Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 25/2000/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay dân dụng Việt Nam

Chương 4:

KIỂM TRA, GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHUYẾN BAY

Điều 17.

1. Tầu bay bị tạm giữ hoặc bị đình chỉ khởi hành trong các trường hợp sau:

a) Vi phạm các quy định về thủ tục chuyến bay, lập, thực hiện kế hoạch bay và thực hiện phép bay;

b) Vi phạm các quy định pháp luật về giấy tờ, tài liệu liên quan đến khai thác, sửa chữa và bảo dưỡng tầu bay;

c) Vi phạm thủ tục kiểm tra an toàn, an ninh hàng không;

d) Chuyến bay có dấu hiệu bị uy hiếp an toàn, an ninh;

e) Theo lệnh của cơ quan có thẩm quyền.

2. Cơ quan hoặc cá nhân ra lệnh tạm giữ tầu bay hoặc đình chỉ khởi hành chuyến bay trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại cho người khai thác tầu bay hoặc người vận chuyển theo quy định của pháp luật.

Điều 18.

1. Theo lệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý bay có trách nhiệm yêu cầu tầu bay đã khởi hành quay lại sân bay, tạm giữ hoặc đình chỉ khởi hành tầu bay.

2. Trong trường hợp phải bảo đảm an toàn của chuyến bay, cơ quan quản lý bay có thể không yêu cầu tầu bay quay lại theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng phải thông báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh tầu bay quay lại.

3. Cơ quan hoặc cá nhân ra lệnh tầu bay quay lại theo khoản 1 điều này trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại cho người khai thác tầu bay hoặc người vận chuyển theo quy định của pháp luật.

Điều 19.

1. Tầu bay có thể bị bay chặn hoặc bị bắt buộc hạ cánh xuống nơi quy định để điều tra, xử lý hoặc áp dụng các biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau:

a) Xâm phạm vùng trời Việt Nam;

b) Vi phạm an ninh quốc gia;

c) Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về hàng không dân dụng;

d) Cố ý không thực hiện lệnh của cơ quan quản lý bay.

2. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định thể thức bay chặn và bắt buộc tầu bay hạ cánh.

Điều 20.

1. Người khai thác tầu bay phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu tầu bay đang bay gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người thứ ba ở mặt đất trong lãnh thổ Việt Nam hoặc của công dân, pháp nhân Việt Nam ở vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, ở vùng đất, vùng nước không thuộc chủ quyền và quyền tài phán của bất cứ nước nào.

2. Trong trường hợp phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng tầu bay là công dân, pháp nhân Việt Nam được hưởng mức giới hạn trách nhiệm dân sự áp dụng đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Nghị định 25/2000/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay dân dụng Việt Nam

  • Số hiệu: 25/2000/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/08/2000
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH