Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về:

1. Thành lập, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước (sau đây gọi tắt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty).

2. Tổ chức, hoạt động, quản lý, điều hành trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

3. Quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị định bao gồm:

1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc công ty mẹ là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước.

2. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức lại, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty và thực hiện quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp” là ngành nghề được xác lập từ mục đích đầu tư thành lập và chiến lược phát triển doanh nghiệp, do chủ sở hữu quy định và giao cho doanh nghiệp thực hiện khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

2. “Ngành nghề kinh doanh có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp” (sau đây gọi tắt là ngành nghề có liên quan) là ngành nghề phụ trợ hoặc phái sinh từ ngành nghề kinh doanh chính, trên cơ sở điều kiện và lợi thế của ngành nghề kinh doanh chính hoặc sử dụng lợi thế, ưu thế của ngành nghề kinh doanh chính và phục vụ trực tiếp cho ngành nghề kinh doanh chính.

3. “Ngành nghề kinh doanh không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp” (sau đây gọi tắt là ngành nghề không liên quan) là ngành nghề không phái sinh hoặc không phát triển từ ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.

4. “Đối tượng có liên quan của công ty mẹ” là tổ chức, cá nhân có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với công ty mẹ theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp.

5. “Quyền chi phối” của một doanh nghiệp đối với một doanh nghiệp khác bao gồm ít nhất một trong các quyền sau đây:

a) Quyền sở hữu duy nhất của doanh nghiệp;

b) Quyền của cổ đông, thành viên góp vốn chi phối của doanh nghiệp;

c) Quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số hoặc tất cả các thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc (Giám đốc) doanh nghiệp;

d) Quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định việc phê duyệt, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của doanh nghiệp;

đ) Quyền trực tiếp hay gián tiếp quyết định chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp;

e) Các trường hợp chi phối khác theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp chi phối và doanh nghiệp bị chi phối và được ghi vào Điều lệ của doanh nghiệp bị chi phối.

6. “Doanh nghiệp thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty” (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp thành viên) là các doanh nghiệp do công ty mẹ, doanh nghiệp cấp II trực tiếp nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó.

Điều 4. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty

1. Tập đoàn kinh tế là nhóm công ty, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định này.

2. Tổng công ty là nhóm công ty, gồm công ty mẹ, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết; đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định này.

3. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có không quá ba cấp doanh nghiệp và cơ cấu như sau:

a) Công ty mẹ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp I) là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối. Công ty mẹ được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoặc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; giữ vai trò hạt nhân lãnh đạo, chi phối các doanh nghiệp thành viên trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty;

b) Công ty con của doanh nghiệp cấp I (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II) là doanh nghiệp do công ty mẹ nắm quyền chi phối. Doanh nghiệp cấp II được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong trường hợp công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong trường hợp công ty mẹ nắm quyền chi phối;

c) Công ty con của doanh nghiệp cấp II (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp III) là doanh nghiệp do doanh nghiệp cấp II nắm quyền chi phối. Doanh nghiệp cấp III được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trong trường hợp doanh nghiệp cấp II nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong trường hợp doanh nghiệp cấp II nắm quyền chi phối;

d) Công ty liên kết là công ty có cổ phần, vốn góp dưới mức chi phối của công ty mẹ và công ty con; công ty không có vốn góp của công ty mẹ và công ty con, tự nguyện tham gia liên kết dưới hình thức hợp đồng liên kết và có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường, các dịch vụ khác với công ty mẹ hoặc công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Công ty liên kết được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

4. Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên có tư cách pháp nhân; có vốn và tài sản riêng; có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận chung của tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhà nước trực tiếp đầu tư tại công ty mẹ. Công ty mẹ là chủ sở hữu vốn do công ty mẹ đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết.

Điều 5. Tên và đăng ký kinh doanh

1. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có tên, thương hiệu riêng. Người quyết định thành lập tập đoàn kinh tế, tổng công ty quyết định tên của tập đoàn kinh tế, tổng công ty và tên của công ty mẹ thành lập theo Nghị định này.

2. Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Việc đặt tên của doanh nghiệp thành viên tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty không có tư cách pháp nhân và không phải đăng ký kinh doanh nhưng phải thông báo việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi số lượng doanh nghiệp thành viên, tỷ lệ vốn tại các doanh nghiệp thành viên, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty cho cơ quan đăng ký kinh doanh; việc tập trung kinh tế theo quy định tại Mục 3 và 4 Chương II Luật Cạnh tranh cho Cơ quan quản lý cạnh tranh.

Trình tự, thủ tục thông báo việc thành lập, tổ chức lại, thay đổi số lượng doanh nghiệp thành viên, tỷ lệ vốn tại các doanh nghiệp thành viên, chấm dứt hoạt động dưới hình thức tập đoàn kinh tế, tổng công ty thực hiện theo hướng dẫn của Bộ kế hoạch và Đầu tư.

Điều 6. Tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty

1. Tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong tập đoàn, kinh tế, tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Các tổ chức chính trị - xã hội trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội đó, phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty tạo điều kiện và hỗ trợ để tổ chức Đảng, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ của các tổ chức đó.

Điều 7. Áp dụng pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế

1. Việc thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và giám sát tập đoàn kinh tế, tổng công ty áp dụng theo quy định của Nghị định này, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Trường hợp có sự khác nhau giữa Nghị định này và pháp luật chuyên ngành thì áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế.

Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước

  • Số hiệu: 69/2014/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/07/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 727 đến số 728
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH