Hệ thống pháp luật

Chương 7 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014

Chương VII

GIÁM SÁT, KIỂM TRA, THANH TRA HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Mục 1: NỘI DUNG GIÁM SÁT, KIỂM TRA, THANH TRA HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Điều 51. Giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

1. Việc ban hành chính sách, pháp luật về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

2. Việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo mục tiêu, nguyên tắc, phạm vi quy định tại Luật này.

3. Việc xác định vốn đầu tư, cân đối kế hoạch nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn để đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

4. Hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

5. Việc quyết định chủ trương đầu tư, trình tự, thủ tục quyết định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

6. Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.

Điều 52. Giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1. Việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

2. Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

3. Việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch tài chính và chiến lược phát triển của doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch.

4. Việc huy động và sử dụng vốn huy động, quản lý nợ phải thu, nợ phải trả, việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, bảo toàn, phát triển vốn của doanh nghiệp.

5. Việc ban hành quy chế quản lý nội bộ của doanh nghiệp.

6. Hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp.

7. Việc chuyển nhượng, thu hồi vốn, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ khoản vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

8. Quản lý vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

9. Thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp.

10. Thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp.

Điều 53. Giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

1. Việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

2. Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong quản lý vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

3. Việc duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

4. Việc cử, thực hiện quyền, trách nhiệm, chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác của người đại diện phần vốn nhà nước.

5. Việc thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước, thu hồi vốn nhà nước, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

Điều 54. Giám sát, kiểm tra, thanh tra việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp

1. Việc ban hành chính sách, pháp luật về cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

3. Việc xây dựng, phê duyệt, thực hiện đề án cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Mục 2: TỔ CHỨC GIÁM SÁT, KIỂM TRA, THANH TRA HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP

Điều 55. Giám sát của Quốc hội

1. Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định, của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội.

2. Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm về tình hình đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp của năm trước.

3. Giữa hai kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ giải trình, trả lời chất vấn những vấn đề về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 56. Kiểm tra, thanh tra của Chính phủ

1. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức kiểm tra, thanh tra các hoạt động sau đây:

a) Việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

b) Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu;

c) Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Bộ Tài chính:

a) Kiến nghị, đề xuất giải pháp với cơ quan đại diện chủ sở hữu về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

b) Hằng năm tổng hợp, kiến nghị, đề xuất giải pháp về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc và báo cáo Chính phủ.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn.

Điều 57. Giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu

1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động sau:

a) Đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

b) Thực hiện quyền, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước;

c) Việc chấp hành chính sách, pháp luật của doanh nghiệp;

d) Đầu tư, thu hồi vốn, thu lợi nhuận, cổ tức được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

đ) Thực hiện kiến nghị, cảnh báo của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan đại diện chủ sở hữu về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

2. Căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra, thanh tra quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan đại diện chủ sở hữu:

a) Cảnh báo, xử lý kịp thời vấn đề phát hiện trong quá trình giám sát, kiểm tra, thanh tra;

b) Yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị, cảnh báo của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra, kiểm toán về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

c) Xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước có hành vi vi phạm về đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

d) Hằng năm tổng hợp, gửi Bộ Tài chính kết quả giám sát về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý.

Điều 58. Giám sát nội bộ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

1. Doanh nghiệp thực hiện giám sát nội bộ những nội dung sau đây:

a) Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

b) Việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp;

c) Việc đầu tư, thu hồi vốn, thu lợi nhuận, cổ tức được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

d) Việc chấp hành chính sách, pháp luật của doanh nghiệp;

đ) Những nội dung khác theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

2. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty thực hiện kịp thời các biện pháp ngăn chặn nguy cơ mất an toàn về quản lý vốn, tài sản tại doanh nghiệp theo kết quả giám sát nội bộ; thực hiện đầy đủ, kịp thời kiến nghị, cảnh báo của cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra.

Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014

  • Số hiệu: 69/2014/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 26/11/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1177 đến số 1178
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH