Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 85/2020/TT-BCA quy định về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

Chương II

TIẾP NHẬN, XỬ LÝ THÔNG TIN TỐ CÁO

Điều 5. Tiếp nhận thông tin tố cáo

Cá nhân, cơ quan, đơn vị Công an các cấp khi tiếp nhận thông tin tố cáo phải vào sổ và nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu (nếu có) để quản lý, theo dõi; đóng dấu “Đến” và ghi rõ ngày, tháng, năm nhận tố cáo. Cán bộ xử lý hoặc người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo quản, không để hư hỏng, thất lạc, không làm thay đổi hình thức và nội dung đơn tố cáo, văn bản hoặc các tài liệu khác ghi thông tin tố cáo và giữ bí mật thông tin người tố cáo.

Điều 6. Xử lý ban đầu thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Công an nhân dân

1. Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ:

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an phải tổ chức kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo để quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo; trường hợp tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết và đủ điều kiện thụ lý theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo thì thụ lý tố cáo, trường hợp tố cáo không đủ điều kiện thụ lý thì không thụ lý và phải thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết việc thụ lý hoặc không thụ lý; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn có thể dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc;

b) Đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, nhưng thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, đơn vị tiếp nhận tố cáo phải chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo và cơ quan Thanh tra Công an cùng cấp với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo biết;

c) Trường hợp đơn tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân, trong đó có cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân hoặc đã được hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi đơn tố cáo đến thì lưu đơn, không xử lý;

d) Trường hợp người tố cáo không trực tiếp tố cáo mà ủy quyền cho người khác tố cáo hoặc có căn cứ xác định người tố cáo không đủ năng lực hành vi dân sự mà không có người đại diện theo quy định của pháp luật thì lưu đơn, không xử lý;

đ) Trường hợp tố cáo đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật, được kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản nhưng người tố cáo tiếp tục tố cáo mà không cung cấp thông tin, tình tiết mới thì không xem xét, xử lý và lưu đơn;

e) Trường hợp người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng quy định của pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; cơ quan, đơn vị Công an cấp dưới có dấu hiệu không khách quan trong việc giải quyết tố cáo thì chuyển đơn hoặc hướng dẫn người tố cáo đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo để xem xét, xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 37, khoản 1, 5 Điều 38 Luật Tố cáo.

2. Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết;

b) Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình thì chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết;

c) Cán bộ, chiến sĩ Công an không giữ chức vụ có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi đang thi hành nhiệm vụ, công vụ nếu tiếp nhận thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thuộc phạm vi nhiệm vụ của mình thì phải kịp thời báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình biết và tiến hành ngay việc xác minh nội dung tố cáo, áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật.

3. Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an trong tố tụng hình sự:

a) Tố cáo Phó Thủ trưởng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra mà hành vi bị tố cáo không liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp của người bị tố cáo. Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự;

b) Tố cáo liên quan đến hành vi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên và Cán bộ điều tra thuộc Cơ quan điều tra thì chuyển ngay đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 4 Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự;

c) Tố cáo hành vi tố tụng hình sự của cán bộ, chiến sĩ Công an được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ việc liên quan để xem xét, giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 481 Bộ luật Tố tụng hình sự.

4. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ thuộc Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam cấp nào thì chuyển đến Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp xem xét, giải quyết.

5. Xử lý thông tin tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an trong thi hành án hình sự:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự của Phó Thủ trưởng, cán bộ, chiến sĩ Công an thuộc Cơ quan thi hành án hình sự cấp nào thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp đó xem xét, giải quyết;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp nào thì chuyển đến Thủ trưởng Công an cấp đó xem xét, giải quyết. Nếu người bị tố cáo là Thủ trưởng Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an thì chuyển đến Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, giải quyết.

6. Tố cáo cán bộ, chiến sĩ Công an vi phạm các quy định khác của Bộ Công an thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì chuyển đến Thủ trưởng Công an cấp đó hoặc Thủ trưởng Công an cấp có thẩm quyền theo quy định của Bộ Công an xem xét, giải quyết theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 8 Nghị định số 22/2019/NĐ-CP và quy định của Thông tư này. Nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo thực hiện theo Điều 8 của Thông tư này, trừ những nội dung tố cáo thuộc lĩnh vực Bộ Công an có quy định khác.

7. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Điều 7. Xử lý thông tin tố cáo không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan, đơn vị Công an nhận được thông tin tố cáo, nếu không thuộc thẩm quyền thì phải chuyển đến cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết như sau:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức ngoài Công an nhân dân nhưng không có dấu hiệu tội phạm hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, không thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an thì chuyển đến người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 12 Luật Tố cáo hoặc chuyển đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Tố cáo và thông báo cho người tố cáo biết;

b) Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

2. Trường hợp nhận được thông tin tố cáo không thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân mà tố cáo đó được gửi đồng thời đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; tố cáo trùng nội dung đã được hướng dẫn chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết thì lưu đơn, không xử lý.

Thông tư 85/2020/TT-BCA quy định về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân do Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 85/2020/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 03/08/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Tô Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 877 đến số 878
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH