Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 16/2013/NĐ-CP về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

Chương 3.

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN

Điều 22. Phương thức hệ thống hóa văn bản

1. Hệ thống hóa văn bản theo định kỳ

Văn bản còn hiệu lực do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành được hệ thống hóa định kỳ và công bố kết quả hệ thống hóa 05 (năm) năm một lần. Thời điểm ấn định văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa để công bố (sau đây gọi là thời điểm hệ thống hóa) là ngày 31 tháng 12 của năm thứ năm tính từ thời điểm hệ thống hóa kỳ trước.

Thời điểm hệ thống hóa kỳ đầu thống nhất trong cả nước là ngày 31 tháng 12 năm 2013.

2. Hệ thống hóa văn bản theo yêu cầu quản lý nhà nước

Căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc hệ thống hóa văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực.

Điều 23. Nội dung hệ thống hóa văn bản

Nội dung hệ thống hóa văn bản bao gồm tập hợp các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa; kiểm tra lại kết quả rà soát thường xuyên văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa (sau đây gọi tắt là kiểm tra lại kết quả rà soát) và rà soát bổ sung; sắp xếp các văn bản còn hiệu lực theo các tiêu chí đã được xác định; công bố các danh mục văn bản và Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực.

Điều 24. Kế hoạch hệ thống hóa văn bản

1. Việc định kỳ hệ thống hóa văn bản phải được cơ quan hệ thống hóa văn bản lập thành kế hoạch.

2. Nội dung chính của kế hoạch hệ thống hóa văn bản bao gồm:

a) Mục đích, yêu cầu hệ thống hóa;

b) Đối tượng, phạm vi hệ thống hóa;

c) Thời gian và tiến độ thực hiện;

d) Phân công đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp;

đ) Kinh phí và các điều kiện bảo đảm thực hiện kế hoạch.

Điều 25. Trình tự, thủ tục hệ thống hóa văn bản

1. Tập hợp các văn bản và kết quả rà soát các văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa

a) Văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa phải được tập hợp theo nguồn văn bản quy định tại Điều 7 Nghị định này.

Văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa bao gồm các văn bản trong Tập hệ thống hóa của kỳ hệ thống hóa trước đã được rà soát xác định còn hiệu lực; các văn bản được ban hành trong kỳ hệ thống hóa hiện tại đã được rà soát xác định còn hiệu lực.

b) Kết quả rà soát văn bản thuộc đối tượng, phạm vi hệ thống hóa được tập hợp từ cơ sở dữ liệu rà soát, hệ thống hóa văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền rà soát, hệ thống hóa văn bản quy định tại Nghị định này.

2. Kiểm tra lại kết quả rà soát và rà soát bổ sung

a) Kiểm tra lại kết quả rà soát

Kết quả rà soát các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa phải được kiểm tra lại để bảo đảm tính chính xác về hiệu lực của văn bản tính đến thời điểm hệ thống hóa.

b) Rà soát bổ sung

Trong trường hợp kết quả rà soát văn bản phản ánh không cập nhật tình trạng pháp lý của văn bản hoặc phát hiện văn bản chưa được rà soát theo quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền rà soát phải tiến hành rà soát ngay theo quy định tại Nghị định này.

3. Lập các danh mục văn bản

a) Danh mục tổng hợp các văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa;

b) Danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần;

c) Danh mục văn bản còn hiệu lực;

d) Danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới.

4. Sắp xếp các văn bản còn hiệu lực thành Tập hệ thống hóa văn bản

Các văn bản còn hiệu lực được sắp xếp thành Tập hệ thống hóa văn bản theo các tiêu chí quy định tại Điều 26 Nghị định này.

5. Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa văn bản của mình; Chủ tịch Ủy ban nhân dân công bố kết quả hệ thống hóa văn bản thuộc trách nhiệm hệ thống hóa văn bản của Ủy ban nhân dân cấp mình.

Kết quả hệ thống hóa văn bản bao gồm Tập hệ thống hóa văn bản và các danh mục văn bản quy định tại Khoản 3 Điều này.

b) Hình thức văn bản công bố kết quả hệ thống hóa văn bản là văn bản hành chính.

c) Kết quả hệ thống hóa văn bản phải được công bố chậm nhất là 30 (ba mươi) ngày đối với văn bản của Trung ương, 60 (sáu mươi) ngày đối với văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp kể từ thời điểm hệ thống hóa.

6. Kết quả hệ thống hóa văn bản phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan rà soát (nếu có). Trong trường hợp cần thiết, cơ quan rà soát văn bản phát hành Tập hệ thống hóa văn bản bằng hình thức văn bản giấy.

Danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần ở Trung ương và cấp tỉnh phải được đăng công báo.

Danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần ở cấp huyện và cấp xã phải được niêm yết tại trụ sở cơ quan rà soát.

Trường hợp sau khi công bố, phát hiện các danh mục văn bản và Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực có sai sót thì tiến hành rà soát lại và đính chính.

Điều 26. Tiêu chí sắp xếp văn bản trong Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực

Văn bản trong Tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực được sắp xếp theo các tiêu chí sau đây:

1. Lĩnh vực quản lý nhà nước;

2. Thứ bậc hiệu lực của văn bản;

3. Trình tự thời gian ban hành văn bản;

4. Các tiêu chí khác phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước.

Điều 27. Hệ thống hóa văn bản theo yêu cầu quản lý nhà nước

1. Theo yêu cầu quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc hệ thống hóa văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực.

2. Việc hệ thống hóa văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực được thực hiện theo quy định tại các Điều 23, 24, 25 Nghị định này.

Nghị định 16/2013/NĐ-CP về rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật

  • Số hiệu: 16/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/02/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 111 đến số 112
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH