Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi

Chương II

GIỐNG VẬT NUÔI

Điều 5. Quy định về thu thập, bảo tồn, khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi

1. Việc điều tra, thu thập nguồn gen giống vật nuôi được quy định như sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành có liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập, lưu giữ nguồn gen giống vật nuôi mới được phát hiện;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá ban đầu về nguồn gen, bản chất di truyền, đặc tính sinh học của nguồn gen giống vật nuôi mới;

c) Khi phát hiện nguồn gen giống vật nuôi mới, tổ chức, cá nhân không được giết thịt, mua bán, tiêu hủy. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi phát hiện nguồn gen giống vật nuôi mới có trách nhiệm thực hiện các biện pháp lưu giữ, bảo vệ nguồn gen giống vật nuôi mới và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

d) Tổ chức, cá nhân không được phép xuất khẩu, nghiên cứu hoặc sử dụng cùng với tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với nguồn gen giống vật nuôi mới trước khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, đánh giá.

2. Việc bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi được quy định như sau:

a) Hoạt động bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi tuân thủ quy định của pháp luật về đa dạng sinh học;

b) Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn nguồn gen giống vật nuôi có tính khác biệt với nguồn gen giống vật nuôi đã có để bảo tồn, đưa vào chương trình quỹ gen quốc gia, nghiên cứu, sử dụng vào hoạt động chọn, tạo, nhân giống và cập nhật vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về nguồn gen giống vật nuôi;

c) Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch về việc bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi.

3. Việc khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi được quy định như sau:

a) Khi sản xuất và thị trường có nhu cầu thì nguồn gen giống vật nuôi được khai thác, phát triển;

b) Nguồn gen giống vật nuôi đưa vào khai thác, phát triển thì được đưa ra khỏi danh sách nguồn gen giống vật nuôi được bảo tồn;

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt việc khai thác, phát triển nguồn gen giống vật nuôi;

d) Tổ chức, cá nhân hợp tác nghiên cứu và tiếp cận nguồn gen giống vật nuôi thực hiện theo quy định của Nghị định số 59/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen.

Điều 6. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn

1. Giống vật nuôi đưa vào Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:

a) Có số lượng cá thể hoặc có số nhóm huyết thống còn ít dẫn đến nguy cơ cận huyết cao;

b) Có số lượng cá thể suy giảm ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 05 năm tiếp theo.

2. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Việc cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 7. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu

1. Giống vật nuôi đưa vào Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Giống vật nuôi bản địa mang nguồn gen quý, hiếm;

b) Có tính độc đáo, đặc hữu của Việt Nam.

2. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Việc cập nhật Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 8. Cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu

1. Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, lập hồ sơ cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

2. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Kết quả rà soát, đánh giá về Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu;

b) Đơn của tổ chức, cá nhân đề nghị giống vật nuôi đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu (nếu có);

c) Bản thông tin về tên giống và địa điểm phân bố của giống vật nuôi cần đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu;

d) Bản thuyết minh tính cần thiết của việc đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu bao gồm các thành phần sau:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cục Chăn nuôi và các đơn vị liên quan;

b) Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường;

c) Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ;

d) Chuyên gia về lĩnh vực giống vật nuôi.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ kết quả thẩm định, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi

  • Số hiệu: 13/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 21/01/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 167 đến số 168
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH