Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Chương II

HOẠT ĐỘNG CỦA QUỸ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỊA PHƯƠNG

MỤC 1: ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP VÀO CÁC DỰ ÁN

Điều 6. Đối tượng đầu tư

Đối tượng đầu tư trực tiếp là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) thông qua, bao gồm:

1. Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật;

2. Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các dự án phụ trợ bên ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao;

3. Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở và các dự án phát triển khu đô thị mới;

4. Các dự án bảo vệ và cải tạo môi trường;

5. Các dự án đầu tư trọng điểm khác theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 7. Điều kiện đầu tư

1. Dự án đầu tư đã được quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật.

2. Dự án đầu tư phải có hiệu quả và có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Điều 8. Phương thức đầu tư

1. Quỹ đầu tư phát triển địa phương có thể thực hiện đầu tư với tư cách là chủ đầu tư hoặc tham gia góp vốn với các tổ chức khác để đầu tư và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Quỹ đầu tư phát triển địa phương có thể trực tiếp quản lý dự án đầu tư hoặc thuê các tổ chức chuyên môn quản lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Hình thức đầu tư

1. Tuỳ từng điều kiện cụ thể, Quỹ đầu tư phát triển địa phương lựa chọn các hình thức đầu tư sau đây:

a) Đầu tư theo các hình thức: hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) theo quy định của pháp luật;

b) Tìm kiếm dự án, thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư sau đó thực hiện đầu tư, hoặc chuyển nhượng lại dự án cho chủ đầu tư khác thực hiện đầu tư.

2. Việc đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện theo các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

Điều 10. Thẩm quyền quyết định đầu tư

1. Mức vốn đầu tư đối với một dự án đến 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Quỹ đầu tư phát triển địa phương quyết định.

2. Mức vốn đầu tư đối với một dự án trên 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

MỤC 2: CHO VAY ĐẦU TƯ

Điều 11. Đối tượng cho vay

Đối tượng cho vay là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có phương án thu hồi vốn trực tiếp thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, bao gồm:

1. Các dự án về: giao thông; cấp nước; nhà ở khu đô thị, khu dân cư; di chuyển sắp xếp lại các cơ sở sản xuất; xử lý rác thải của các đô thị;

2. Các dự án quan trọng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Điều 12. Điều kiện cho vay

Quỹ đầu tư phát triển địa phương chỉ cho vay khi chủ đầu tư bảo đảm có đủ các điều kiện sau đây:

1. Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;

2. Có phương án sản xuất, kinh doanh có lãi và phương án bảo đảm trả được nợ;

3. Có cam kết mua bảo hiểm đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc tại một công ty bảo hiểm được phép hoạt động tại Việt Nam;

4. Chủ đầu tư là các tổ chức có tư cách pháp nhân hoặc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Điều 13. Thẩm quyền quyết định cho vay đầu tư

1. Mức vốn cho vay đối với một dự án đến 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Quỹ đầu tư phát triển địa phương quyết định.

2. Mức vốn cho vay đối với một dự án trên 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Điều 14. Thời hạn cho vay

Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của từng dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư nhưng tối đa là 15 năm. Trường hợp đặc biệt vay trên 15 năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Điều 15. Lãi suất cho vay

1. Lãi suất cho vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương đối với các dự án theo nguyên tắc không thấp hơn lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước.

2. Lãi suất cho vay lại đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý vay và trả nợ nước ngoài.

Điều 16. Bảo đảm tiền vay

Tuỳ thuộc vào từng dự án cụ thể, Quỹ đầu tư phát triển địa phương sử dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Quy định về cho vay hợp vốn

1. Quỹ đầu tư phát triển địa phương được làm đầu mối cho vay hợp vốn hoặc cùng hợp vốn với tổ chức tín dụng và tổ chức khác để cho vay dự án.

2. Việc cho vay hợp vốn phải lập thành hợp đồng và phải tuân theo quy định tại các Điều 11, 12, 13, 14, 15 và Điều 16 Nghị định này.

Điều 18. Phân loại nợ, trích lập Quỹ dự phòng xử lý rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư

Quỹ đầu tư phát triển địa phương thực hiện phân loại nợ, trích dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay đầu tư như các tổ chức tín dụng.

Điều 19. Xử lý rủi ro

Rủi ro xảy ra cho các dự án vay vốn của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do nguyên nhân khách quan được xử lý như sau:

1. Trường hợp do chính sách Nhà nước thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của dự án mà dẫn đến việc chủ đầu tư gặp khó khăn trong trả nợ vay thì chủ đầu tư được xem xét gia hạn nợ; xoá, giảm lãi tiền vay; khoanh nợ;

2. Trường hợp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn do nguyên nhân khách quan gây thiệt hại tài sản mà chủ đầu tư không trả được nợ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, thì việc xử lý rủi ro được thực hiện theo trình tự như sau:

a) Sử dụng các nguồn tài chính của chủ đầu tư theo quy định để thu hồi nợ;

b) Tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm (nếu có);

c) Được xem xét, xoá nợ một phần hoặc toàn bộ số nợ vay còn lại.

Điều 20. Thẩm quyền xử lý rủi ro

1. Cấp nào quyết định cho vay thì quyết định gia hạn nợ. Thời gian gia hạn nợ tối đa không vượt quá 1/3 thời hạn của khoản vay.

2. Hội đồng quản lý quyết định việc xoá nợ lãi.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc khoanh nợ, xoá nợ gốc. Trường hợp xoá nợ, sau khi quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

MỤC 3: GÓP VỐN THÀNH LẬP CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ

Điều 21. Hình thức góp vốn

Quỹ đầu tư phát triển địa phương được góp vốn thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp vào các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc các chương trình, mục tiêu theo chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Điều 22. Thẩm quyền quyết định góp vốn

1. Mức vốn góp đối với một doanh nghiệp đến 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Quỹ đầu tư phát triển địa phương quyết định.

2. Mức vốn góp đối với một doanh nghiệp trên 10% vốn chủ sở hữu của Quỹ đầu tư phát triển địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

MỤC 4: NHẬN UỶ THÁC VÀ ỦY THÁC

Điều 23. Nhận ủy thác

1. Quỹ đầu tư phát triển địa phương được nhận uỷ thác: quản lý nguồn vốn đầu tư, cho vay đầu tư và thu hồi nợ, cấp phát vốn đầu tư cho các công trình, dự án từ ngân sách nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua hợp đồng nhận uỷ thác giữa Quỹ đầu tư phát triển địa phương với tổ chức, cá nhân ủy thác.

2. Quỹ đầu tư phát triển địa phương được nhận ủy thác quản lý hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ phát triển nhà ở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.

3. Quỹ đầu tư phát triển địa phương được thực hiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo uỷ quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để huy động vốn cho ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật.

4. Quỹ đầu tư phát triển địa phương được hưởng phí dịch vụ nhận uỷ thác. Mức phí cụ thể được thoả thuận và ghi trong hợp đồng nhận uỷ thác.

Điều 24. Ủy thác

1. Quỹ đầu tư phát triển địa phương được uỷ thác cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng phát triển Việt Nam thực hiện cho vay và thu hồi nợ một số dự án thuộc đối tượng vay vốn của Quỹ đầu tư phát triển địa phương thông qua hợp đồng uỷ thác giữa Quỹ đầu tư phát triển địa phương với tổ chức nhận uỷ thác.

2. Các tổ chức nhận uỷ thác được hưởng phí dịch vụ uỷ thác. Mức phí cụ thể được thoả thuận và ghi trong hợp đồng uỷ thác.

MỤC 5: GIỚI HẠN ĐẦU TƯ

Điều 25. Giới hạn đầu tư

1. Giới hạn tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp vào các dự án của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tối đa bằng 50% vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại thời điểm thực hiện;

2. Giới hạn cho vay đối với một dự án tối đa bằng 15% vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại thời điểm thực hiện.

3. Giới hạn đầu tư góp vốn thành lập các tổ chức kinh tế tối đa bằng 20% vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại thời điểm thực hiện.

Nghị định 138/2007/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương

  • Số hiệu: 138/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/08/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 638 đến số 639
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH