Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy (sau đây viết tắt là xe) được sản xuất, lắp ráp mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng.

2. Thông tư này không áp dụng đối với

a) Xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;

b) Xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của cơ quan ngoại giao, lãnh sự;

c) Xe nhập khẩu không vì mục đích kinh doanh xe;

đ) Xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ;

d) Xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh xe; tổ chức liên quan đến thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dán nhãn năng lượng xe.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Một số từ ngữ quy định tại Thông tư này được hiểu như sau:

1. Nhãn năng lượng của xe (sau đây viết tắt là nhãn năng lượng) là nhãn cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe.

2. Mức tiêu thụ năng lượng của kiểu loại xe (mức tiêu thụ nhiên liệu) là lượng nhiên liệu tiêu hao của xe trên một quãng đường, ứng với điều kiện, chu trình thử nghiệm xác định. Đơn vị đo mức tiêu thụ nhiên liệu là lít (l)/100 ki lô mét (km) (đối với nhiên liệu là xăng, LPG và điêzen) hoặc mét khối (m3)/100 ki lô mét (km) (đối với nhiên liệu là NG).

3. Xe mô tô, xe gắn máy được định nghĩa tại mục 1.3.1, mục 1.3.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy - QCVN 14:2015/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

4. Kiểu loại xe được định nghĩa tại các văn bản sau đây:

a) Mục 1.3.3 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới - QCVN 04:2009/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành (sau đây viết tắt là QCVN 04:2009/BGTVT);

b) Mục 1.3.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải mức 3 đối với xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới - QCVN 77:2014/BGTVT do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành (sau đây viết tắt là QCVN 77:2014/BGTVT).

5. Cơ quan quản lý chất lượng (sau đây viết tắt là cơ quan QLCL) là Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

6. Cơ sở sản xuất, lắp ráp là tổ chức sản xuất, lắp ráp xe (sau đây viết tắt là cơ sở sản xuất) được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật.

7. Cơ sở nhập khẩu là tổ chức thực hiện việc nhập khẩu xe.

8. Cơ sở kinh doanh xe là tổ chức thực hiện việc bán, phân phối xe ra thị trường.

9. Cơ sở thử nghiệm, phòng thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu xe (sau đây viết tắt là cơ sở thử nghiệm) là tổ chức thử nghiệm chuyên ngành đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp hoặc được công nhận bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thỏa ước thừa nhận lẫn nhau (Hiệp hội các phòng thử nghiệm được công nhận quốc tế (ILAC), Hiệp hội các phòng thử nghiệm được công nhận Châu Á - Thái Bình Dương (APLAC)); có máy móc, thiết bị, dụng cụ thử nghiệm phù hợp với lĩnh vực thử nghiệm được quy định tại một trong các quy chuẩn sau: QCVN 04:2009/BGTVT; QCVN 77:2014/BGTVT.

Thông tư 59/2018/TT-BGTVT hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 59/2018/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/12/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Đình Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 9 đến số 10
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra