Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 25/2014/NĐ-CP về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao

Chương 2.

PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÁC CÓ SỬ DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Điều 6. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao

1. Nội dung thông tin, tuyên truyền, giáo dục bao gồm:

a) Chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao;

b) Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao trong việc bảo vệ và giữ gìn an ninh, trật tự;

c) Phương thức, thủ đoạn và nguy cơ, tác hại của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao;

d) Kiến thức, kỹ năng tự phòng, chống các nguy cơ của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; kỹ năng ứng phó khi bị tấn công, xâm nhập trái phép vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu;

đ) Biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao;

e) Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao;

g) Các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

2. Hình thức thông tin, tuyên truyền, giáo dục:

a) Gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, thảo luận trực tiếp;

b) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng;

c) Thông qua hoạt động tại các cơ sở giáo dục, đào tạo;

d) Thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sinh hoạt cộng đồng;

đ) Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và dịch vụ Internet, viễn thông; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thanh toán điện tử và thương mại điện tử; tầng lớp thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong nhà trường phổ thông và các cơ sở giáo dục, đào tạo khác liên quan đến công nghệ cao; các hiệp hội, câu lạc bộ trong lĩnh vực công nghệ cao và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao.

Điều 7. Quản lý hành chính về an ninh, trật tự

1. Cơ quan thực hiện chức năng quản lý hành chính về an ninh, trật tự thông qua hoạt động của mình có trách nhiệm chủ động phát hiện kịp thời nguyên nhân, điều kiện, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao và có biện pháp xử lý phù hợp.

2. Các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao thông qua quản lý hành chính về an ninh, trật tự, bao gồm:

a) Theo dõi nhân khẩu, hộ khẩu thông qua công tác quản lý cư trú, kiểm tra nhân khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng trên địa bàn;

b) Quản lý hồ sơ, tàng thư, căn cước phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao;

c) Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh;

d) Các biện pháp quản lý hành chính về an ninh, trật tự khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hoạt động phòng ngừa của Cơ quan chuyên trách

1. Tổ chức, triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan tại các địa bàn, lĩnh vực phụ trách nhằm phục vụ việc phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

2. Tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, đề xuất các chủ trương, biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

3. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

4. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Điều 9. Cá nhân tham gia phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao

1. Tham gia các hoạt động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

2. Bảo vệ mật khẩu, khóa mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ cao của mình.

3. Phát hiện, kịp thời tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao với cơ quan Công an hoặc chính quyền cơ sở gần nhất; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chuyên trách trong quá trình xác minh làm rõ tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao, cung cấp các thông tin, tài liệu cần thiết có liên quan cho Cơ quan chuyên trách khi được yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao

1. Thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

2. Chấp hành quy định của pháp luật về thời hạn bảo quản, lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu điện tử phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

3. Cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu, dữ liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao cho Cơ quan chuyên trách khi có yêu cầu theo quy định tại Điểm c, d, đ Khoản 1 Điều 14 của Nghị định này.

4. Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chuyên trách, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

Điều 11. Cơ quan thông tin đại chúng tham gia phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao

1. Đưa tin kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; phản ánh tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao; nêu gương các điển hình tiên tiến, mô hình có hiệu quả trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao.

2. Lồng ghép nội dung phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao với các chương trình thông tin, tuyên truyền khác.

Nghị định 25/2014/NĐ-CP về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao

  • Số hiệu: 25/2014/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 07/04/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 449 đến số 450
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH