Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 434-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VẤN ĐỀ TIẾT KIỆM LƯƠNG THỰC

Trong các chỉ thị, nghị quyết về chính sách lương thực, Trung ương Đảng và Chính phủ luôn luôn nhấn mạnh là đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, phải triệt để tiết kiệm tiêu dùng lương thực. Sản xuất lương thực cần phát triển toàn diện bao gồm cả lúa, ngô, khoai, sắn và các cây có chất bột khác. Phải dựa trên cơ sở sản xuất mà định kế hoạch phân phối, tiêu dùng trên cả miền Bắc cũng như ở từng địa phương. Phải đặc biệt coi trọng việc tiêu thụ ngô, khoai, sắn để tăng khối lượng lương thực và thúc đẩy sản xuất hoa màu phát triển.

Nhưng hiện nay, trước tình hình lương thực vụ đông xuân được mùa, lúa vụ thu thu hoạch khá, lúa mùa hiện nay nói chung cũng tốt, đã có hiện tượng phổ biến là cán bộ và nhân dân không nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương tiết kiệm lương thực của Đảng và Chính phủ. Ở nông thôn, tình trạng sử dụng lãng phí thóc gạo vào việc nấu rượu, làm bún bánh khá nghiêm trọng. Cán bộ, bộ đội, công nhân và nhân dân thành thị ở nhiều nơi không muốn ăn ngô, khoai, sắn thêm với gạo. Có những cấp lãnh đạo địa phương còn cho rằng nhân dân địa phương mình “không quen” ăn độn, thậm chí không muốn nhận gạo phẩm chất hơi kém, và ngô, khoai để cung cấp cho cán bộ, nhân dân. Ngành lương thực các cấp, từ Tổng cục đến các địa phương theo dõi việc phân phối lương thực chưa chặt chẽ. Tình trạng “con số ma”, thóc gạo thừa ở các cơ quan, đơn vị công trường xí nghiệp… không phải ít. Việc giáo dục, động viên, tổ chức cho cán bộ, bộ đội, công nhân sản xuất để tự túc lương thực một phần bị xem nhẹ, nhiều nơi có sản xuất thì cũng định thu hoạch để “ăn thêm“ chứ không phải để ăn thay gạo nhằm giảm bớt số gạo Nhà nước phải cung cấp. Nhiều nơi, cán bộ, nhân viên các cơ quan đề nghị cho được mua gạo ngoài thị trường để ăn, nói là để Nhà nước đỡ phải cung cấp, nhưng thực tế là để có thể khỏi phải ăn thêm hoa màu và gạo ngon hơn.

Tình hình này nếu không được giải quyết kịp thời không những làm hao phí lực lượng thóc gạo nói chung của xã hội nhất là khi dự trữ của nhân dân còn chưa dồi dào, gây thêm khó khăn cho công tác lương thực của Nhà nước, mà còn có thể ảnh hưởng không tốt đến sản xuất ngô, khoai, sắn và nếu gặp trường hợp mùa màng thất bát sẽ càng bị khó khăn hơn.

Tình hình thực tế trên đây chứng tỏ nhận thức của cán bộ và nhân dân về vấn đề lương thực đến nay vẫn chưa đầy đủ, chưa thấy khó khăn về lương thực còn lâu dài, chưa thật thông suốt về vấn đề tiêu thụ ngô, khoai, sắn thay gạo một phần theo chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ; mới sau hai vụ được mùa (nhưng chưa ổn định lại mức dự trữ như trước) đã vội quên kinh nghiệm thiếu lương thực vừa qua, đã chủ quan cho là vấn đề lương thực đã được giải quyết, do đó lại rơi vào những khuyết điểm trong việc phân phối tiêu dùng lương thực như mấy năm trước đây chỉ chú trọng thóc gạo mà coi nhẹ ngô, khoai, sắn. Trách nhiệm của các cấp lãnh đạo địa phương là phải tăng cường gấp việc giáo dục cho mọi người có ý thức đầy đủ đối với vấn đề sản xuất và tiết kiệm lương thực, đồng thời tăng cường việc quản lý phân phối lương thực của Nhà nước cho chặt chẽ.

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ nhắc các Bộ, các ngành, các Ủy ban hành chính địa phương cần thi hành nghiêm chỉnh những quy định cụ thể sau đây:

1. Thường xuyên giáo dục sâu rộng trong cán bộ và nhân dân đề cao ý thức tiết kiệm lương thực, tự giác ăn ngô, khoai, sắn để dôi thêm gạo ra và góp phần thức đẩy sản xuất hoa màu phát triển; giảm bớt việc làm bún, bánh bằng gạo, có kế hoạch hướng dẫn nhân dân chế biến một phần bằng ngô, khoai, sắn kiên quyết chống nấu rượu lậu bằng gạo ở nông thôn. Cán bộ, Đảng viên ở nông thôn phải gương mẫu kiên trì vận động, tổ chức lãnh đạo nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành chính sách .

2. Đối với cán bộ, bộ đội, công nhân, nhân dân thành thị và những người phi nông nghiệp khác, cần thực hiện đúng chủ trương cấp lương thực toàn bộ bao gồm cả lúa gạo ngô, khoai, sắn nhất là sắn trong những tháng tới theo đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ cần phê phán hiện đã sảy ra ở một số nơi là không tích cực mua khoai, sắn không muốn nhận ngô khoai phân phối cho địa phương mình chỉ vì nhìn cục bộ, không muốn cán bộ nhân dân địa phương mình phải ăn viện lý rằng “địa phương tôi sản xuất ra lúa mà sao còn phải ăn thêm ngô, khoai…“Cần nhận rõ vấn đề lương thực còn phải phấn đấu lâu dài, vượt nhiều khó khăn mới có thể giải quyết vững chắc được. Cần tiếp tục giáo dục vận động cán bộ, bộ đội công nhân, học sinh và nhân dân thành thị ở những nơi có điều kiện tham gia sản xuất để tự túc một phần về lương thực theo tinh thần nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về chính sách lương thực áp dụng trong vụ mùa năm 1960. Ở những nơi vừa qua đã sản suất được nhiều sắn, cần vận động mọi người tự giác sử dụng để ăn một phần thay gạo theo một tỷ lệ nhất định để bớt số gạo Nhà Nước phải cung cấp, và số thừa lên bán cho Nhà Nước.

Ngành lương thực cần cố gắng chế biến ngô, khoai, sắn để cán bộ và nhân được ăn ngon hơn và với giá phải chăng.

Nhận được chỉ thị này, các Uỷ ban hành chính các cấp cần nghiên cứu kỹ và tổ chức thực hiện cho tốt, gắn liền với việc giáo dục chính sách tiết kiệm lương thực với việc đẩy mạnh sản xuất vụ đông xuân, và tiến hành công tác lương thực vụ mùa 1961.

Chỉ thị này phổ biến đến cấp xã.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG

 
 
 

Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 434-TTg năm 1961 về vấn đề tiết kiệm lương thực do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 434-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 17/11/1961
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 47
  • Ngày hiệu lực: 01/12/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản