Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Chương 2.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

Điều 8. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, Công an cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm lập biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép của người đó và tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trường hợp cá nhân, tổ chức phát hiện người sử dụng ma túy trái phép thì báo cho cơ quan Công an cấp xã nơi người có hành vi vi phạm để lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ:

a) Trường hợp người vi phạm cư trú tại xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm và đã được giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này;

b) Trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan Công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản, mỗi bên giữ một bản;

c) Trường hợp chưa xác định được nơi cư trú ổn định của người vi phạm, thì tiến hành xác định nơi cư trú ổn định của người đó. Trong thời gian 15 ngày làm việc, nếu xác định được nơi cư trú ổn định thì thực hiện theo Điểm a hoặc Điểm b Khoản 1 Điều này; nếu không xác định được nơi cư trú ổn định thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này.

2. Trong quá trình điều tra, thụ lý các vụ vi phạm pháp luật, cơ quan Công an cấp huyện hoặc cơ quan Công an cấp tỉnh phát hiện hành vi sử dụng ma túy trái phép hoặc dấu hiệu nghiện ma túy của người vi phạm thì tiến hành lập biên bản, xác minh, thu thập tài liệu và lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với người đó:

a) Trường hợp người vi phạm thuộc quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này. Hồ sơ được gửi cho phòng Tư pháp cấp huyện nơi người đó cư trú.

b) Trường hợp người vi phạm thuộc quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định này thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định này. Hồ sơ được gửi cho phòng Tư pháp cấp huyện nơi cơ quan lập hồ sơ đóng trụ sở.

Điều 9. Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định:

a) Bản tóm tắt lý lịch;

b) Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

c) Biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép;

d) Bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ;

đ) Tài liệu chứng minh đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm: Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy và Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

e) Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

g) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Văn bản của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định:

a) Hồ sơ đề nghị quy định tại Điểm a, b, c, d, h Khoản 1 Điều này;

b) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Điều 10. Thẩm quyền xác định người nghiện ma túy.

1. Người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy là bác sỹ, y sĩ thuộc trạm Y tế cấp xã, bệnh xá Quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bộ Y tế hướng dẫn việc tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma túy.

2. Người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy phải chịu trách nhiệm về việc xác định của mình trước pháp luật.

Điều 11. Thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Sau khi hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại Điều 9 Nghị định này, cơ quan lập hồ sơ thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

2. Văn bản thông báo về việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Họ và tên người vi phạm;

b) Lý do lập hồ sơ đề nghị;

c) Quyền của người được thông báo: người được thông báo có quyền đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ và phát biểu ý kiến về việc lập hồ sơ tại Tòa án nhân dân cấp huyện;

d) Địa điểm đọc hồ sơ;

đ) Thời gian đọc hồ sơ: thời gian đọc hồ sơ là 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

Điều 12. Gửi hồ sơ để kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Hết thời hạn đọc hồ sơ quy định tại Điểm đKhoản 2 Điều 11 Nghị định này, cơ quan lập hồ sơ đánh bút lục và lập thành hai bản, bản gốc gửi Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện để kiểm tra tính pháp lý, bản sao lưu tại cơ quan lập hồ sơ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản và gửi Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp.

3. Việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Khoản 2 Điều này phải bảo đảm phù hợp, đầy đủ theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính đối với các vấn đề sau:

a) Các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 4 Nghị định này;

c) Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 3 Nghị định này;

d) Thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Luật xử lý vi phạm hành chính;

đ) Thẩm quyền lập hồ sơ;

e) Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 13. Xem xét, quyết định việc chuyển hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đối chiếu hồ sơ đề nghị theo quy định tại Điều 9 Nghị định này với nội dung văn bản kiểm tra tính pháp lý của Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện.

a) Trường hợp hồ sơ đầy đủ thì đánh bút lục và lập thành hai bản, bản gốc chuyển cho Tòa án nhân dân cấp huyện, bản sao lưu tại phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật về lưu trữ;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì có văn bản đề nghị cơ quan lập hồ sơ bổ sung, trong đó nêu rõ lý do và các tài liệu cần bổ sung vào hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung các tài liệu theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, nếu hồ sơ không được bổ sung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội trả lại hồ sơ cho cơ quan lập hồ sơ đồng thời thông báo bằng văn bản cho Trưởng phòng Tư pháp và người bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc:

a) Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định tại Điều 9 Nghị định này;

b) Văn bản đề nghị của Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện về việc xem xét áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gửi Tòa án nhân dân cùng cấp. Văn bản nêu rõ tên cơ sở cai nghiện bắt buộc mà người bị đề nghị áp dụng biện pháp này sẽ phải thi hành.

3. Trường hợp Tòa án có văn bản đề nghị làm rõ một số nội dung trong hồ sơ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 14. Giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

1. Tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải bảo đảm các điều kiện:

a) Về cơ sở vật chất, thiết bị: cơ sở phải xây dựng thành khu liên hoàn, cách ly với môi trường bên ngoài để tránh thẩm lậu ma túy và tối thiểu phải có 03 phòng chức năng và các thiết bị kèm theo như sau:

- Phòng khám và cấp cứu: diện tích tối thiểu 10 m2 trong đó có tủ thuốc với đầy đủ các danh mục thuốc, dụng cụ cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế;

- Phòng lưu bệnh nhân: diện tích tối thiểu 8 m2 và bằng hoặc lớn hơn 4 m2/người điều trị; trong phòng có đủ mỗi bệnh nhân 01 bộ dụng cụ sinh hoạt gồm giường, chiếu, ga, gối, chăn, màn;

- Phòng thường trực của cán bộ y tế, bảo vệ;

b) Về nhân sự phải có tối thiểu 04 người gồm: phụ trách đơn vị điều trị cắt cơn là y, bác sỹ chuyên khoa tâm thần hoặc đa khoa có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh và có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy; 01 y, bác sỹ điều trị; 01 điều dưỡng viên; 01 bảo vệ.

2. Tổ chức xã hội có trách nhiệm quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 131 của Luật xử lý vi phạm hành chính và hỗ trợ điều trị cắt cơn nghiện theo quy định của Bộ Y tế.

3. Tổ chức xã hội tham gia quản lý tại Khoản 2 Điều này được hỗ trợ kinh phí trong quá trình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm: hỗ trợ trực tiếp cho người của tổ chức xã hội được phân công quản lý, giúp đỡ người nghiện; hỗ trợ tiền ăn, tiền thuốc chữa bệnh thông thường và các chi phí sinh hoạt khác cho người nghiện.

4. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ hướng dẫn điều kiện đảm bảo cho việc tổ chức quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

  • Số hiệu: 221/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/12/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 113 đến số 114
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH