Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 25/2000/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay dân dụng Việt Nam

Chương 2:

CẤP VÀ QUẢN LÝ PHÉP BAY

Điều 4.

1. Bộ Ngoại giao cấp phép bay cho các chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho các chuyến bay chuyên cơ đó thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.

2. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thông báo cho Bộ Quốc phòng và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phép bay đã cấp để đảm bảo phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện phép bay.

Điều 5.

1. Bộ Quốc phòng cấp phép bay cho các chuyến bay quân sự của Việt Nam hoặc nước ngoài thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam.

2. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm thông báo cho Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phép bay đã cấp để triển khai, phối hợp quản lý và điều hành chuyến bay.

Điều 6.

1. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cấp phép bay cho các chuyến bay thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam sau đây:

a) Chuyến bay của tầu bay dân dụng Việt Nam và nước ngoài nhằm mục đích dân dụng;

b) Chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam; chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho các chuyến bay chuyên cơ đó;

c) Chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại Điều 4 của Nghị định này; chuyến bay hộ tống hoặc tiền trạm cho các chuyến bay chuyên cơ đó;

d). Chuyến bay của tầu bay công vụ Việt Nam và nước ngoài không thuộc phạm vi quy định tại Điều 4, Điều 5 của Nghị định này.

2. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có trách nhiệm triển khai phép bay đã cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này, Điều 4 và Điều 5 của Nghị định này đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để quản lý, điều hành chuyến bay; giám sát và kiểm tra việc thực hiện phép bay.

Điều 7.

1. Căn cứ vào tính chất hoạt động, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định các loại chuyến bay tại điểm a khoản 1 Điều 6 của Nghị định này, thủ tục, trình tự triển khai phép bay đã được cấp.

2. Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam có thể uỷ quyền cho các đơn vị trực thuộc cấp phép khi tình thế cấp thiết đòi hỏi phải có sự can thiệp tức thời hoặc cung cấp dịch vụ điều hành bay nhanh chóng.

3. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định thủ tục nhận thông báo và quản lý, kiểm soát, điều hành các chuyến bay qua vùng thông báo bay do Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao cho Việt Nam quản lý.

Điều 8.

1. Các chuyến bay sau đây chỉ được cấp phép sau khi có sự đồng ý của Bộ Quốc phòng:

a) Chuyến bay của tầu bay dân dụng, tầu bay công vụ nhằm mục đích dân dụng hoặc hoạt động trong khu vực kiểm soát của hàng không dân dụng hạ cánh, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay không phải là cảng hàng không, sân bay dân dụng;

b) Chuyến bay chở hàng hoá đặc biệt;

c) Chuyến bay luyện tập, thao diễn;

d) Chuyến bay tiến hành tại khu vực hạn chế và vùng cấm bay, vùng nguy hiểm;

đ) Chuyến bay quay phim, chụp ảnh;

e) Chuyến bay bằng trực thăng;

g) Chuyến bay thấp;

h) Chuyến bay thực hiện ngoài đường hàng không;

i) Chuyến bay của tầu bay công vụ nước ngoài;

k) Chuyến bay y tế của nước ngoài;

l) Chuyến bay dân dụng quốc tế có hạ cánh, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay dân dụng nội địa.

2. Các chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài có hạ cánh, cất cánh tại cảng hàng không, sân bay dân dụng nội địa chỉ được cấp phép sau khi có sự đồng ý của Bộ Quốc phòng và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.

Điều 9.

1. Việc cấp phép bay cho các chuyến bay quốc tế thường lệ phải trên cơ sở và phù hợp với các điều kiện của hiệp định, thoả thuận hàng không mà Việt Nam ký kết với nước ngoài liên quan và các quy định pháp luật của Việt Nam.

2. Việc cấp phép cho các chuyến bay quốc tế không thường lệ phải xem xét các yếu tố thương mại, an toàn hàng không, an ninh, quốc phòng và các quy định pháp luật liên quan của Việt Nam.

3. Việc cấp phép bay cho các chuyến bay phải trên cơ sở khả năng đáp ứng của cảng hàng không, sân bay.

Điều 10.

1. Cơ quan cấp phép bay có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ phép bay vì các lý do sau đây:

a) An ninh, quốc phòng;

b) An toàn của chuyến bay;

c) Trật tự và lợi ích công cộng;

d) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước;

e) Theo quy định của hiệp định, thoả thuận hàng không mà Việt Nam ký kết với nước ngoài;

g) Người xin phép bay cung cấp thông tin không trung thực hoặc có những hành vi lừa dối khác.

Việc sửa đổi, huỷ bỏ phép bay phải được thông báo cho người xin phép bay trong thời hạn quy định.

2. Trong trường hợp tự hủy chuyến bay đã được cấp phép, người xin phép bay phải thông báo cho cơ quan cấp phép bay trước thời hạn dự kiến thực hiện chuyến bay.

Điều 11. Người xin phép bay phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các giấy tờ sau đây:

1. Chứng chỉ người khai thác tầu bay, chứng chỉ nhà bảo dưỡng, sửa chữa tầu bay;

2. Chứng chỉ đăng ký tầu bay, chứng chỉ đủ điều kiện bay, chứng chỉ tiếng ồn của tầu bay, giấy phép khai thác điện đài trên tầu bay;

3. Bằng và chứng chỉ của thành viên tổ bay và những người liên quan đến khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa tầu bay.

Điều 12. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao quy định và hướng dẫn thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ phép bay đối với các loại chuyến bay.

Điều 13.

1. Người xin phép bay phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

2. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Hàng không dân dụng Việt Nam quy định việc thu và sử dụng lệ phí cấp phép bay.

Nghị định 25/2000/NĐ-CP về quản lý hoạt động bay dân dụng Việt Nam

  • Số hiệu: 25/2000/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/08/2000
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH