Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 372-CP | Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH NHẰM ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT VÀ TIẾT KIỆM LƯƠNG THỰC TRONG CẢ NƯỚC.
Tình hình lương thực đang hết sức cấp bách và khẩn trương. Các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị và toàn dân phải tập trung toàn lực đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, coi sản xuất lương thực, thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất như nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng đã nêu ra.
Trước mắt các tỉnh miền Bắc phải thu hoạch nhanh gọn lúa mùa sớm để kịp làm vụ đông; các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long phải chăm bón tốt số diện tích đã cấy; tất cả các địa phương phải có sự nỗ lực vượt bật để đạt và vượt kế hoạch diện tích gieo trồng vụ đông và chuẩn bị tốt cho vụ chiêm xuân sang năm.
Tuy nhiên, theo đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp năm nay, dù có phấn đấu đạt kế hoạch sản xuất vụ mùa và vụ đông cả về diện tích và sản lượng thì tình hình lương thực vẫn còn nhiều khó khăn vì nhu cầu lương thực ngày càng tăng, chưa tính đến thiên tai, địch họa mà đã mất cân đối nghiêm trọng. Do đó, đi đôi với việc thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp đã giao cho các địa phương, ngay từ bây giờ phải phát động phong trào sản xuất lương thực mạnh mẽ, rộng khắp trong tất cả các địa phương, các ngành, các cơ sở sản xuất nhằm tận dụng mọi khả năng về đất đai, lao động và phương tiện hiện có để sản xuất thêm lương thực ngoài kế hoạch, bù đắp một phần cho số lương thực còn thiếu. Các tỉnh, huyện có đất đai, lao động nhiều nhưng lâu nay vẫn còn ỷ lại trung ương, xin nhiều lương thực của trung ương, nay phải cố gắng tự giải quyết lấy lương thực.
Với tinh thần trên đây, Hội đồng Chính phủ chỉ thị cho các ngành, các cấp tiến hành ngay các công việc sau đây.
1. Phấn đấu thực hiện vượt mức kế hoạch vụ đông và vụ đông xuân 1979 – 1980.
Từng ngành ở trung ương cũng như ở địa phương phải kiểm điểm ngay những việc đã làm để phục vụ kế hoạch sản xuất vụ đông 1979 và đông xuân 1979 – 1980, phải có kế hoạch cụ thể (kể cả tiến độ, thời gian thực hiện) và chủ động phối hợp với các ngành khác tiến hành kịp thời vụ những việc cần tiếp tục làm. Đặc biệt phải chú trọng những việc sau đây:
Các ngành ngoại thương, giao thông vận tải, nông nghiệp phải phấn đấu đưa số phân đạm còn lại trong kế hoạch 1979 vào sử dụng kịp thời vụ ngay trong quý IV này. Các ngành hóa chất và giao thông vận tải phải tăng cường khai thác và vận chuyển để cung cấp thêm các loại phân lân. Ngành xây dựng dành thêm vôi cho sản xuất nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp cần soát xét lại và tìm mọi biện pháp bảo đảm số giống cần thiết cho các cây trồng vụ đông và đông xuân; phải tính việc thay thế các loại giống còn thiếu bằng loại cây khác còn thời vụ trong từng địa phương, chấm dứt tình trạng có đất đai, có lao động mà không mở rộng thêm được diện tích vụ đông chỉ vì thiếu giống. Đối với giống lúa, phải kịp thời cung ứng hoặc đổi cho các địa phương các loại giống lúa chống sâu bệnh, có năng suất cao và các loại giống thích hợp với tùng vùng (chú ý vùng trũng).
Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện phải phối hợp với ngành nông nghiệp để huy động số máy kéo hiện có một cách tốt nhất hỗ trợ cho hợp tác xã, nông dân về sức kéo, bảo đảm làm đất kịp thời vụ cho vụ đông; phải chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý hợp tác xã và tập đoàn sản xuất theo tinh thần của nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng, gắn liền lợi ích của Nhà nước, của tập thể với lợi ích của người lao động, làm cho mọi người hăng hái sản xuất, làm cho sản xuất của tập thể cũng như sản xuất phụ của gia đình đều phát triển mạnh mẽ; phải đôn đốc việc áp dụng rộng rãi các kinh nghiệm, các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất vụ đông và đông xuân. Bộ Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân các tỉnh phải huy động và giúp đỡ, hướng dẫn các lực lượng không sản xuất nông nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp, trước mắt làm tốt vụ đông.
Trên tinh thần bảo đảm tốt các kế hoạch trồng cây công nghiệp và xuất khẩu, kế hoạch chăn nuôi, v.v… tất cả các nông trường quốc doanh, trạm, trại của Nhà nước đều phải soát lại kế hoạch vụ đông và kế hoạch 1980 để bổ sung nhiệm vụ sản xuất lương thực, thực phẩm cho phù hợp với điều kiện lao động, đất đai nói chung còn chưa được tận dụng, đồng thời chủ động giúp đỡ các hợp tác xã, các cơ quan, các đơn vị bộ đội v.v… nhằm tận dụng mọi năng lực sản xuất và đất đai chưa sử dụng hết.
Ngành lương thực và thực phẩm phải cùng Bộ Nông nghiệp kịp thời chấn chỉnh và tăng cường tổ chức thu hoạch và mạng lưới thu mua, chế biến, phân phối, tiêu thụ hết số sắn đã trồng vụ đông xuân 1978 – 1979, số khoai lang và các loại màu sẽ trồng trong vụ đông và đông xuân 1979 – 1980.
Ngành thủy lợi phải chủ động bàn, phối hợp với các ngành nông nghiệp, điện và than chuẩn bị lực lượng, thiết bị, v.v… để bảo đảm sẵn sàng chống hạn, chống úng cho vụ đông và đông xuân. Đối với các vùng mới khai hoang, Bộ Nông nghiệp và Bộ Thủy lợi phải giúp địa phương giải quyết các yêu cầu của sản xuất để tận dụng tốt diện tích đã khai hoang và mở thêm diện tích.
Các ngành ở trung ương phải coi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng sản xuất màu tập trung ở Tây Nguyên, các tỉnh biên giới phía bắc, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh và các vành đai thực phẩm xung quanh các thành phố lớn là những vùng trọng điểm và bức thiết về sản xuất lương thực, thực phẩm. Đối với các vùng nói trên, các ngành ở trung ương cần tập trung chỉ đạo và giúp đỡ thiết thực. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Bộ Lương thực và thực phẩm phải chủ trì để giải quyết kịp thời cho các vùng đó những vấn đề có tính chất liên ngành và những vấn đề cần được các ngành giải quyết đồng bộ để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trước mắt làm tốt vụ đông và đông xuân 1979 – 1980.
2. Phát động phong trào sản xuất, tiết kiệm lương thực.
Phong trào này phải nhằm vào yêu cầu ra sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, đồng thời phấn đấu sản xuất thêm lương thực và thực phẩm ngoài chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Đối tượng của phong trào này chủ yếu là huy động mọi lực lượng lao động trong nông nghiệp, ngoài ra phải động viên đông đảo công nhân, cán bộ, viên chức, học sinh, bộ đội và những lao động không sản xuất nông nghiệp khác, nhất là ở các thành phố, thị xã tham gia sản xuất tự túc một phần lương thực, giảm bớt gánh nặng cung cấp lương thực của Nhà nước và tự mình cải thiện đời sống.
a) Trong nông dân phải tạo điều kiện phát huy tính tích cực lao động sản xuất, phổ biến rộng rãi và kịp thời tổ chức thực hiện tốt các chính sách đã ban hành (chính sách khuyến khích tận dụng đất đai, chính sách khuyến khích chăn nuôi lợn, trâu bò, …). Các tỉnh, huyện phải đưa ngay cán bộ có năng lực về tăng cường, củng cố vững mạnh các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất, kiên trì giúp đỡ các cơ sở yếu kém tiến lên loại trung bình và khá.
Phải tạo điều kiện cho nông dân sản xuất ra nhiều nông sản trong khu vực kinh tế phụ gia đình đi đôi với việc củng cố và phát triển kinh tế tập thể, chống những quan niệm và thái độ lệch lạc đối với kinh tế phụ gia đình, những khuynh hướng đối lập lợi ích của kinh tế tập thể với kinh tế phụ gia đình.
Chính quyền các cấp tỉnh, huyện phải kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ cấp xã triệt để chấp hành các chính sách và biện pháp nói trên, uốn nắn kịp thời các lệch lạc.
b) Trong công nhân, cán bộ, viên chức, học sinh, bộ đội. v.v…phải làm tốt công tác tư tưởng để mọi người thấy được yêu cầu cấp thiết và tự nguyện đóng góp phần cao nhất của mình vào việc giải quyết vấn đề lương thực với nhiệt tình cách mạng cao, với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để giành thắng lợi trong nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm lương thực.
Phải chỉ đạo phong trào này sao cho các hoạt động kinh tế và văn hóa không bị xáo trộn. Đồng thời chống mọi tư tưởng bàng quan, viện mọi lý do để không tham gia vào sản xuất lương thực, thực phẩm, mặc dầu lao động còn dư thừa, hoặc làm cho có hình thức, lãng phí, không đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Từng ngành, từng cấp phải nắm lại lực lượng của mình, phân loại rõ số người nào nhất thiết phải ở lại sản xuất hay công tác; đồng thời có tổ chức sản xuất tại chỗ ngoài giờ làm việc; số người nào dôi ra hoặc có thể huy động trong một vụ hoặc lâu hơn để điều động đi về nông thôn, nông trường tham gia sản xuất lương thực, thực phẩm; các ngành, các địa phương phải có kế hoạch hướng dẫn và giúp đỡ cho các đơn vị bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, v.v…có kế hoạch tổ chức sản xuất thích hợp với điều kiện của từng loại cơ quan, đơn vị, xí nghiệp. Trong trường hợp có thừa lao động mà không bố trí được đất để sản xuất, các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội có thể liên hệ cung cấp nhân công từng thời gian hoặc dài hạn cho các nông trường, lâm trường, hợp tác xã, v.v… để làm ra lương thực, thực phẩm cho xã hội.
Đối với số người lao động ở các thành phố, thị xã chưa có công ăn việc làm, Ủy ban nhân dân của thành phố, thị xã cần có kế hoạch cụ thể liên hệ với những địa phương còn đất hoang, hóa để tổ chức sản xuất lương thực và thực phẩm trong một thời gian ngắn hay dài, tùy tình hình cụ thể.
Đối với quân đội, Bộ Quốc phòng cần có kế hoạch sản xuất cụ thể và ra lệnh ngay cho các đơn vị trong toàn quân, đơn vị nào đóng ở đâu đều phải tìm đất để sản xuất lương thực và thực phẩm, nhất là các loại rau, màu, đậu, v.v… nhằm đạt mức tự túc lương thực, thực phẩm cao nhất.
Bộ Lao động cùng Ban tổ chức của Chính phủ phối hợp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng công đoàn và Đoàn thanh niên cộng sản cùng các ngành, các địa phương bàn định kế hoạch cụ thể, hợp lý, sắp xếp, phân công công nhân, cán bộ, viên chức, v.v… ở lại làm việc và người đi sản xuất.
Các đoàn thể và cơ quan tuyên huấn, văn hóa, thông tin, v.v…phải tuyên truyền động viên tinh thần hăng hái lao động sản xuất, tiết kiệm lương thực và thực phẩm trong nhân dân, công nhân, cán bộ, viên chức, học sinh và quân đội.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần ban hành quy định cụ thể để cấm ngặt việc nấu và buôn bán rượu lậu theo đúng các luật lệ đã ban hành. Những nơi có tập quán dùng lúa gạo để nuôi lợn, nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, phải đẩy mạnh sản xuất các loại màu thay thế để dành thêm lúa gạo bán cho Nhà nước. Kiên quyết chấm dứt tệ liên hoan ăn uống bừa bãi. Các cửa hàng phục vụ ăn uống cho khách vãng lai ở các thành phố, thị xã phải được quản lý chặt chẽ.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh và huyện phải tăng cường chỉ đạo thực hiện kế hoạch vụ đông và đông xuân cũng như phong trào sản xuất lương thực, thực phẩm ngoài kế hoạch và tiết kiệm lương thực. Các huyện và tỉnh nào lâu nay vẫn yêu cầu lương thực của trung ương nay phải chỉ đạo phong trào sản xuất và tiết kiệm này với ý thức vươn lên tự cân đối lương thực. Các huyện và tỉnh đã tự cân đối lương thực hoặc đã góp phần đóng góp với trung ương thì nay phải cố gắng sản xuất tốt hơn và quản lý tốt hơn để đóng góp thêm nhằm góp phần tích cực giải quyết cân đối chung của cả nước. Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện phải kiểm tra đôn đốc mọi lực lượng nằm trên địa bàn tỉnh, huyện mình, kể cả các cơ quan thuộc các ngành trung ương và quân đội, quản lý chặt chẽ việc cân đối lương thực trong địa phương, không để xảy ra tình hình đột xuất.
Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành cấp tỉnh cần cử ngay cán bộ xuống cùng cán bộ cấp huyện về cơ sở xã, ấp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất để đôn đốc, giúp đỡ, kiểm tra khắc phục tình trạng có những việc bị trì trệ gây tác hại lớn do cấp hoặc ngành không chịu giải quyết theo đúng chức năng của mình đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, tích cực giải quyết một cách có hiệu lực các vấn đề còn vướng mắc trở ngại cho sản xuất.
Chỉ thị này cần được quán triệt, thực hiện khẩn trương và nghiêm túc. Mọi địa phương, mọi ngành, mọi cấp, mọi đơn vị phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, có kế hoạch hành động thật cụ thể về những công việc phải làm, tiến độ, thời gian thực hiện, v.v…cho phù hợp với thời vụ sản xuất; đồng thời phải giao trách nhiệm rõ ràng và tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện một cách chặt chẽ. Các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng các ngành ở trung ương, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm hàng tháng bắt đầu từ tháng 11 năm 1979 báo cáo kết quả việc thực hiện chỉ thị này với Thủ tướng Chính phủ (vào tuần đầu của mỗi tháng).
| T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
- 1Chỉ thị 434-TTg năm 1961 về vấn đề tiết kiệm lương thực do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 2Chỉ thị 317-TTg năm 1977 về đẩy mạnh sản xuất vôi phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là ở phía Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 252-CP năm 1978 về cuộc vận động đẩy mạnh sản xuất lương thực, khắc phục hậu quả của bão lụt do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 434-TTg năm 1961 về vấn đề tiết kiệm lương thực do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
- 2Chỉ thị 317-TTg năm 1977 về đẩy mạnh sản xuất vôi phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là ở phía Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Chỉ thị 252-CP năm 1978 về cuộc vận động đẩy mạnh sản xuất lương thực, khắc phục hậu quả của bão lụt do Hội đồng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 372-CP năm 1979 về biện pháp cấp bách nhằm đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm lương thực trong cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 372-CP
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 10/10/1979
- Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
- Người ký: Lê Thanh Nghị
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 20
- Ngày hiệu lực: 25/10/1979
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra