Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | VIỆT |
Số: 589-TP | Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 1956 |
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP Ở NHỮNG NƠI ỦY BAN HÀNH CHÍNH HUYỆN KIÊM TƯ PHÁP
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ - BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Kính gửi: | - Các Ủy ban hành chính liên khu, Ủy ban hành chính tỉnh, Ủy ban hành chính thành phố, và Ủy ban hành chính châu |
Hiện nay vì thiếu thẩm phán huyện nên một số rất lớn Ủy ban hành chính huyện kiêm cả công việc tư pháp. So với số huyện thì số Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp ở khu Việt-bắc chiếm đến 87 phần trăm, Khu 3: 50 phần trăm, Khu Tả ngạn: 97 phần trăm.
Tình hình công việc tư pháp ở số lớn những nơi Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp có những hiện tượng phổ biến sau đây:
1) Để ứ đọng nhiều việc kiện của nhân dân, nhất là những việc kiện về dân sự, có huyện trung bình để đọng từ 40 – 50 việc; những huyện to để đọng đến trên dưới 100 việc. Có nơi đơn kiện của nhân dân gửi đến ai gửi, cất đâu, còn mất thế nào ai cũng không ai biết. Ở một số địa phương, nhân dân đã đến Tòa án nhân dân tỉnh kêu vì huyện không giải quyết việc kiện của họ;
2) Hòa giải nhiều khi có tính chất bắt buộc nên trong một số vụ, nhân dân đã đến Tòa án tỉnh xin xử lại.
3) Nhiều khi giam cứu người lâu mà không báo cáo cho Tòa án nhân dân tỉnh biết;
4) Ít hướng dẫn các Ủy ban hành chính xã giải quyết những công việc tư pháp.
5) Nói chung thì không báo cáo thường lệ về tình hình những công việc tư pháp xảy ra trong huyện do Tòa án nhân dân tỉnh biết nên phần lớn Tòa án nhân dân tỉnh không nắm được tình hình công việc của các huyện. Thường chỉ gửi lên Tòa án nhân dân tỉnh những việc cấp bách, hồ sơ thường không đầy đủ nên Tòa án nhân dân tỉnh nhiều khi lúng túng trong việc khai thác can phạm, tha hay giam chúng.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên một phần cũng là do nhiều Ủy ban hành chính huyện bận nhiều việc nhưng lại thiếu cán bộ nên không giải quyết được kịp thời những việc kiện của nhân dân. Tuy nhiên nếu đi sâu hơn thị chúng ta thấy rằng: nhiều Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp còn coi nhẹ công tác tư pháp, do đó không chú ý khắc phục khó khăn đề cử người phụ trách, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết những công việc tư pháp ở huyện và ở xã, không biết kết hợp giải quyết những việc tư pháp với những công việc khác của Ủy ban như: xuống xã để lãnh đạo thu thu thuế , sản xuất, chống đói, v.v…Về mặt khác, các Tòa án nhân dân tỉnh và khu cũng chưa đặt vấn đề bồi dưỡng, hướng dẫn các Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp, do đó anh em đã phạm khuyết điểm trong công việc tư pháp hoặc lúng túng trong công tác như tình trạng hiện nay.
Hiện nay Bộ tư pháp và Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để bổ sung cho cán bộcho các Tòa án nhân dân huyện. Từ nay cho đến khi có tương đối đủ cán bộ cho các Tòa án nhân dân huyện cần có một thời gian, vì vậy Liên Bộ thấy cần phải lưu ý các Ủy ban hành chính và Tòa án nhân dân khu và tỉnh về những điểm sau đây đối với những nơi Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp:
A – CHẤN CHỈNH TƯ TƯỞNG COI NHẸ CÔNG TÁC TƯ PHÁP Ở HUYỆN
Hiện nay ở những vùng đang cải cách ruộng đất, công tác phát động quần chúng cải cách ruộng đất kết hợp với trấn át phản cách mạng đang làm tan rã những tổ chức phá hoại của đế quốc Mỹ và giai cấp địa chủ. Tuy nhiên, ở những vùng đã cải cách ruộng đất, vẫn còn có những bọn địa chủ và bọn phản cách mạng ngóc đầu dậy phá nông dân, chống Chính phủ như : phá thuế nông nghiệp, phá sản xuất, phá các tổ đổi công, hợp tác xã mua bán, chia rẽ nội bộ nông dân, v.v…Ở những vùng miền núi chưa cải cách ruộng đất, bọn gián điệp, địa chủ phản động, thổ phỉ, biệt kích cũng còn đang quấy rối trật tự an ninh của nhân dân.
Trong hệ thống tổ chức của ngành tư pháp, tổ chức tư pháp ở huyện (Tòa án nhân dân huyện hoặc Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp) đã được phân công một trách nhiệm nhất định:
1) Quan trọng hơn cả là việc hướng dẫn các Ủy ban hành chính xã hòa giải những việc tranh chấp trong nhân dân, giáo dục những người trong nhân dân phạm lỗi nhẹ và nghiêm khắc cảnh cáo những tên địa chủ có phản ứng nhỏ; giáo dục cho nhân dân tinh thần cảnh giác với những âm mưu và hành động phá hoại của đế quốc Mỹ và bọn tay sai của chúng. Nếu việc hướng dẫn các Ủy ban hành chính xã làm công tác tư pháp làm được tốt thì công việc tư pháp ở xã sẽ không còn dồn nhiều lên huyện sẽ góp phần vào tăng cường đoàn kết ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất, giữ gìn trị an và trấn áp kịp thời những hành động phá hoại của giai cấp địa chủ và những bọn phản động cách mạng.
2) Tòa án nhân dân huyện có nhiệm vụ hòa giải hoặc xét xử một số việc hộ.
3) Tòa án nhân dân huyện có nhiệm vụ điều tra hoặc phối hợp cới Công an huyện điều tra những việc phạm pháp xảy ra trong huyện. Nếu việc điều tra ngay từ đầu làm kịp thời, chính xác thì việc khai thác về sau có kết quả hơn, việc xét xử cũng nhanh chóng hơn.
Qua những nhiệm vụ nói trên, sự hoạt động của cơ quan tư pháp ở huyện rất cần thiết cho sự hoạt động chung của cả bộ máy tư pháp, có ảnh hưởng tốt hay xấu đến việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm của ngành năm nay là đẩy mạnh công tác trấn áp bọn phá hoại, đồng thời trừng trị bọn lưu manh côn đồ, giải quyết thỏa đáng những sự tranh chấp trong nhân dân để thúc đẩy đoàn kết sản xuất.
Cần phải có một ủy viên của Ủy ban phụ trách công việc tư pháp (nên phân công Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch hoặc ủy viên công an). Trong những cuộc họp thường lệ để kiểm điểm công tác, Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp phải kiểm điểm cả công tác tư pháp.
Việc điều tra những việc hình quan trọng và chính trị, Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp nên giao cho Công an huyện phụ trách, ủy viên tư pháp (trong trường hợp không phải lả ủy viên công an)chỉ nên phụ trách điều tra những việc hình nhỏ và việc hộ.
Ngoài một số thời giờ dành riêng cho công tác tư pháp ra, mỗi lần xuống xã để làm những công tác của Ủy ban giao cho như : lãnh đạo thu thuế, sản xuất, chống đói, v.v…ủy viên tư pháp cần kết hợp để hòa giải một số việc hoặc hướng dẫn Ủy ban hành chính xã làm công tác tư pháp.
Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp cần phải bố trí một thư ký của Ủy ban hành chính huyện giúp ủy viên tư pháp về giấy tờ, sổ sách.
Ngoài những báo cáo về từng việc, hàng tháng Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp phải báo cáo cho Tòa án nhân dân tỉnh về những công việc tư pháp trong huyện.
C- BỒI DƯỠNG VÀ HƯỚNG DẪN VỀ NGHIỆP VỤ CHO CÁC ỦY BAN HUYỆN KIÊM TƯ PHÁP.
Tòa án nhân dân tỉnh phải tranh thủ mở hội nghị độ một hay hai ngày để sơ bộ hướng dẫn cho các ủy viên tư pháp trong Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp (trường hợp đặc biệt ủy viên tư pháp bận thì một ủy viên khác hoặc thư ký tư pháp có thể đi thay) về những điểm tối thiểu cần thiết cho công tác sau đây:
a) Đường lối giải quyết một số việc thường xảy ra ở nông thôn.
b) Nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp.
c) Nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của Tòa án nhân dân huyện (hoặc của Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp), chú ý thẩm quyền xét xử, những thể lệ về bắt người, khám phá, phương pháp điều tra, hòa giải.
d) Cách lập hồ sơ (hình và hộ)
Trên đây là những điểm cần thiết, các Tòa án nhân dân tỉnh sẽ kết hợp với tình hình địa phương mà thêm bớt ít nhiều. Về tài liệu thì ở những vùng đã cải cách ruộng đất, có thể dùng “tài liệu hướng dẫn Ủy ban hành chính xã và về công tác tư pháp sau cải cách ruộng đất” (do Bộ soạn và đã gửi các Tòa án nhân dân tỉnh rồi). Ở những vùng miền núi chưa cải cách ruộng đất thì các Tòa án nhân dân tỉnh chỉ rút trong cuốn “tài liệu hướng dẫn Ủy ban hành chính xã về công tác tư pháp sau cải cách ruộng đất” những điều thích hợp với tình hình của địa phương. Những điều còan thiếu sẽ do các Tòa án nhân dân tỉnh soạn thêm ra để huấn luyện cho các ủy viên tư pháp huyện.
Sau khi học tập, học viên phải về báo cáo với Ủy ban hành chính huyện để cho toàn thể ủy viên có thể hiểu biết những điều tối thiểu về công tác tư pháp ở huyện.
D – GIẢI QUYẾT NHỮNG CÔNG VIỆC ĐỌNG HIỆN NAY
Các Tòa án nhân dân tỉnh phải giúp đỡ các Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp trong công việc này vì đó là một điều mong mỏi của nhân dân. Theo kinh nghiêm của một số tỉnh (Bắc ninh, Bắc giang, Phú thọ) thì Tòa án nhân dân tỉnh hàng tháng có kế hoạch cử cán bộ về giúp một hay hai Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp giải quyết những việc đọng. Cán bộ của Tòa án nhân dân tỉnh sẽ giúp Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp phân loại các việc để giải quyết như sau:
a) Đối với những việc có thể hòa giải hoặc kiểm thảo ở xã được, Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp gửi về xã và có kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ cho các Ủy ban hành chính xã tổ chức hòa giải hoặc kiểm thảo.
b) Đối với những việc cần điều tra thêm hoặc cần lập hồ sơ gửi lên Tòa án nhân dân tỉnh thì Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp cần xúc tiến nhanh chóng. Nếu cần thì cán bộ của Tòa án nhân dân tỉnh phải ở lại huyện ít ngày để giúp Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp điều tra giải quyết những việc khó khăn.
Trong những việc đã đề ra ở trên, việc huấn luyện cho các Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp và giải quyết những việc đọng là những việc cấp bách. Muốn vậy, cần phải đánh thông tư tưởng cho các Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp để sửa chữa tư tưởng coi nhẹ công tác tư pháp ở huyện.
Liên Bộ mong rằng các Ủy ban hành chính khu, tỉnh nghiên cứu thông tư này đề ra thêm những chỉ thị cần thiết cho các Ủy ban hành chính huyện, châu, các Tòa án nhân dân khu, tỉnh phối hợp với Ủy ban hành chính cấp tương đương đặt kế hoạch giúp đỡ các Ủy ban hành chính huyện, châu về tư pháp.
Xin báo cáo về Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp kết quả thi hành thông tư này
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP |
- 1Thông tư 1869-VHC năm 1956 hướng xây dựng và củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất do Bộ Tư Pháp ban hành.
- 2Thông tư 772-TTg năm 1956 về việc kiện toàn công tác tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Sắc lệnh số 85/SL về việc cải cách bộ máy Tư pháp và Luật Tố tụng do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành
- 1Thông tư 1869-VHC năm 1956 hướng xây dựng và củng cố Ủy ban hành chính xã về mặt tư pháp sau cải cách ruộng đất do Bộ Tư Pháp ban hành.
- 2Thông tư 772-TTg năm 1956 về việc kiện toàn công tác tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Sắc lệnh số 85/SL về việc cải cách bộ máy Tư pháp và Luật Tố tụng do Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ cộng hoà ban hành
Thông tư 589-TP năm 1956 về việc chấn chỉnh công tác tư pháp ở những nơi Ủy ban hành chính huyện kiêm tư pháp do Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp ban hành
- Số hiệu: 589-TP
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 17/04/1956
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Phan Kế Toại, Vũ Đình Hoè
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 12
- Ngày hiệu lực: 02/05/1956
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra