Hệ thống pháp luật

Chương 4 Thông tư 56/2011/TT-BTC về hướng dẫn phương pháp tính toán chỉ tiêu giám sát và tổ chức hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia do Bộ Tài chính ban hành

Chương IV

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT NỢ CÔNG VÀ NỢ NƯỚC NGOÀI CỦA QUỐC GIA

Điều 12. Đối tượng giám sát

1. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ thuộc khu vực công.

2. Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác thực hiện vay và trả nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Mục tiêu giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia

1. Đảm bảo mục tiêu an toàn nợ, duy trì một danh mục nợ hợp lý trong giới hạn an toàn về nợ, đảm bảo sự bền vững nợ về mặt dài hạn, an ninh tài chính và tiền tệ quốc gia.

2. Xác định sớm các rủi ro tiềm ẩn đối với danh mục nợ và những tồn tại liên quan trong công tác quản lý nợ trong mối tương quan với môi trường kinh tế trong và ngoài nước.

3. Giúp cơ quan chủ trì giám sát nợ đề xuất với Chính phủ các biện pháp xây dựng, điều chỉnh danh mục nợ kịp thời khi cần thiết nhằm tối ưu hoá các phương án huy động vốn, giảm thiểu rủi ro và chi phí cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.

4. Làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong từng giai đoạn, phù hợp với các định hướng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước.

5. Giúp các tổ chức, đơn vị sử dụng vốn vay tự theo dõi quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của mình, nhận biết được những trường hợp bất thường để sớm có giải pháp khắc phục, phát triển.

6. Tăng cường minh bạch tài chính, tăng cường quản lý các nghĩa vụ dự phòng.

7. Nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Điều 14. Nguyên tắc giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia

1. Việc giám sát các chỉ tiêu về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia được thực hiện liên tục, thường xuyên.

2. Đảm bảo các quy định, hướng dẫn phải được tuân thủ, các kiến nghị đề xuất phải kịp thời, cụ thể và có tính khả thi.

3. Chi phí giám sát, phân tích, đánh giá về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Điều 15. Nội dung hoạt động giám sát

1. Giám sát đối với hệ thống các chỉ tiêu an toàn, hạn mức nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia theo quy định tại Chương 2 và 3 của Thông tư này.

2. Giám sát chuyên đề (thường xuyên, định kỳ) đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ, bao gồm:

a) Giám sát, đánh giá thực trạng và hiệu quả sử dụng vốn vay cấp phát ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư phát triển của các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương.

b) Giám sát, đánh giá thực trạng, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại.

c) Giám sát, đánh giá thực trạng, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ cho các chương trình/dự án của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh.

d) Giám sát, đánh giá thực trạng huy động và trả nợ của các doanh nghiệp, tổ chức theo phương thức tự vay tự trả nước ngoài.

Điều 16. Yêu cầu cung cấp thông tin và báo cáo

1. Bộ Tài chính yêu cầu đối tượng giám sát báo cáo tình hình thực hiện huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia với nội dung chính sau đây:

a) Mục đích, yêu cầu báo cáo;

b) Phạm vi và nội dung báo cáo;

c) Đề cương yêu cầu báo cáo;

d) Thời hạn nộp báo cáo của đối tượng giám sát;

đ) Trách nhiệm, quyền hạn của đối tượng giám sát;

e) Các nội dung khác có liên quan.

2. Việc cung cấp thông tin thực hiện theo quy định tại Nghị định số 79/2010/NĐ-CP về nghiệp vụ quản lý nợ công và Thông tư số 53/2011/TT-BTC ngày 27/4/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu biểu báo cáo và công khai thông tin về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

3. Căn cứ vào báo cáo, thông tin cung cấp của đối tượng giám sát, cơ quan giám sát nghiên cứu, phân tích, đánh giá các thông tin, tài liệu liên quan và xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả giám sát trong đó có kiến nghị về việc xử lý đối với các vấn đề phát sinh trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Thông tư 56/2011/TT-BTC về hướng dẫn phương pháp tính toán chỉ tiêu giám sát và tổ chức hoạt động giám sát nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 56/2011/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/04/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 337 đến số 338
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH