Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG - BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 20/2010/TTLT-BTTTT-BYT

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2010

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN VIỆC ƯU TIÊN VỀ THỜI ĐIỂM, THỜI LƯỢNG PHÁT SÓNG TRÊN ĐÀI PHÁT THANH, ĐÀI TRUYỀN HÌNH; DUNG LƯỢNG VÀ VỊ TRÍ ĐĂNG TRÊN BÁO IN, BÁO ĐIỆN TỬ ĐỐI VỚI THÔNG TIN, GIÁO DỤC, TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/11/2006;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28/12/1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí ngày 12/6/1999;
Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện khoản 7 Điều 12 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH VIỆC ƯU TIÊN VỀ THỜI ĐIỂM, THỜI LƯỢNG PHÁT SÓNG TRÊN ĐÀI PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH

Điều 1. Đối với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC

1. Hình thức tin tức:

a) Thời lượng phát sóng: Tối thiểu là 30 giây/lần phát sóng;

b) Tần suất phát sóng: Tối thiểu 1 lần trong ngày diễn ra sự kiện về phòng, chống HIV/AIDS;

c) Thời điểm phát sóng: Đưa vào chương trình thời sự chính trong khoảng thời gian từ 18h00 đến 19h45 hoặc từ 23h00 đến 23h30 của ngày diễn ra sự kiện về phòng, chống HIV/AIDS.

2. Hình thức phóng sự, phim tài liệu:

a) Thời lượng phát sóng: Tối thiểu là 5 phút/lần phát sóng;

b) Tần suất phát sóng mới: Lần đầu tối thiểu 01 lần/ quý;

c) Thời điểm phát sóng: Trong khoảng thời gian từ 6h00 đến 7h30 hoặc từ 12h00 đến 13h30 hoặc từ 17h30 đến 19h00 trong chuyên mục, chuyên đề về y tế, xã hội, HIV/AIDS của đài.

3. Hình thức giao lưu, tọa đàm:

a) Thời lượng phát sóng: Tối thiểu là 30 phút/lần phát sóng;

b) Tần suất phát sóng: Tối thiểu 1 lần/ 06 tháng;

c) Thời điểm phát sóng: Trong khoảng thời gian từ 6h00 đến 22h00, ưu tiên từ 20h00 đến 22h00.

4. Hình thức cổ động tuyên truyền:

a) Thời lượng phát sóng: Tối thiểu là 15 giây/lần phát sóng;

b) Tần suất phát sóng: Tối thiểu 04 lần/tháng;

c) Thời điểm phát sóng lần đầu: Trong khoảng thời gian từ 6h00 đến 7h30 hoặc từ 12h00 đến 13h30 hoặc từ 17h30 đến 19h00.

5. Hình thức chạy chữ trên màn hình:

a) Số lượng ký tự tối thiểu: 30 ký tự/ lần chạy;

b) Tần suất chạy chữ: Tối thiểu 2 lần/tuần;

c) Thời điểm chạy: Trong khoảng thời gian từ 19h45 đến 23h00.

6. Ngoài việc thực hiện các quy định về thời điểm, thời lượng phát sóng quy định tại các điểm a điểm c khoản 1, điểm a, điểm c khoản 2, điểm a, điểm c của khoản 3 và điểm a, điểm c khoản 4 Điều này, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC thực hiện việc tăng cường tần suất phát sóng trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hằng năm như sau:

a) Đài Tiếng nói Việt Nam: Thực hiện phát sóng tối thiểu là 10 lần đối với hình thức cổ động tuyên truyền với thời lượng phát sóng tối thiểu là 30 giây/lần phát sóng.

b) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC: Thực hiện phát sóng tối thiểu là 06 lần đối với hình thức cổ động tuyên truyền, 02 lần đối với hình thức phóng sự, phim tài liệu và 01 lần đối với hình thức giao lưu, tọa đàm. Thời lượng phát sóng của mỗi hình thức thực hiện theo quy định tại các điểm a, điểm c khoản 2, điểm a, điểm c khoản 3 và điểm a, điểm c khoản 4 Điều này.

Điều 2. Đối với đài phát thanh, truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh).

1. Hình thức tin tức:

a) Thời lượng phát sóng: Tối thiểu là 20 giây/lần phát sóng;

b) Tần suất phát sóng: Tối thiểu 01 lần trong ngày diễn ra sự kiện;

c) Thời điểm phát sóng: Đưa vào chương trình thời sự trong ngày diễn ra sự kiện.

2. Hình thức phóng sự, phim tài liệu:

a) Thời lượng phát sóng: Tối thiểu là 05 phút/lần phát sóng;

b) Tần suất phát sóng: Tối thiểu 01 lần/quí;

c) Thời điểm phát sóng: Trong khoảng thời gian từ 19h45 đến 23h00.

3. Hình thức giao lưu, tọa đàm:

a) Thời lượng phát sóng: Tối thiểu là 30 phút/lần phát sóng;

b) Tần suất phát sóng: Tối thiểu 06 tháng/1 lần;

c) Thời điểm phát sóng: trong khoảng thời gian từ 19h45 đến 23h00.

4. Hình thức chạy chữ trên màn hình:

a) Số lượng ký tự tối thiểu: 30 ký tự/ lần chạy;

b) Tần suất chạy chữ: Tối thiểu 2 lần/tuần;

c) Thời điểm chạy: Trong khoảng thời gian từ 19h45 đến 23h00.

5. Hình thức cổ động tuyên truyền:

a) Thời lượng phát sóng: Tối thiểu là 15 giây/lần phát sóng;

b) Tần suất phát sóng: Tối thiểu 03 lần/tháng;

c) Thời điểm phát sóng: Trong khoảng thời gian từ 19h45 đến 23h00.

6. Ngoài việc thực hiện các quy định về thời điểm, thời lượng phát sóng quy định tại các điểm a, điểm c khoản 2, điểm a, điểm c khoản 3, điểm a, điểm c khoản 4 và điểm a, điểm c khoản 5 điều này, đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh thực hiện việc tăng cường tần suất phát sóng trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hằng năm như sau:

a) Thực hiện phát sóng tối thiểu là 04 lần đối với hình thức cổ động tuyên truyền, 02 lần đối với hình thức phóng sự, phim tài liệu và 01 lần đối với hình thức giao lưu, tọa đàm;

b) Thời lượng phát sóng của mỗi hình thức thực hiện theo quy định tại các điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 và điểm c khoản 6 điều này.

Chương II

QUY ĐỊNH VIỆC ƯU TIÊN VỀ DUNG LƯỢNG, VỊ TRÍ ĐĂNG TRÊN BÁO IN, BÁO ĐIỆN TỬ

Điều 3. Đối với báo in ra hằng ngày hoặc cách ngày

1. Hằng tuần có tối thiểu 01 tin hoặc 01 bài truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

2. Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS có 01 chuyên mục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

Điều 4. Đối với báo in ra hằng tuần

1. Hai tuần có 01 tin hoặc 01 bài truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

2. Hằng tháng có 01 chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS. Số báo đã đăng chuyên mục thì không bắt buộc phải thực hiện theo quy định khoản 1 điều này.

3. Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS có 01 chuyên mục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

Điều 5. Đối với tạp chí chuyên ngành về văn hóa xã hội ra hằng tháng

1. Mỗi số có 01 tin hoặc 01 bài truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

2. Hai tháng có 01 chuyên mục về truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Số tạp chí đã đăng chuyên mục thì không bắt buộc phải thực hiện theo quy định khoản 1 điều này.

Điều 6. Đối với báo điện tử

1. Hằng tuần đưa tin, ảnh về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

2. Hằng tháng có những bài viết phản ánh về công tác phòng, chống HIV/AIDS;

3. Hằng quý có 01 chuyên mục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

4. Trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS có tối thiểu 02 chuyên mục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS .

Điều 7. Vị trí đăng trên báo in và báo điện tử

Các nội dung, thông tin tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS được đăng trên trang y tế sức khoẻ hoặc văn hóa xã hội của báo hoặc trên chuyên mục riêng về phòng, chống HIV/AIDS của báo.

Chương III

CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ HIV/AIDS

Điều 8. Cơ quan cung cấp thông tin về HIV/AIDS cho báo chí

1. Người phát ngôn của Bộ Y tế.

2. Cục Phòng, chống HIV/AIDS thuộc Bộ Y tế.

3. Đơn vị đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 9. Nội dung cung cấp thông tin

1. Các nội dung về thông tin theo quy định tại Điều 10 của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

2. Số liệu về tình hình nhiễm HIV/AIDS.

Điều 10. Chế độ cung cấp thông tin

1. Cung cấp thông tin định kỳ:

a) Tuần đầu hằng tháng, hằng quý;

b) Tổ chức các buổi họp báo, giao ban báo chí định kỳ 6 tháng 01 lần.

2. Cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu của các cơ quan báo chí:

a) Khi thấy cần thiết phải thông tin trên báo chí về sự kiện, vấn đề quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống HIV/AIDS thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của cơ quan mình, cơ quan cung cấp thông tin được cung cấp cho báo chí bằng văn bản hoặc thông tin trực tiếp qua các cuộc giao ban báo chí hoặc gặp mặt báo chí;

b) Khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp các thông tin, các sự kiện liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS.

Điều 11. Hình thức cung cấp thông tin

Tuỳ thuộc vào tính chất yêu cầu hoạt động, thông tin về HIV/AIDS sẽ được cung cấp qua các hình thức sau:

1. Trang tin điện tử của Cục Phòng, chống HIV/AIDS www.vaac.gov.vn.

2. Tạp chí AIDS và Cộng đồng.

3. Gửi văn bản đến các cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí có liên quan.

4. Họp báo, gặp mặt, giao ban báo chí.

5. Sinh hoạt Câu lạc bộ Nhà báo Việt Nam với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

6. Mời đại diện báo chí tham gia các sự kiện, các hoạt động do các cơ quan cung cấp thông tin tổ chức.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan báo chí

1. Thực hiện việc ưu tiên về thời điểm, thời lượng, dung lượng và vị trí đăng tải thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định tại Thông tư này.

2. Phối hợp với cơ quan phũng, chống HIV/AIDS Trung ương và địa phương xây dựng, chương trình kế hoạch, nội dung thông tin, truyền thông về HIV/AIDS.

3. Báo cáo hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS đến cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo định kỳ hằng năm.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông

1. Kiểm tra, thanh tra và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về việc thực hiện các nội dung theo quy định tại Thông tư này đối với các cơ quan báo chí địa phương.

2. Phối hợp với Sở Y tế trong việc tổ chức giao ban, gặp mặt báo chí liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và cung cấp thông tin về HIV/AIDS cho báo chí.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Kiểm tra, thanh tra việc cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí tại địa phương.

2. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong việc tổ chức giao ban, gặp mặt báo chí liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS và cung cấp thông tin về HIV/AIDS cho báo chí.

3. Phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình, cơ quan báo chí trên địa bàn cấp tỉnh xây dựng chương trình kế hoạch, nội dung thông tin, tuyên truyền về HIV/AIDS.

4. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp và cung cấp nội dung chuyên môn liên quan đến HIV/AIDS cho các cơ quan báo chí địa phương định kỳ và đột xuất theo quy định tại Chương III của Thông tư này.

Điều 15. Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông

1. Chỉ đạo các cơ quan báo chí và Sở Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Giao cho Cục Báo chí là đơn vị đầu mối quản lý, giám sát, báo cáo các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên báo in trong phạm vi cả nước.

3. Giao cho Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử là đơn vị đầu mối quản lý, giám sát, báo cáo các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS trên đài phát thanh, đài truyền hình và báo điện tử trong phạm vi cả nước.

4. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thông tin, tuyên truyền về HIV/AIDS trên báo chí.

Điều 16. Trách nhiệm của Bộ Y tế

1. Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC mở các chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS.

2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc cung cấp chính xác và khoa học các thông tin về HIV/AIDS.

3. Chỉ đạo các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS các cấp cung cấp thông tin liên quan đến HIV/AIDS và phối hợp với cơ quan báo chí tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS.

4. Giao cho Cục Phòng, chống HIV/AIDS là đơn vị đầu mối thanh tra, kiểm tra, giám sát về nội dung thông tin về phòng, chống HIV/AIDS cho báo chí và công tác truyền thông về HIV/AIDS trên báo chí theo quy định tại Thông tư này.

Điều 17. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Y tế và các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định của Thông tư này.

Điều 18. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Thông tư này thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 12 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2010

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Quân Huấn

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Quý Doãn

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ KGVX, Công báo, Website CP);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TT và TT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TTTT, Bộ Y tế;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp);
- Website của Bộ TT và TT, Website của Bộ Y tế;
- Lưu VT: Bộ TT và TT, Bộ Y tế.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên tịch 20/2010-TTLT-BTTTT-BYT hướng dẫn việc ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng trên Đài phát thanh, truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, điện tử đối với thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Thông tin và Truyền thông - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 20/2010-TTLT-BTTTT-BYT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 20/08/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Đỗ Quý Doãn, Trịnh Quân Huấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 564 đến số 565
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản