Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1541/BTTTT-VNNIC
V/v tăng cường triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của cơ quan Nhà nước

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2019

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước sự bùng nổ của Internet toàn cầu, mạng Internet đang chuyển đổi từ giao thức IPv4 (địa chỉ Internet thế hệ 4) sang IPv6 (địa chỉ Internet thế hệ 6) để vừa giải quyết vấn đề cạn kiệt không gian địa chỉ của IPv4 vừa đáp ứng nhu cầu triển khai các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, 4G LTE/5G. Tính đến cuối tháng 4/2019, tỷ lệ truy cập Internet qua IPv6 toàn cầu đạt khoảng 26%, tăng trưởng trung bình 200% một năm. Dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ này đạt xấp xỉ 50%, đây cũng là thời điểm IPv4 dần ngừng hoạt động. Chuyển đổi sang sử dụng IPv6 thay thế IPv4 đang là một nhu cầu tất yếu, bắt buộc để đảm bảo sự phát triển ổn định của Internet trong thời gian tới.

Đón trước xu thế phải chuyển đổi sử dụng IPv6, từ năm 2008, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Chỉ thị số 03/2008/CT-BTTTT ngày 06/5/2008 về thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển IPv6, thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (thực hiện từ năm 2011 đến năm 2019 với mục tiêu tổng thể "Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 kể từ 2019"); hoàn thiện hành lang pháp lý, đưa yêu cầu ứng dụng, triển khai IPv6 vào các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Thông tư số 32/2017/TT-BTTTT ngày 15/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

Trong thời gian qua, theo sự điều phối của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, hoạt động thúc đẩy triển khai IPv6 tại Việt Nam được đẩy mạnh trên nhiều phương diện: truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tư vấn, chuẩn bị nguồn nhân lực; thiết lập và phát triển mạng Internet IPv6 quốc gia; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.

Với các nỗ lực đó, Việt Nam hiện đã đạt được kết quả tốt trong triển khai chuyển đổi IPv4 sang IPv6, được cộng đồng Internet khu vực và quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tính đến cuối tháng 4/2019, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã đạt mức 34,08% với hơn 8,6 triệu thuê bao cáp quang; 8,5 triệu thuê bao di động đang sử dụng IPv6. Việt Nam đứng thứ 7 trên toàn thế giới, thứ 4 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 2 khu vực ASEAN với gần 18 triệu người sử dụng IPv6. Dịch vụ IPv6 đã được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng, góp phần đảm bảo cho Internet Việt Nam bắt kịp với xu thế công nghệ mới. Đối với khối cơ quan nhà nước, với sự hỗ trợ của Ban Công tác, một số cơ quan Trung ương, tỉnh thành phố đã chuyển đổi thành công sang IPv6 cho hệ thống CNTT, Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến, như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Internet Việt Nam, Cục Tin học hóa, Cục Bưu điện Trung ương, Sở TT&TT thành phố Hồ Chí Minh, Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng, Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng, Sở TT&TT tỉnh Long An, Sở TT&TT tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, hiện trạng triển khai IPv6 của Việt Nam còn một số điểm hạn chế, đặc biệt là trong lĩnh vực triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan nhà nước. Theo khảo sát của Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, trong số khoảng 6.000 Website dưới tên miền “.vn” đang hoạt động tốt với IPv6 mới chỉ có 61 Website của khối cơ quan nhà nước. Tỷ lệ Website cơ quan nhà nước hoạt động tốt với IPv6 chỉ đạt khoảng 2,2%. Thực tế hiện tại đang là, doanh nghiệp, người dân, các khách hàng tại Việt Nam đã chuyển sang kết nối sử dụng Internet qua IPv6 trong khi cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước vẫn duy trì sử dụng IPv4. Nói một cách khác thực trạng này đang trở thành một rào cản, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi truy cập, sử dụng dịch vụ phải qua công đoạn chuyển đổi ngược từ IPv6 quay trở lại IPv4. Điều này trái ngược với xu thế phát triển chung của thế giới khi mà các quốc gia có tỷ lệ ứng dụng IPv6 cao đều đưa công tác chuyển đổi IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước lên làm nhiệm vụ trọng tâm (tại Trung Quốc, tỷ lệ Website cơ quan nhà nước hoạt động với IPv6 là trên 67,7%; ở Malaysia, là trên 50%. Từ năm 2008, Mỹ đã công bố tiêu chuẩn về triển khai IPv6 trong mạng lưới và ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước).

Năm 2019 là năm cuối thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Để bảo đảm mục tiêu chung quốc gia là “Internet Việt Nam hoạt động an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6 kể từ 2019”, đảm bảo kết nối Internet thông suốt, an toàn cho hệ thống mạng lưới, dịch vụ của cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Quý Cơ quan quan tâm, tăng cường các hoạt động triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ theo đúng lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Một số công việc cụ thể như sau:

1. Xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ:

Xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 trong hạ tầng mạng lưới, dịch vụ phù hợp với Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 và kế hoạch phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ, Ngành, địa phương, với một số nội dung lưu ý sau:

- Bổ sung hạng mục về IPv6 trong các đề án ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ/Ngành, địa phương;

- Khi đầu tư, mua sắm các thiết bị mới có kết nối Internet phải bảo đảm các thiết bị này có hỗ trợ công nghệ IPv6;

- Đưa yêu cầu hỗ trợ IPv6 trong các hợp đồng thuê ngoài dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin (dịch vụ kết nối Internet, lưu trữ Website, email,...).

Việc đưa IPv6 vào kế hoạch ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước là phục vụ cho việc phát triển chính phủ điện tử, thành phố thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin, an ninh mạng và đi đúng xu hướng công nghệ toàn cầu.

2. Ưu tiên thực hiện một số đầu mục công việc sau:

- Kích hoạt việc hỗ trợ IPv6 trên Website chính và cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

- Triển khai chuyển đổi mạng lưới và dịch vụ sang hỗ trợ IPv4/IPv6, đặc biệt là triển khai IPv6 trong hệ thống chính phủ điện tử và mạng lưới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Để phục vụ Quý Cơ quan tham khảo, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi kèm theo công văn này tài liệu hướng dẫn triển khai IPv6 trong cơ quan nhà nước và báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia biên soạn.

Trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong công tác ứng dụng chuyển đổi IPv6, VNNIC đang thực hiện chương trình hỗ trợ triển khai IPv6 cho cơ quan Nhà nước - IPv6 for Gov. Thông tin chi tiết tại Website: www.ipv6.vn.

Trong quá trình triển khai, nếu cần thêm thông tin trao đổi, Quý Cơ quan liên hệ tới Bộ Thông tin và Truyền thông theo đầu mối: Trung tâm Internet Việt Nam - Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia (địa chỉ: 18 Nguyễn Du, Hà Nội; Email: info@vnnic.vn, Điện thoại: 024-35564944 số máy lẻ 102, 105).

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng;
- Đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, VNNIC (200b).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1541/BTTTT-VNNIC năm 2019 về tăng cường triển khai ứng dụng IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ của cơ quan Nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 1541/BTTTT-VNNIC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/05/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/05/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản