Hệ thống pháp luật

Chương 13 Luật thi hành án hình sự 2010

Chương XIII

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Mục 1. KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Điều 150. Quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự

1. Người chấp hành án hình sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành án hình sự nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày, kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi thi hành án hình sự mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật.

Trong trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Lần khiếu nại tiếp theo, thời hiệu là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.

Điều 151. Những trường hợp khiếu nại về thi hành án hình sự không được thụ lý giải quyết

1. Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

2. Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Người đại diện không có giấy tờ chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình.

4. Thời hiệu khiếu nại đã hết.

5. Việc khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.

Điều 152. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự ở xã, phường, thị trấn.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:

a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Phó thủ trưởng, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này;

b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

c) Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có hiệu lực thi hành.

3. Trưởng Công an cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:

a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Trưởng Công an cấp huyện có hiệu lực thi hành.

4. Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan thi hành hình án hình sự Công an cấp tỉnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:

a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;

b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Trưởng công an cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Công an cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

6. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này.

7. Bộ trưởng Bộ Công an giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi sau đây:

a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này;

b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Công an có hiệu lực thi hành.

8. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp quân khu, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới. Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có hiệu lực thi hành.

Điều 153. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân

1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi pháp luật trong thi hành án hình sự của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ của đơn vị quân đội, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này.

2. Tư lệnh quân khu và tương đương giải quyết khiếu nại sau đây:

a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này;

b) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tư lệnh quân khu và tương đương có hiệu lực thi hành.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết khiếu nại sau đây:

a) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này;

b) Quyết định, hành vi trái pháp luật của Tư lệnh quân khu và tương đương, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này;

c) Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng, Tư lệnh quân khu và tương đương, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.

Điều 154. Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong thi hành án hình sự

1. Người khiếu nại có quyền:

a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;

b) Khiếu nại trong bất kỳ thời gian nào của quá trình thi hành án hình sự;

c) Rút khiếu nại trong bất kỳ thời gian nào của quá trình giải quyết khiếu nại;

d) Được nhận văn bản trả lời về việc giải quyết khiếu nại;

đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Người khiếu nại có nghĩa vụ:

a) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó;

b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.

Điều 155. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại trong thi hành án hình sự

1. Người bị khiếu nại có quyền:

a) Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi thi hành án hình sự bị khiếu nại;

b) Được nhận văn bản giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi thi hành án hình sự của mình.

2. Người bị khiếu nại có nghĩa vụ:

a) Giải trình về quyết định, hành vi thi hành án hình sự bị khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành.

Điều 156. Nhiệm vụ và quyền hạn của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi bị khiếu nại;

2. Yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại;

3. Thông báo bằng văn bản về việc thụ lý để giải quyết, gửi quyết định giải quyết cho người khiếu nại;

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết khiếu nại của mình.

Điều 157. Thời hạn giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

1. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

2. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

3. Trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.

Điều 158. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại về việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá

Việc khiếu nại và thẩm quyền, thời hạn giải quyết khiếu nại về việc lập danh sách người được đề nghị đặc xá thực hiện theo Điều 32 và Điều 33 của Luật đặc xá.

Điều 159. Tiếp nhận, thụ lý đơn khiếu nại trong thi hành án hình sự

1. Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận đầy đủ mọi khiếu nại trong thi hành án hình sự. Đối với những khiếu nại của phạm nhân quy định tại khoản 8 Điều 152 của Luật này thì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải chuyển ngay khiếu nại cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Điều 152, Điều 153 của Luật này và khoản 1 Điều này phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 160. Hồ sơ giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự

1. Hồ sơ giải quyết khiếu nại gồm có:

a) Đơn khiếu nại hoặc văn bản ghi nội dung khiếu nại;

b) Văn bản giải trình của người bị khiếu nại;

c) Biên bản thẩm tra, xác minh, kết luận;

d) Quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Tài liệu khác có liên quan.

2. Hồ sơ giải quyết khiếu nại phải được đánh số bút lục và lưu giữ tại cơ quan giải quyết khiếu nại.

Điều 161. Trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu trong thi hành án hình sự

Sau khi thụ lý đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 152 và Điều 153 của Luật này tiến hành xác minh, yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại giải trình, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại; gặp cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại và ra quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực thi hành nếu trong thời hiệu do pháp luật quy định người khiếu nại không khiếu nại tiếp.

Điều 162. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu trong thi hành án hình sự

Quyết định giải quyết khiếu nại phải bao gồm những nội dung chính sau đây:

1. Ngày, tháng, năm ra quyết định;

2. Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại;

3. Nội dung khiếu nại;

4. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại;

5. Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại;

6. Kết luận khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ;

7. Giữ nguyên, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, huỷ bỏ một phần quyết định bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt việc thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại;

8. Việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra;

9. Hướng dẫn quyền khiếu nại tiếp theo của đương sự.

Điều 163. Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai trong thi hành án hình sự

1. Trường hợp tiếp tục khiếu nại thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và tài liệu liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 152, Điều 153 của Luật này có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại; triệu tập người bị khiếu nại, người khiếu nại khi cần thiết; xác minh, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được yêu cầu phải thực hiện đúng các yêu cầu đó. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực thi hành.

Điều 164. Nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thi hành án hình sự

1. Ngày, tháng, năm ra quyết định.

2. Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại.

3. Nội dung khiếu nại.

4. Kết quả xác minh nội dung khiếu nại.

5. Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại.

6. Kết luận về nội dung khiếu nại và việc giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.

7. Giữ nguyên, sửa đổi, huỷ bỏ hoặc yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ một phần quyết định bị khiếu nại hoặc buộc chấm dứt thực hiện quyết định, hành vi bị khiếu nại; việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật gây ra.

Mục 2. TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO TRONG THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Điều 165. Người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự

Người chấp hành án và mọi công dân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong thi hành án hình sự gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 166. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo trong thi hành án hình sự

1. Người tố cáo có quyền:

a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của mình;

c) Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo;

d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe doạ, trả thù.

2. Người tố cáo có nghĩa vụ:

a) Trình bày trung thực về nội dung tố cáo;

b) Nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình;

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.

Điều 167. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo trong thi hành án hình sự

1. Người bị tố cáo có quyền:

a) Được thông báo về nội dung tố cáo;

b) Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;

c) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được khôi phục danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra;

d) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.

2. Người bị tố cáo có nghĩa vụ:

a) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành quyết định giải quyết tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền;

c) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.

Điều 168. Thẩm quyền, thời hạn và thủ tục giải quyết tố cáo

1. Thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó giải quyết;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng Công an cấp xã;

c) Trưởng Công an cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện;

d) Chủ tịch Ủy ban nhân cấp huyện giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã;

đ) Giám đốc Công an cấp tỉnh giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh;

e) Tư lệnh Quân khu và tương đương giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;

g) Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự;

h) Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân.

2. Thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết tố cáo có thể dài hơn, nhưng không quá 90 ngày.

3. Tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm được giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 169. Trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo

1. Cơ quan, người có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; xử lý nghiêm minh người vi phạm; áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

2. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, giải quyết trái pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Luật thi hành án hình sự 2010

  • Số hiệu: 53/2010/QH12
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 17/06/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 570 đến số 571
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH