Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật phòng, chống khủng bố năm 2013

Chương II

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ

Điều 12. Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố

1. Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia. Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia và có cơ quan tham mưu, giúp việc chuyên trách.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh. Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Công an cấp tỉnh là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh và có đơn vị tham mưu, giúp việc.

3. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố của bộ, ngành.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố

1. Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống khủng bố trong phạm vi cả nước;

b) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức, triển khai phối hợp liên ngành thực hiện công tác phòng, chống khủng bố, hợp tác quốc tế về phòng, chống khủng bố;

c) Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về công tác phòng, chống khủng bố.

2. Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống khủng bố tại địa phương;

b) Giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức, triển khai phối hợp liên ngành thực hiện công tác phòng, chống khủng bố tại địa phương;

c) Giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn về công tác phòng, chống khủng bố.

3. Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố của bộ, ngành giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực phụ trách và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan khác thực hiện phòng, chống khủng bố.

4. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp.

Điều 14. Lực lượng chống khủng bố

1. Lực lượng chống khủng bố gồm:

a) Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố;

b) Các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố.

2. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị được quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Điều 15. Người chỉ huy chống khủng bố

1. Người chỉ huy chống khủng bố là người được cấp có thẩm quyền quyết định.

2. Trường hợp chưa có người chỉ huy chống khủng bố do cấp có thẩm quyền quyết định thì người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, Ủy ban nhân dân nơi xảy ra khủng bố có trách nhiệm và quyền hạn áp dụng biện pháp chống khủng bố theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này.

3. Trường hợp khủng bố xảy ra trên tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng thì người chỉ huy phương tiện đó có trách nhiệm chỉ huy chống khủng bố.

4. Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố

1. Người chỉ huy chống khủng bố quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật này có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định phương án, biện pháp chống khủng bố cần thiết;

b) Chỉ huy chống khủng bố theo quyết định phương án, biện pháp của cấp có thẩm quyền;

c) Trường hợp khẩn cấp nhưng chưa có quyết định phương án, biện pháp của cấp có thẩm quyền thì có trách nhiệm và quyền hạn áp dụng biện pháp quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này, trừ trường hợp biện pháp đó ảnh hưởng đến chính trị, ngoại giao, xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản có giá trị đặc biệt.

2. Người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, Ủy ban nhân dân quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật này có trách nhiệm và quyền hạn áp dụng biện pháp khẩn cấp chống khủng bố quy định tại các điểm a, b, c, d, e, h, i và m khoản 2 Điều 30 của Luật này, trừ trường hợp biện pháp đó ảnh hưởng đến chính trị, ngoại giao, xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản có giá trị đặc biệt.

3. Người có trách nhiệm chỉ huy chống khủng bố quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này có trách nhiệm và quyền hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, vô hiệu hóa hành vi khủng bố theo quy định của pháp luật.

4. Những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình.

Điều 17. Trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ, phương tiện chống khủng bố

1. Lực lượng chống khủng bố được ưu tiên trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ phòng, chống khủng bố.

2. Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng chống khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 18. Huy động lực lượng, phương tiện; trưng mua, trưng dụng tài sản chống khủng bố

1. Khi xảy ra khủng bố, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được huy động lực lượng, phương tiện để chống khủng bố. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được huy động để chống khủng bố có trách nhiệm chấp hành.

2. Khi xảy ra khủng bố, việc trưng mua, trưng dụng tài sản chống khủng bố thực hiện theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Luật phòng, chống khủng bố năm 2013

  • Số hiệu: 28/2013/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 12/06/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 403 đến số 404
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH