Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1986/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 04 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC KIỂM KÊ, LẬP DANH MỤC, PHÂN LOẠI, ÁP GIÁ, HẠCH TOÁN TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ TÀI SẢN HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Để sớm triển khai việc thực hiện công tác hạch toán, quản lý tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh theo đúng quy định tại Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Thông tư số 178/2013/TT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2013, Thông tư số 98/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 99/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 1448/SGTVT-TC ngày 27 tháng 02 năm 2015 và ý kiến của Sở Tài chính tại Công văn số 1863/STC-ĐTSC ngày 16 tháng 3 năm 2015;

Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện công tác kiểm kê, lập danh mục, phân loại, áp giá, hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản hạ tầng đường bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu, đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Mục đích:

- Thống nhất về nhận thức, tầm quan trọng cũng như trang bị những kỹ năng cần thiết giúp các đơn vị hoàn thành tốt công tác kiểm kê, lập danh mục, phân loại, áp giá và hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ.

- Theo dõi, quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố.

- Thông qua công tác kiểm kê lập danh mục, phân loại, áp giá và hạch toán tài sản hạ tầng giao thông đường bộ.

2. Yêu cầu:

- Bám sát các nội dung hướng dẫn thực hiện tại các Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải.

- Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc triển khai công tác kiểm kê, lập danh mục, phân loại, áp giá, hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện.

3. Đối tượng:

a) Cơ quan, đơn vị được giao quản lý tài sản hạ tầng đường bộ, gồm:

- Sở Giao thông vận tải Thành phố;

- Các Khu quản lý giao thông đô thị số 1, 2, 3 và 4;

- Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng;

- Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn;

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

b) Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản hạ tầng giao thông đường bộ.

4. Phạm vi áp dụng:

Toàn bộ tài sản hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố thuộc khối Thành phố và khối quận, huyện quản lý, không bao gồm tài sản hạ tầng giao thông đường bộ được đầu tư theo các hình thức nhưng chưa chuyển giao cho Thành phố quản lý.

II. Nội dung:

1. Tổ chức triển khai tập huấn cho các đơn vị:

1.1. Báo cáo viên tập huấn: dự kiến mời Cục Quản lý công sản và Vụ chế độ kế toán và kiểm toán Bộ Tài chính.

1.2. Thành phần tham dự tập huấn: Lãnh đạo đơn vị, trưởng phòng quản lý hạ tầng đường bộ và kế toán trưởng các đơn vị quản lý tài sản hạ tầng giao thông đường bộ, đại diện Ủy ban nhân dân các quận, huyện, trưởng các phòng quản lý đô thị và kế hoạch tài chính thuộc quận, huyện.

1.3. Nội dung tập huấn:

- Hướng dẫn cách thức lập phiếu kiểm kê, phân loại, áp giá, hạch toán... từng loại tài sản hạ tầng giao thông đường bộ (Nghị định số 10/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ, Thông tư số 178/2013/TT-BTC ngày 02 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 99/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2014 của Liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải).

- Hướng dẫn hạch toán tài sản (Thông tư số 98/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính).

- Hướng dẫn nhập dữ liệu vào chương trình cơ sở dữ liệu quốc gia về hạ tầng.

- Giải đáp các thắc mắc.

2. Thành lập các đoàn kiểm kê, lập danh mục, phân loại, áp giá tài sản hạ tầng giao thông đường bộ:

2.1. Về tổ chức thành lập đoàn kiểm kê, lập danh mục, phân loại:

- Các đơn vị quản lý khối Thành phố: Lập các đoàn kiểm kê, lập danh mục, phân loại đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ do cấp mình quản lý.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện: Lập các đoàn kiểm kê, lập danh mục, phân loại đối với tài sản hạ tầng giao thông đường bộ do cấp mình quản lý.

Lưu ý: Thành phần các đoàn phải có cán bộ thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng và tài chính.

2.2. Về tổ chức áp giá:

Áp giá xác định giá trị từng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 99/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2014.

3. Mở sổ, hạch toán kế toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 theo đúng quy định tại Thông tư số 98/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính.

4. Cập nhật thông tin dữ liệu vào phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước.

III. Tổ chức thực hiện:

1. Phân công:

1.1. Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cập nhật thông tin số liệu ban đầu về toàn bộ tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý của địa phương vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

1.2. Sở Giao thông vận tải:

- Chỉ đạo, kiểm tra việc lập, lưu trữ hồ sơ; báo cáo tình hình quản lý, sử dụng; hạch toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi Thành phố quản lý.

- Hướng dẫn kiểm kê, phê duyệt kế hoạch kiểm kê, lập danh mục, phân loại, áp giá và hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.

- Lập danh mục các tuyến đường bộ thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ (phân loại chi tiết theo cấp quản lý: đường tỉnh, đường huyện, đường xã); gửi về Bộ Tài chính để phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tài sản hạ tầng đường bộ, quy định tại Điều 31 Nghị định số 10/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

- Tổ chức tập huấn. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan lập dự toán, tổng hợp kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt kinh phí để triển khai kế hoạch theo quy định.

1.3. Các đơn vị được giao trực tiếp quản lý hạ tầng đường bộ:

- Thực hiện việc kiểm kê, lập danh mục tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý gửi Sở Giao thông vận tải để tổng hợp.

- Phân loại, áp giá xác định giá trị từng tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định tại Thông tư số 99/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 29 tháng 7 năm 2014, phục vụ việc ghi sổ hạch toán kế toán tài sản hạ tầng đường bộ theo quy định.

- Đối với tài sản xác tính đến thời điểm ngày 01 tháng 01 năm 2015 đã chuyển giao cho nhà thầu để thực hiện các dự án (BOT, BT, BTO) thì không thực hiện việc kiểm kê phân loại, áp giá tài sản.

- Mở sổ, hạch toán kế toán tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 theo đúng quy định tại Thông tư số 98/2014/TT-BTC ngày 25 tháng 7 năm 2014 của Bộ Tài chính.

2. Tiến độ thực hiện:

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiểm kê, lập danh mục tài sản hạ tầng đường bộ, áp giá xác định giá trị từng tài sản hạ tầng đường bộ: Hoàn tất trong Quý I năm 2015.

- Các đơn vị được giao trực tiếp quản lý hạ tầng đường bộ trên địa bàn Thành phố thực hiện kiểm kê, lập danh mục, phân loại, áp giá để xác định giá trị tài sản hạ tầng đường bộ được giao quản lý làm cơ sở để hạch toán tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ: Phấn đấu hoàn tất và báo cáo về Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 2015.

- Trên cơ sở số liệu kiểm kê của đơn vị, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cập nhật thông tin số liệu về toàn bộ tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Thành phố vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước của Bộ Tài chính: Hoàn tất trong tháng 6 năm 2015.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc khó khăn, các đơn vị báo cáo về Sở Giao thông vận tải hoặc Sở Tài chính để phối hợp giải quyết kịp thời./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND/TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Các Sở ngành Thành phố;
- UBND các quận, huyện;
- VPUB: CPVP;
- Các Phòng chuyên viên;
- Lưu: VT, (ĐTMT-HS) TV

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1986/KH-UBND năm 2015 về việc tổ chức thực hiện công tác về hạ tầng đường bộ do Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1986/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/04/2015
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tín
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản