Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/VBHN-BYT | Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2024 |
Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, có hiệu lực kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2011, được sửa đổi, bổ sung bởi:
Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2023.
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính[1].
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức, cán bộ y tế xã, phường, thị trấn (đang làm việc theo chế độ hợp đồng theo Quyết định số 58/TTg ngày 03 tháng 02 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở) trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức làm công tác quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các chuyên khoa HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y (sau đây gọi chung là công chức, viên chức) trong các cơ sở sự nghiệp y tế công lập.
2. Nghị định này không áp dụng đối với cán bộ, viên chức chuyên môn y tế thuộc lực lượng vũ trang.
Điều 2. Nguyên tắc áp dụng và cách tính phụ cấp
1. Mỗi công chức, viên chức chỉ được hưởng một phụ cấp ưu đãi theo nghề ở mức cao nhất.
2. Phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ phần trăm (sau đây viết là %) trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.
1. Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:
a) Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần;
b) Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
2. Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc sau đây:
a) Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm;
b) Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm;
c) Kiểm dịch y tế biên giới.
3. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.
4. Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Mức phụ cấp 30% áp dụng đối với công chức, viên chức sau đây:
a) Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế để thực hiện các công việc: truyền thông giáo dục sức khỏe; dân số - kế hoạch hóa gia đình;
b) Công chức, viên chức quản lý, phục vụ không trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở, viện, bệnh viện chuyên khoa, các trung tâm: HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần, giải phẫu bệnh lý, pháp y.
6. Đối với công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn y tế; công chức, viên chức y tế làm công tác quản lý, phục vụ tại các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung (trừ đối tượng quy định tại điểm b khoản 5 Điều này), viên chức làm công tác chuyên môn y tế tại cơ quan, đơn vị, trường học thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để xem xét, quyết định nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.
7. [2] Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023:
a) Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
b) Trong thời gian áp dụng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở quy định tại khoản 7 này thì không áp dụng quy định tại điểm c khoản 2 và quy định đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng tại khoản 4 Điều 3.
Điều 4. Nguồn kinh phí chi trả
Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp quy định tại Nghị định này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành, nguồn thu của các cơ sở y tế từ các hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 8 năm 2011 và bãi bỏ Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức công tác tại các cơ sở y tế của Nhà nước.
1. Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
| XÁC THỰC VĂN BẢN HỢP NHẤT KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Kết luận số 25-KL/TW ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023);
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (sau đây gọi là Nghị định số 56/2011/NĐ-CP)”.
[2] Khoản này được bổ sung theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 05/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024
[3] Điều 2, Điều 3 Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập quy định như sau:
“Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Các cơ sở y tế công lập căn cứ quy định tại Nghị định này xác định nhu cầu kinh phí thực hiện năm 2022 và năm 2023; nguồn kinh phí thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ. Trường hợp đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí thực hiện, cơ sở y tế công lập gửi cơ quan chủ quản, đơn vị dự toán cấp I báo cáo nhu cầu kinh phí và dự kiến sử dụng các nguồn kinh phí theo quy định, trong đó nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ để rà soát, thẩm định, gửi cơ quan tài chính cùng cấp chậm nhất trước ngày 31 tháng 3 năm 2023 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 theo quy định.
2. Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách để thực hiện.
3. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 trở đi, mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở thực hiện theo quy định khoản 1 đến khoản 6 Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này”.
Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BYT năm 2024 hợp nhất Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 06/VBHN-BYT
- Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
- Ngày ban hành: 29/07/2024
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Thị Liên Hương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra