Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử và Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử.

2. Công việc bức xạ quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Sử dụng nguồn phóng xạ;

b) Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;

c) Lưu giữ tạm thời nguồn phóng xạ và xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng;

d) Sử dụng thiết bị bức xạ, vận hành thiết bị chiếu xạ;

đ) Xây dựng cơ sở bức xạ;

e) Chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ;

g) Xuất khẩu nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

h) Nhập khẩu nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân, thiết bị hạt nhân;

i) Đóng gói, vận chuyển, vận chuyển quá cảnh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân.

3. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Tư vấn kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bao gồm: Tư vấn kỹ thuật và công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân cho tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, không bao gồm hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ;

b) Đánh giá công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân; giám định công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân;

c) Kiểm xạ;

d) Tẩy xạ;

đ) Đánh giá hoạt độ phóng xạ;

e) Lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ;

g) Đo liều chiếu xạ cá nhân;

h) Kiểm định thiết bị bức xạ;

i) Hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ;

k) Thử nghiệm thiết bị bức xạ;

l) Đào tạo an toàn bức xạ; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cá nhân thực hiện các dịch vụ quy định từ điểm a đến điểm k khoản này (sau đây gọi tắt là đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ).

4. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuốc phóng xạ được quản lý theo các quy định của pháp luật về dược.

5. Hoạt động thăm dò, khai thác quặng phóng xạ được quản lý theo các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 của Nghị định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Sử dụng nguồn phóng xạ là việc sử dụng nguồn phóng xạ hở, nguồn phóng xạ kín; không bao gồm nguồn phóng xạ gắn trong thiết bị bức xạ.

2. Sử dụng thiết bị bức xạ là việc sử dụng thiết bị có gắn nguồn phóng xạ hoặc thiết bị phát tia X, nơtron, electron và hạt mang diện khác, không bao gồm vận hành thiết bị chiếu xạ.

3. Vận hành thiết bị chiếu xạ là việc sử dụng máy gia tốc, thiết bị xạ trị hoặc thiết bị chiếu xạ khử trùng, đột biến và xử lý vật liệu.

4. Sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế là việc sử dụng thiết bị phát tia X trong chẩn đoán y tế, bao gồm thiết bị chụp X-quang tổng hợp, thiết bị X-quang tăng sáng truyền hình, thiết bị X-quang răng, thiết bị X- quang vú, thiết bị X-quang di động, thiết bị chụp cắt lớp vi tính (trừ thiết bị chụp cắt lớp vi tính tích hợp với PET, SPECT (PET/CT, SPECT/CT)), thiết bị X-quang đo mật độ xương, thiết bị X-quang thú y.

5. Lưu giữ tạm thời nguồn phóng xạ là việc lưu giữ nguồn phóng xạ kể từ khi tiếp nhận cho đến khi đưa vào sử dụng hoặc chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác; không bao gồm việc lưu giữ nguồn phóng xạ đã qua sử dụng và việc lưu giữ nguồn phóng xạ trong quá trình sử dụng đã được cấp phép.

6. Lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị bức xạ là hoạt động lắp đặt máy gia tốc, tháo lắp nguồn phóng xạ và hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa cơ cấu ảnh hưởng đến tính năng bảo vệ an toàn bức xạ của máy gia tốc, thiết bị gắn nguồn phóng xạ.

7. Thử nghiệm thiết bị bức xạ là việc xác định đặc tính kỹ thuật liên quan đến an toàn bức xạ của thiết bị bức xạ hoặc bộ phận phát bức xạ.

8. Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ, tài liệu với nội dung được kê khai theo quy định của Nghị định này.

Điều 4. Yêu cầu chung

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này phải có Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, trừ các công việc liên quan đến:

a) Thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ được miễn trừ khai báo, cấp giấy phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5:2010/BKHCN về An toàn bức xạ - Miễn trừ khai báo, cấp giấy phép;

b) Sử dụng hàng hóa tiêu dùng đã chiếu xạ hoặc chứa chất phóng xạ.

2. Các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Năng lượng nguyên tử phải có Giấy phép xây dựng cơ sở bức xạ trước khi xây dựng, cải tạo, mở rộng phòng đặt thiết bị, trừ các cơ sở sau:

a) Cơ sở vận hành thiết bị chiếu xạ có cơ cấu tự che chắn theo thiết kế của nhà sản xuất;

b) Cơ sở vận hành máy gia tốc sử dụng di động để soi chiếu kiểm tra hàng hóa.

3. Trước khi chấm dứt hoạt động, các cơ sở bức xạ sau phải có Giấy phép chấm dứt hoạt động cơ sở bức xạ:

a) Cơ sở chiếu xạ công nghiệp sử dụng nguồn phóng xạ;

b) Cơ sở sản xuất, chế biến chất phóng xạ;

c) Các cơ sở bức xạ khác có tạo ra chất thải phóng xạ trong quá trình tiến hành công việc bức xạ.

4. Tổ chức, cá nhân chỉ được cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 75 của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định tại Chương II của Nghị định này.

5. Sau 30 ngày kể từ khi tiếp nhận nguồn phóng xạ, thiết bị có gắn nguồn phóng xạ mà chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép sử dụng, Giấy phép vận hành hoặc chưa chuyển giao, chuyển nhượng thì cơ sở tiếp nhận phải nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép lưu giữ tạm thời nguồn phóng xạ.

6. Tổ chức, cá nhân có chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng nếu tự xử lý, lưu giữ thì phải có Giấy phép xử lý, lưu giữ chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng. Yêu cầu này không áp dụng đối với kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia, cơ sở xử lý, lưu giữ tập trung chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.

7. Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này phải có Giấy đăng ký hoạt động đối với tổ chức và Chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân.

8. Tổ chức chỉ được cấp Giấy đăng ký hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử khi đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 69 của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định tại Chương III của Nghị định này.

9. Tổ chức hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử quy định tại điểm b khoản 3 Điều 1 Nghị định này phải là doanh nghiệp hoặc tổ chức khoa học và công nghệ được thành lập, đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.

10. Cá nhân chỉ được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 70 của Luật Năng lượng nguyên tử và quy định tại Chương III của Nghị định này.

Nghị định 142/2020/NĐ-CP quy định về tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử

  • Số hiệu: 142/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/12/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1189 đến số 1190
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH