Hệ thống pháp luật

Điều 6 Nghị định 66/2005/NĐ-CP về bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thuỷ sản

Điều 6. Đối với Thuyền trưởng và người lái tàu cá

1. Trách nhiệm thường xuyên:

a) Phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc thuyền viên và người làm việc trên tàu cá thực hiện các quy định về an toàn khi làm việc trên tàu cá; phân công nhiệm vụ cho từng thuyền viên và tổ chức cho thuyền viên, người làm việc trên tàu thực tập các phương án đảm bảo an toàn;

b) Kiểm tra thuyền viên, người làm việc trên tàu cá và tàu cá về trang thiết bị hàng hải, trang bị an toàn, các giấy tờ của tàu cá và thuyền viên trước khi rời bến;

c) Thông báo vùng hoạt động, số thuyền viên, người làm việc thực tế có trên tàu cá và xuất trình các giấy tờ với các cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu;

2. Trách nhiệm trong trường hợp có bão, lũ:

a) Đôn đốc thuyền viên, người làm việc trên tàu cá trực tàu và sẵn sàng điều động tàu ứng phó với bão, lũ và hỗ trợ các tàu cá khác khi có tai nạn xảy ra;

b) Khi bão xa: thông báo cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá biết đồng thời kiểm tra các trang thiết bị an toàn và thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên Đài Tiếng nói Việt Nam; liên lạc chặt chẽ với đài thông tin duyên hải và thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng khu vực;

c) Khi bão gần: thông báo cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá biết, nhanh chóng ra lệnh thu lưới và rời khỏi ngư trường để về nơi an toàn gần nhất; thông tin cho các tàu cá khác đang hoạt động trong cùng khu vực;

d) Khi có tin bão khẩn cấp: phải ra lệnh cho thuyền viên, người làm việc trên tàu cá mặc áo phao cá nhân, đưa trang thiết bị cấp cứu vào vị trí sẵn sàng ứng cứu và đưa tàu cá đến nơi an toàn gần nhất; điều động tàu cá và thuyền viên, người làm việc trên tàu cá của mình ứng cứu khi phát hiện có người và tàu cá khác bị nạn;

Trong trường hợp bất khả kháng, thuyền trưởng có quyền quyết định sử dụng các biện pháp cấp bách để kịp đưa tàu cá đến nơi an toàn.

đ) Khi tàu cá đang trong vùng bão: phải trực tiếp điều khiển và chỉ huy phương tiện của mình; sử dụng mọi biện pháp và kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá. Kịp thời thông báo cho đài thông tin duyên hải và các tàu cá gần nhất biết về vị trí tàu cá của mình đang hoạt động và phát tín hiệu cấp cứu khi phương tiện bị tai nạn; tham gia ứng cứu khi phát hiện người và tàu cá khác bị nạn;

e) Khi bão tan: phải báo cáo kịp thời với chủ tàu, chính quyền địa phương nơi cư trú hoặc nơi tàu cá di chuyển đến về tình trạng người và tàu cá của mình, đồng thời tự kiểm tra lại điều kiện an toàn của tàu cá trước khi hoạt động trở lại.

3. Trách nhiệm trong các trường hợp khác:

a) Khi phát hiện tàu cá khác bị tai nạn phải đưa tàu đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh các lệnh điều động tàu đi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của các cấp có thẩm quyền;

c) Khi tàu bị tai nạn phải có các biện pháp ứng phó kịp thời, đồng thời thông báo cho đài thông tin duyên hải gần nhất.

Nghị định 66/2005/NĐ-CP về bảo đảm an toàn cho người và tàu đánh cá hoạt động thuỷ sản

  • Số hiệu: 66/2005/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 19/05/2005
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 12/06/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra