối các nguồn lực trong tập đoàn kinh tế; giám sát việc thực hiện trình tự kế toán và việc thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên về kế toán, kiểm toán, tài chính;

d) Một số ban khác (nếu có).

Nguồn kinh phí hoạt động của các Ban quy định tại Khoản 3 Điều này được lấy từ doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 23. Kiểm soát viên

Tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của Kiểm soát viên theo quy định tại Quy chế hoạt động của kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Điều 24. Tổng Giám đốc

1. Tổng Giám đốc là người điều hành hoạt động hàng ngày của công ty theo mục tiêu, kế hoạch và các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên phù hợp với Điều lệ công ty mẹ; chịu trách nhiệm trước Hội đồng thành viên và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ được giao;

2. Tổng Giám đốc được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP và pháp luật có liên quan. Điều lệ công ty mẹ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện đối với Tổng Giám đốc. Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc không quá năm (05) năm.

3. Tổng Giám đốc có nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 70 Luật Doanh nghiệp và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây đối với doanh nghiệp thành viên:

a) Xây dựng phương án phối hợp kinh doanh giữa các doanh nghiệp thành viên trình Hội đồng thành viên; tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp kinh doanh chung, kế hoạch đầu tư giữa các doanh nghiệp thành viên;

b) Kiểm tra các đơn vị thành viên thực hiện định mức, tiêu chuẩn, đơn giá quy định trong nội bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty;

c) Đề nghị Hội đồng thành viên quyết định cử người đại diện theo ủy quyền của công ty mẹ tại doanh nghiệp khác.

4. Tổng Giám đốc thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Điều 72 Luật Doanh nghiệp, các nghĩa vụ khác quy định tại Điều lệ công ty mẹ và hợp đồng đã ký.

5. Tổng Giám đốc được thay thế trong các trường hợp:

a) Tự nguyện xin từ chức và được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo đúng trình tự pháp luật;

b) Khi có quyết định điều chuyển, nghỉ hưu hoặc được bố trí công việc khác;

c) Các trường hợp khác theo quy định tại Khoản 6 Điều này.

6. Tổng Giám đốc bị miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn trong các trường hợp sau:

a) Để công ty mẹ không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giao trong hai (02) năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được, trừ các trường hợp lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lỗ theo kế hoạch do đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ theo nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng thành viên; lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có lý do khách quan được giải trình và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

b) Để công ty mẹ kinh doanh thua lỗ, có số lỗ phát sinh đến mức quy định tại Điều lệ công ty mẹ;

c) Công ty mẹ lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản;

d) Không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do Hội đồng thành viên giao; vi phạm nhiều lần và có hệ thống nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, quy chế hoạt động của công ty mẹ;

đ) Không trung thực trong thực thi các quyền hạn hoặc lạm dụng địa vị, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính của công ty mẹ;

e) Bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

g) Bị Tòa án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 25. Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc

1. Phó Tổng Giám đốc giúp Tổng Giám đốc điều hành công ty theo phân công và ủy quyền của Tổng Giám đốc; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền.

2. Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng do Hội đồng thành viên bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, mức lương và các lợi ích khác theo đề nghị của Tổng Giám đốc với nhiệm kỳ không quá năm (05) năm và có thể được bổ nhiệm lại hoặc ký tiếp hợp đồng.

3. Số lượng Phó Tổng Giám đốc không quá năm (05) người. Hội đồng thành viên quyết định cơ cấu, số lượng Phó Tổng Giám đốc theo quy mô và đặc điểm sản xuất, kinh doanh của công ty mẹ trong quá trình hoạt động. Trường hợp cần nhiều hơn năm (05) Phó Tổng Giám đốc, Hội đồng thành viên đề nghị Bộ quản lý ngành (đối với công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2012/NĐ-CP và tổng công ty thuộc Bộ), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với công ty mẹ trong tổng công ty thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

4. Kế toán trưởng có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán của công ty; giúp Tổng Giám đốc giám sát tài chính và phát huy các nguồn lực tài chính tại công ty theo pháp luật về tài chính, kế toán; có quyền hạn, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán; chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền. Tiêu chuẩn đối với Kế toán trưởng theo quy định tại Luật Kế toán và các quy định của pháp luật.

5. Bộ máy giúp việc gồm Văn phòng và các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ có chức năng tham mưu, giúp việc Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc trong quản lý, điều hành công việc.

Điều 26. Mối quan hệ giữa Hội đồng thành viên với Tổng Giám đốc trong quản lý, điều hành

1. Khi tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, nếu phát hiện thấy vấn đề không có lợi cho công ty mẹ và toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty thì Tổng Giám đốc báo cáo với Hội đồng thành viên xem xét, điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định. Hội đồng thành viên phải xem xét đề nghị của Tổng Giám đốc. Trường hợp Hội đồng thành viên không điều chỉnh lại nghị quyết, quyết định thì Tổng Giám đốc vẫn phải thực hiện nhưng được quyền kiến nghị lên chủ sở hữu.

2. Trong thời hạn mười lăm (15) ngày, kể từ ngày kết thúc tháng, quý, năm, Tổng Giám đốc phải gửi báo cáo bằng văn bản về tình hình hoạt động và dự kiến phương hướng thực hiện trong kỳ tới của công ty mẹ cho Hội đồng thành viên.

3. Chủ tịch Hội đồng thành viên có quyền tham dự hoặc cử đại diện Hội đồng thành viên tham dự các cuộc họp giao ban, cuộc họp chuẩn bị các đề án trình Hội đồng thành viên do Tổng Giám đốc chủ trì. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc người đại diện Hội đồng thành viên có quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền kết luận cuộc họp.

4. Tổng Giám đốc được mời tham dự cuộc họp của Hội đồng thành viên và được quyền phát biểu ý kiến nhưng không có quyền biểu quyết trừ trường hợp Tổng Giám đốc là thành viên Hội đồng thành viên.

Điều 27. Mối quan hệ giữa Kiểm soát viên với Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc

Mối quan hệ giữa Kiểm soát viên với Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc theo quy định tại Quy chế hoạt động của kiểm soát viên công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước

  • Số hiệu: 69/2014/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/07/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 727 đến số 728
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH