Điều 42 Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
Điều 42. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, bộ và cơ quan ngang bộ
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai trong phạm vi cả nước.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch quốc gia, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai;
b) Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bảo đảm an toàn trước thiên tai đối với công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý;
c) Tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra và bảo đảm phát triển bền vững;
d) Quản lý việc đầu tư xây dựng, tu bổ, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai theo sự phân công của Chính phủ, bao gồm công trình đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn, chống sạt lở; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai;
đ) Tổ chức thống kê, xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai;
e) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống thiên tai;
g) Tổ chức thông tin, truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai;
h) Đầu mối hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai, đề xuất việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về phòng, chống thiên tai;
i) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về công tác dự báo, cảnh báo thiên tai;
b) Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc dự báo khí tượng, thủy văn, hải văn;
c) Tổ chức quan trắc, thu thập và xử lý thông tin, xác định, đánh giá rủi ro thiên tai, phân vùng rủi ro thiên tai, theo dõi, giám sát thiên tai; thực hiện dự báo, cảnh báo, cung cấp kịp thời chính xác thông tin về thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn, hải văn cho Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương liên quan, phương tiện thông tin đại chúng theo quy định;
d) Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; hợp tác quốc tế trong việc dự báo, cảnh báo thiên tai; bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác dự báo, cảnh báo; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm và pháp luật về dự báo, cảnh báo thiên tai;
đ) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
4. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng với các cơ quan, tổ chức khác trong phòng, chống thiên tai;
b) Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai;
c) Lập phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia hộ đê, hộ đập, phân lũ, làm chậm lũ, tìm kiếm cứu nạn;
d) Tổ chức thu thập thông tin có liên quan đến thiên tai, chỉ đạo thực hiện ứng cứu, xử lý các tình huống khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai;
đ) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
5. Bộ Công an có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong phòng, chống thiên tai;
b) Lập kế hoạch và phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;
c) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm thông tin trong phòng, chống thiên tai;
b) Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc bảo đảm an toàn, thông suốt cho mạng thông tin chung;
c) Chuẩn bị dự phòng trang thiết bị thông tin chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống thiên tai xảy ra;
d) Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, truyền thông về phòng, chống thiên tai;
đ) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
7. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm giao thông trong phòng, chống thiên tai;
b) Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện về phát triển giao thông vận tải phù hợp với chiến lược và kế hoạch phòng, chống thiên tai;
c) Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cứu hộ giao thông, bảo đảm an toàn giao thông vận tải khi thiên tai xảy ra;
d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
8. Bộ Công Thương có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn cho công trình hồ chứa thủy điện thuộc phạm vi quản lý trong phòng, chống thiên tai;
b) Lập kế hoạch về phòng, chống thiên tai; chỉ đạo thực hiện việc bảo đảm an toàn các khu vực khai thác khoáng sản, an toàn về nguồn điện và đường dây tải điện và các cơ sở công nghiệp do Bộ quản lý;
c) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho nhân dân, chú trọng các vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai; phối hợp với chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ;
d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
9. Bộ Xây dựng có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an toàn cho công trình xây dựng phù hợp với pháp luật về phòng, chống thiên tai; chủ trì, phối hợp và hướng dẫn địa phương thực hiện quy hoạch xây dựng, bảo đảm an toàn công trình trước thiên tai;
b) Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn của công trình phù hợp với thiên tai;
c) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
10. Bộ Tài chính có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về tài chính cho phòng, chống thiên tai, chính sách bảo hiểm rủi ro thiên tai;
b) Tổng hợp và bố trí dự toán ngân sách nhà nước để chi cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật này;
c) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các bộ và địa phương;
b) Bố trí vốn đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai;
c) Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước;
d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
12. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về lồng ghép kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các cấp học;
b) Chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo kết hợp phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm an toàn cho người và công trình;
c) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
13. Bộ Y tế có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về y tế trong phòng, chống thiên tai;
b) Dự trữ thuốc, phương tiện y tế, hướng dẫn cho cán bộ y tế và cộng đồng về kỹ thuật cấp cứu thông thường, biện pháp vệ sinh môi trường;
c) Chỉ đạo việc cấp cứu nạn nhân, phòng, chống bệnh dịch trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra;
d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
14. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm sau đây:
a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về cứu trợ xã hội trong việc khắc phục hậu quả thiên tai;
b) Căn cứ vào tình hình thiệt hại, nhu cầu cứu trợ, đề xuất chính sách hỗ trợ cho các địa phương để sớm ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;
c) Hướng dẫn việc lồng ghép giới trong các hoạt động phòng, chống thiên tai;
d) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
15. Bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hằng năm và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý.
Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai
- Điều 5. Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai
- Điều 6. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai
- Điều 7. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động phòng, chống thiên tai
- Điều 8. Nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai
- Điều 9. Ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai
- Điều 10. Quỹ phòng, chống thiên tai
- Điều 11. Nguồn đóng góp tự nguyện cho phòng, chống thiên tai
- Điều 12. Các hành vi bị cấm
- Điều 13. Nội dung phòng ngừa thiên tai
- Điều 14. Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai
- Điều 15. Kế hoạch phòng, chống thiên tai
- Điều 16. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội
- Điều 17. Xác định, đánh giá, phân vùng rủi ro thiên tai; theo dõi, giám sát thiên tai
- Điều 18. Cấp độ rủi ro thiên tai
- Điều 19. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm dân cư nông thôn và công trình hạ tầng kỹ thuật
- Điều 20. Xây dựng và bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai
- Điều 21. Thông tin, truyền thông và giáo dục về phòng, chống thiên tai
- Điều 22. Phương án ứng phó thiên tai
- Điều 23. Chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động phòng, chống thiên tai
- Điều 24. Dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai
- Điều 25. Chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai
- Điều 26. Các biện pháp cơ bản ứng phó thiên tai
- Điều 27. Trách nhiệm trong ứng phó thiên tai
- Điều 28. Thẩm quyền huy động nguồn lực phục vụ hoạt động ứng phó thiên tai
- Điều 29. Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong ứng phó thiên tai
- Điều 30. Hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai
- Điều 31. Trách nhiệm thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai
- Điều 32. Hình thức, đối tượng và nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ
- Điều 33. Huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ
- Điều 34. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân
- Điều 35. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế
- Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp
- Điều 37. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam
- Điều 38. Nguyên tắc hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai
- Điều 39. Nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai
- Điều 40. Cơ quan đầu mối và cơ quan có thẩm quyền hợp tác quốc tế về phòng, chống thiên tai
- Điều 41. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam