Hệ thống pháp luật

Điều 24 Luật Công an nhân dân 2014

Điều 24. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan Công an nhân dân

1. Cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan được quy định như sau:

a) Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an;

b) Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an;

Số lượng Thứ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm Thượng tướng không quá sáu;

c) Trung tướng:

Tổng cục trưởng; Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ;

Chánh Văn phòng Bộ Công an; Chánh Thanh tra Bộ Công an; Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an;

Cục trưởng các cục: An ninh mạng; Cảnh sát giao thông; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Đối ngoại; Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Giám đốc các học viện: An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Chính trị Công an nhân dân;

Một Phó Tổng cục trưởng là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy Tổng cục;

Giám đốc Công an thành phố Hà Nội; Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh;

d) Thiếu tướng:

Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an;

Cục trưởng các cục: Cơ yếu; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư;

Cục trưởng các cục về tham mưu, chính trị, nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh, trừ Cục trưởng Cục Hậu cần, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo về nhân quyền và Chánh Thanh tra Tổng cục;

Cục trưởng các cục về tham mưu, chính trị, nghiệp vụ thuộc Tổng cục Tình báo, trừ Cục trưởng Cục Hậu cần;

Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Cảnh sát: Tham mưu; Chính trị; Cảnh sát hình sự; Cảnh sát kinh tế; Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng; Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát truy nã tội phạm; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư; Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an;

Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Chính trị Công an nhân dân: Tham mưu; Tổ chức Cán bộ; Công tác chính trị; Chính sách; Đào tạo; Công tác Đảng, công tác quần chúng;

Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật: Thông tin liên lạc; Quản lý trang bị kỹ thuật và trang cấp; Quản lý khoa học công nghệ và môi trường; Công nghệ thông tin; Quản lý xây dựng cơ bản và doanh trại; Y tế;

Cục trưởng các cục thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp: Chính trị; Quản lý phạm nhân, trại viên; Giáo dục cải tạo và hòa nhập cộng đồng; Theo dõi thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; Hướng dẫn tạm giam, tạm giữ;

Viện trưởng Viện Khoa học hình sự; Viện trưởng Viện Lịch sử Công an; Tổng biên tập Báo Công an nhân dân; Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân; Giám đốc Trung tâm phát thanh, truyền hình, điện ảnh Công an nhân dân; Giám đốc các bệnh viện: 19-8, 199, 30-4, Y học cổ truyền;

Giám đốc Học viện Tình báo; Hiệu trưởng các trường đại học: An ninh nhân dân; Cảnh sát nhân dân; Kỹ thuật - Hậu cần Công an nhân dân; Phòng cháy và chữa cháy;

Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội; Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố Hồ Chí Minh;

Chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm c khoản này có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, số lượng như sau: của Tổng cục trưởng không quá năm; của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động không quá bốn; của Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động là một; của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ không quá bốn; của Chánh Văn phòng Bộ Công an không quá ba; của Chánh Thanh tra Bộ Công an không quá ba; của Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an không quá ba; của Cục trưởng Cục An ninh mạng, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Đối ngoại, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc không quá hai; của Giám đốc Học viện An ninh nhân dân không quá ba; của Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân không quá ba; của Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân không quá ba; của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội không quá ba; của Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh không quá ba;

đ) Đại tá:

Cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị tương đương thuộc Tổng cục, Bộ Tư lệnh; Hiệu trưởng các trường bậc đại học, trường sĩ quan, trừ quy định tại điểm d khoản này;

Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trừ Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh;

Chức vụ cấp phó của cấp trưởng quy định tại điểm d khoản này;

e) Thượng tá: Trưởng phòng; Trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Trung đoàn trưởng;

g) Trung tá: Đội trưởng; Trưởng Công an phường, thị trấn; Tiểu đoàn trưởng; Trưởng đồn Công an;

h) Thiếu tá: Đại đội trưởng; Trưởng trạm Công an;

i) Đại úy: Trung đội trưởng;

k) Thượng úy: Tiểu đội trưởng.

2. Phó Chủ nhiệm thường trực, Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương có cấp bậc hàm cấp tướng thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

3. Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái là Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; sĩ quan Công an nhân dân biệt phái là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội hoặc được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng hoặc tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; sĩ quan Công an nhân dân biệt phái có chức vụ cao hơn được phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

4. Cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng đối với chức vụ của sĩ quan ở đơn vị thành lập mới do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Cấp bậc hàm cao nhất đối với sĩ quan còn lại là cấp tá, cấp úy do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Luật Công an nhân dân 2014

  • Số hiệu: 73/2014/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 27/11/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1177 đến số 1178
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH