Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 305/TTr-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2012

 

TỜ TRÌNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI ĐIỀU 1 CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 800/QĐ-TTG VỀ NGUYÊN TẮC VÀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2010-2020

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu và đề xuất sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi Điểm a và b của Khoản 3, Mục VI, Điều 1 của Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 với những nội dung chính như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC SỬA ĐỔI QUYẾT ĐỊNH SỐ 800/QĐ-TTG

1. Căn cứ vào Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 29/7/2011 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

2. Căn cứ vào Thông báo số 149/TB-VPCP ngày 29/6/2011 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới;

3. Yêu cầu của các địa phương, cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.

Tại điểm a, Khoản 3, Mục VI, Điều 1 của Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 có quy định “Hỗ trợ 100% từ Ngân sách Trung ương cho: công tác quy hoạch; đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã;”

Tuy nhiên, thực tế sau hơn 01 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cho thấy việc quy định cứng “Hỗ trợ 100% từ Ngân sách Trung ương” cho một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cấp xã đã làm nảy sinh một số vấn đề sau:

a) Tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại của các địa phương, nhất là người dân nông thôn, cho rằng các công trình này đã được Ngân sách Trung ương đầu tư toàn bộ, Vì vậy, địa phương, người dân và cộng đồng không cần đóng góp thêm.

Với cách hiểu này, một số địa phương mặc dù đã tự cân đối ngân sách nhưng vẫn yêu cầu Ngân sách Trung ương cấp đổi 100% để thực hiện các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quy định tại điểm a, Khoản 3, Mục VI, Điều 1 của Quyết định số 800/QĐ-TTg;

b) Chưa tạo điều kiện cho các địa phương huy động các nguồn lực khác (ngoài ngân sách nhà nước) để thực hiện, vì Ngân sách Trung ương đã cấp đủ, không có căn cứ để huy động thêm. Điều này đã hạn chế rất nhiều đến tiến độ thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

c) Trong bối cảnh hiện nay, ngân sách Trung ương còn hạn chế nên trước mắt chưa thể cân đối hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cấp xã trên phạm vi toàn quốc.

Việc sửa đổi nguyên tắc và cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế trên, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc huy động các nguồn lực để triển khai Chương trình trên địa bàn.

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ THẢO VÀ TIẾP THU Ý KIẾN CỦA CÁC BỘ, NGÀNH

Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 149/TB-VPCP ngày 29/6/2011 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các bước sau:

1. Tổ chức cuộc họp xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến của các Bộ, ngành về dự thảo

- Hội thảo của Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM ngày 29/7/2011 để lấy ý kiến đề xuất xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi nguyên tắc, cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới quy định tại Điểm a và b của Khoản 3, Mục VI, Điều 1 của Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010.

- Ngày 19/8/2011, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành cho dự thảo Quyết định;

- Ngày 18/11/2011, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến tham gia của đại diện một số Bộ, ngành (Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính);

- Ngày 03/2/2012, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương để lấy ý kiến tham gia của các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương.

2. Tổ chức lấy ý kiến chính thức các Bộ, ngành bằng văn bản:

- Ngày 22/8/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 2406/BNN-KTHT gửi các Bộ, ngành lấy ý kiến tham gia cho dự thảo.

- Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được ý kiến góp ý của 07 Bộ, ngành:

+ Ủy ban Dân tộc: Công văn số 646/UBDT-CSDT ngày 25/8/2011;

+ Bộ Giao thông vận tải: Công văn số 5238/BGTVT-KHĐT ngày 29/8/2011;

+ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công văn số 2831/BVHTTDL-KHTC ngày 01/9/2011;

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Công văn số 5833/BKHĐT-KTNN ngày 05/9/2011.

+ Bộ Tài chính: Công văn số 12055/BTC-NSNN ngày 09/9/2011.

+ Bộ Giáo dục và Đào tạo: Công văn số 5852/BGDĐT-CSVCTBTH ngày 05/9/2011.

+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Công văn số 3058/LĐTBXH-BTXH ngày 15/9/2011.

3. Giải trình về việc tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành

3.1. Tất cả các Bộ, ngành đều nhất trí thay từ “vốn ngân sách Trung ương” thành “vốn ngân sách Nhà nước” (bao gồm cả vốn Trung ương và vốn địa phương).

3.2. Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho 03 loại công việc: xây dựng trụ sở xã, lập quy hoạch nông thôn mới và đào tạo cán bộ; qua thực tiễn sau hơn 1 năm triển khai và theo ý kiến của các Bộ, ngành thì đa phần đều đồng tình và nhất trí với 03 loại công việc này do ngân sách Nhà nước đảm bảo 100%, với các lý do sau:

- Việc xây dựng trụ sở xã và quy hoạch nhằm mục đích phục vụ cho các hoạt động quản lý nhà nước cho nên không thể sử dụng kinh phí do dân đóng góp và càng không thể dùng nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện công việc này.

- Về công việc đào tạo cán bộ thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới yêu cầu đòi hỏi kỹ thuật cao và người thực hiện phải có đủ năng lực và hiểu biết về Chương trình, do vậy Ngân sách nhà nước phải đảm bảo 100% cho hoạt động này.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án Ngân sách nhà nước đảm bảo 100% kinh phí cho triển khai 03 loại công việc này.

Riêng Bộ Tài chính đề nghị nhà văn hóa xã thuộc nhóm công trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ tới 100%. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị không nên hỗ trợ ở mức 100% cho nhà văn hóa xã. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng công trình nhà văn hóa xã có thể huy động được các nguồn lực xã hội khác (doanh nghiệp, người dân và cộng đồng) nên không nhất thiết phải quy định mức hỗ trợ 100% từ ngân sách nhà nước.

3.3. Với 04 loại công việc: đường giao thông đến trung tâm xã, trạm y tế xã, nhà văn hóa xã, trường học các cấp thì chỉ hỗ trợ một phần; ý kiến của các Bộ, ngành tập trung vào 02 phương án cụ thể như sau:

- Phương án 1: Quy định rõ, cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với các hạng mục nêu trên. Đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, xã vùng bãi ngang, xã biên giới, xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ (gọi tắt là xã nghèo), ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 90% kinh phí.

Đối với các xã còn lại không thuộc diện trên, ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 70% kinh phí.

- Phương án 2: Theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính đề nghị không quy định cứng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Hàng năm, ngân sách trung ương hỗ trợ một khoản cho các tỉnh, thành phố để xây dựng nông thôn mới. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để phù hợp với thực tế của địa phương.

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương, về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên giao quyền chủ động cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh, đảm bảo được mục tiêu của chương trình, tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của địa phương và tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh; do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án 2, theo đó không quy định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách nhà nước cho từng hạng mục công việc.

3.4. Đối với 13 tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách trong giai đoạn 2011-2015:

Trong năm 2011, đã có 12 địa phương thuộc 13 tỉnh tự cân đối ngân sách đã chủ động dành kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai Chương trình, ngoại trừ Quảng Ngãi. Tuy nhiên, một số địa phương đề xuất cho phép giảm phần điều tiết về Trung ương để có bố trí đủ kinh phí cho xây dựng nông thôn mới. Các Bộ, ngành trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí cần xem xét giảm phần điều tiết về Trung ương để lại cho địa phương nhằm xây dựng nông thôn mới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính đề xuất phương án theo hướng giảm điều tiết về Trung ương để địa phương có thêm kinh phí xây dựng nông thôn mới. Mức phân bổ kinh phí cho các xã thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

III. PHƯƠNG ÁN SỬA ĐỔI

Căn cứ ý kiến của các Bộ, ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án sửa đổi Điểm a, Khoản 3, Mục VI, Điều 1 của Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 như sau:

1) Thay từ “vốn ngân sách Trung ương” thành “vốn ngân sách Nhà nước” (bao gồm cả vốn Trung ương và vốn địa phương).

2) Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho: công tác quy hoạch; xây dựng trụ sở xã; đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ các cấp.

3) Hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước cho: đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã. Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng đối tượng cụ thể giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định để phù hợp với thực tế của địa phương.

4) Đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối được ngân sách: Giao Bộ Tài chính đề xuất theo hướng giảm điều tiết về Trung ương để địa phương có thêm kinh phí xây dựng nông thôn mới. Mức phân bổ kinh phí cho các xã thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới do HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh;
- Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KT-ĐT, TC;
- Lưu: VT, KTHT, VPĐP.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Tờ trình 305/TTr-BNN-KTHT sửa đổi Điều 1 Quyết định 800/QĐ-TTg về nguyên tắc và cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 305/TTr-BNN-KTHT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/02/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản