Hệ thống pháp luật

Điều 5 Thông tư 56/2012/TT-BNNPTNT quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Điều 5. Hồ sơ, thẩm định, phê duyệt cải tạo rừng

1. Hồ sơ đề nghị cải tạo rừng

a) Đối với chủ rừng là tổ chức, hồ sơ gồm: Đề nghị cải tạo rừng theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này; thiết kế kỹ thuật cải tạo rừng quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Thông tư này; biên bản kiểm tra hiện trường theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn: Đề nghị cải tạo rừng, trong đó nêu rõ địa chỉ; mục tiêu cải tạo rừng; địa điểm, vị trí, ranh giới và lô, khoảnh, tiểu khu rừng cải tạo; hiện trạng rừng; phương thức cải tạo; loài cây trồng; thời hạn hoàn thành theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản kiểm tra hiện trường theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Cách thức nộp hồ sơ: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn nộp 01 (một) hồ sơ bản chính hồ sơ bản chính quy định tại Điểm a, b của Khoản này trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền quy định Điểm a, Khoản 2 của Điều này.

2. Thẩm định và phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng

a) Thẩm quyền

Tổng cục Lâm nghiệp thẩm định, phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng đối với Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam và các chủ rừng là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng đối với chủ rừng là tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn.

b) Tổ chức thẩm định

Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a của Khoản này tổ chức lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cải tạo rừng. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm đại diện các cơ quan, tổ chức khoa học có liên quan với số thành viên tối thiểu là 5 (năm); đại diện lãnh đạo cơ quan thẩm định là chủ tịch Hội đồng. Kết quả thẩm định của Hội đồng phải được lập thành biên bản có chữ ký của chủ tịch Hội đồng và ủy viên thư ký.

Ngay sau khi hoàn thành việc thẩm định, chủ tịch Hội đồng trình Thủ trưởng cơ quan xem xét phê duyệt hoặc không phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng.

c) Trình tự thẩm định phê duyệt

Trong thời hạn 20 (hai mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị cải tạo rừng, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải lập Hội đồng thẩm định, tổ chức thẩm định, phê duyệt hoặc lý do không phê duyệt hồ sơ và trả kết quả cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn đã đề nghị. Trường hợp cần phải xác minh thực địa thì thời gian phê duyệt hồ sơ cải tạo rừng được kéo dài không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn biết.

Thông tư 56/2012/TT-BNNPTNT quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  • Số hiệu: 56/2012/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 06/11/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hà Công Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra