Chương 2 Thông tư 55/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn quản lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Điều 3. Xác định danh mục nhiệm vụ môi trường
1. Căn cứ xác định nhiệm vụ môi trường
a) Các chiến lược, chương trình mục tiêu, kế hoạch bảo vệ môi trường của Nhà nước và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
b) Các yêu cầu thực tiễn về bảo vệ môi trường thuộc các lĩnh vực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;
c) Định hướng ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Trên cơ sở các căn cứ xác định nhiệm vụ môi trường tại khoản 1 Điều 3, trước ngày 30 tháng 01 hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân đề xuất nhiệm vụ của năm kế hoạch.
3. Đề xuất nhiệm vụ môi trường được gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30 tháng 3 hàng năm theo mẫu Phiếu đề xuất nhiệm vụ môi trường (Biểu 1. PĐX-NVMT) ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Căn cứ phiếu đề xuất nhiệm vụ, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường:
a) Tập hợp danh mục đề xuất nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân;
b) Trình Bộ thành lập Hội đồng tư vấn hoặc mời chuyên gia tư vấn độc lập tổ chức đánh giá, lựa chọn các đề xuất;
c) Căn cứ vào kết quả tư vấn và yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trình lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt danh mục các nhiệm vụ môi trường trong năm kế hoạch (trước ngày 31 tháng 5 hàng năm).
5. Thông báo danh mục nhiệm vụ
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo danh mục các nhiệm vụ môi trường sau khi được phê duyệt trên trang thông tin điện tử của Bộ.
Điều 4. Điều kiện tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp
1. Các tổ chức tham gia đăng ký tuyển chọn hoặc được xét giao trực tiếp chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
a) Có tư cách pháp nhân;
b) Có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ;
c) Có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của nhiệm vụ môi trường.
2. Cá nhân chủ trì nhiệm vụ phải đáp ứng các yêu cầu sau:
a) Có trình độ đại học trở lên, có chuyên môn phù hợp và đang hoạt động trong cùng lĩnh vực khoa học với nhiệm vụ môi trường trong 5 năm gần đây, tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
b) Là người đề xuất phương án và chủ trì xây dựng thuyết minh nhiệm vụ môi trường;
c) Có đủ khả năng trực tiếp thực hiện hoặc tổ chức thực hiện và bảo đảm đủ thời gian để chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường.
Điều 5. Hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp
Hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp gồm các văn bản sau:
a) Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường (Biểu 2. ĐĐK-NVMT);
b) Thuyết minh tổng thể nhiệm vụ môi trường (Biểu 3. TMTT-NVMT);
Hồ sơ được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường gồm: một (01) bộ hồ sơ bản chính và chín (09) bộ hồ sơ bản sao. Hồ sơ phải đóng dấu của tổ chức, có chữ ký của cá nhân đăng ký chủ trì nhiệm vụ, được đóng gói, niêm phong.
1. Đối với các nhiệm vụ theo hình thức tuyển chọn
Hội đồng tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập. Hội đồng có từ 7 đến 9 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, hai thành viên là ủy viên phản biện và các thành viên khác. Các thành viên gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (không quá 1/3 số thành viên) và các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp. Cá nhân và tổ chức tham gia tuyển chọn không được là thành viên Hội đồng.
Tài liệu phục vụ họp Hội đồng tuyển chọn gồm: Phiếu nhận xét hồ sơ đăng ký tuyển chọn nhiệm vụ môi trường (Biểu 4. PNX-NVMT), Phiếu đánh giá hồ sơ đăng ký tuyển chọn nhiệm vụ môi trường (Biểu 5.PĐG-NVMT), Biên bản họp hội đồng tuyển chọn nhiệm vụ môi trường (Biểu 6.BBTC-NVMT) và Biên bản kiểm phiếu (Biểu 6a.BBKP-NVMT) ban hành kèm theo Thông tư này.
Hội đồng tuyển chọn đánh giá hồ sơ thuyết minh theo thang điểm 100.
Tổ chức được chọn chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường khi có Hồ sơ tham gia tuyển chọn đạt điểm cao nhất và có điểm đánh giá của Hội đồng trên 70 điểm.
Trong 15 ngày làm việc kể từ khi có kết quả tuyển chọn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân được chọn chủ trì nhiệm vụ môi trường hoàn thiện lại Thuyết minh nhiệm vụ.
Trong 15 ngày làm việc kể từ khi được thông báo kết quả tuyển chọn, tổ chức và cá nhân chủ trì nhiệm vụ môi trường hoàn thiện Thuyết minh theo góp ý của Hội đồng, nộp cho Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để thẩm định nội dung và kinh phí.
Trong 15 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đã được hoàn thiện, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với Vụ Tài chính thẩm định Thuyết minh và dự toán tổng thể. Việc thẩm định nội dung và kinh phí hàng năm do tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường phê duyệt.
2. Đối với các nhiệm vụ giao trực tiếp
Căn cứ vào hồ sơ và điều kiện của tổ chức tham gia được giao trực tiếp, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tổ chức, cá nhân được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường.
Hội đồng thẩm định Thuyết minh tổng thể và dự toán tổng thể kinh phí do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập.
Hội đồng đánh giá theo thang điểm 100, hồ sơ đạt yêu cầu khi có điểm đánh giá của Hội đồng trên 70 điểm.
Điều 7. Tổng hợp kế hoạch bảo vệ môi trường
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính tổng hợp danh mục và dự toán các nhiệm vụ môi trường đã được thẩm định, trình lãnh đạo Bộ để lấy ý kiến thống nhất của các Bộ có liên quan trước ngày 25 tháng 7 hàng năm.
Điều 8. Phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ môi trường
1. Căn cứ kế hoạch ngân sách hàng năm về bảo vệ môi trường được giao cho
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính trình Bộ phê duyệt kế hoạch và phân bổ kinh phí thực hiện nhiệm vụ môi trường.
2. Căn cứ kế hoạch, kinh phí được phân bổ, việc phê duyệt thuyết minh và dự toán tổng thể được thực hiện như sau:
a) Đối với các nhiệm vụ môi trường do Tổng cục thuộc Bộ được giao quản lý, các Tổng cục chủ trì phê duyệt thuyết minh và dự toán tổng thể;
b) Đối với các nhiệm vụ môi trường còn lại, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính phê duyệt thuyết minh và dự toán tổng thể.
3. Cơ quan quản lý nhiệm vụ môi trường chủ trì phối hợp với đơn vị có liên quan ký hợp đồng với tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường theo mẫu hợp đồng nhiệm vụ môi trường (Biểu 7.HĐ-NVMT) ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 9. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ môi trường
1. Cơ quan quản lý các nhiệm vụ môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, các chuyên gia tư vấn (nếu cần) tổ chức kiểm tra định kỳ việc thực hiện các nhiệm vụ môi trường ít nhất mỗi năm 01 lần, không kể kiểm tra đột xuất. Mẫu biên bản kiểm tra nhiệm vụ môi trường theo Biểu 8.BBKT-NVMT ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc đột xuất, tổ chức chủ trì nhiệm vụ môi trường báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện nhiệm vụ môi trường gửi về cơ quan quản lý nhiệm vụ môi trường. Mẫu báo cáo định kỳ nhiệm vụ môi trường theo Biểu 9.BCĐK-NVMT ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Khi có thay đổi, bổ sung nội dung thực hiện nhiệm vụ môi trường, tổ chức chủ trì nhiệm vụ phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhiệm vụ môi trường để xem xét trình Bộ phê duyệt nội dung điều chỉnh. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ chỉ được thực hiện các nội dung đã được Bộ đồng ý bằng văn bản.
Mục III. NGHIỆM THU VÀ GIAO NỘP KẾT QUẢ
Điều 10. Đánh giá kết quả nhiệm vụ
1. Đánh giá kết quả hàng năm
Đánh giá kết quả hàng năm được thực hiện mỗi năm 1 lần. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ môi trường đánh giá kết quả thực hiện hàng năm và báo cáo kết quả về cơ quan quản lý nhiệm vụ. Báo cáo năm vận dụng theo mẫu báo cáo định kỳ nhiệm vụ môi trường (Biểu 9.BCĐK-NVMT) ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đánh giá nghiệm thu
a) Nhiệm vụ môi trường sau khi hoàn thành được đánh giá nghiệm thu theo hai cấp: Hội đồng cấp cơ sở và cấp Bộ;
b) Đối với các nhiệm vụ môi trường mà sản phẩm được ban hành là các báo cáo phục vụ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn, các hoạt động phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về môi trường của Bộ (thanh tra, kiểm tra, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn, tuyên truyền) thì không tổ chức Hội đồng nghiệm thu, nhưng tổ chức chủ trì phải có báo cáo kết quả triển khai kèm sản phẩm để cơ quan quản lý xác nhận hoàn thành. Mẫu văn bản xác nhận hoàn thành nhiệm vụ môi trường được quy định tại Biểu 10.XNCV-NVMT ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 11. Tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở
Việc đánh giá nghiệm thu ở hội đồng cấp cơ sở phải thực hiện trong vòng 25 ngày làm việc kể từ khi kết thúc thời gian thực hiện nhiệm vụ môi trường.
1. Hồ sơ nghiệm thu cấp cơ sở gồm:
a) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ (Biểu 11.BCKQ-NVMT);
b) Hợp đồng;
c) Thuyết minh tổng thể;
d) Các sản phẩm trung gian, báo cáo chuyên đề (nếu có);
đ) Báo cáo đánh giá hàng năm (nếu có);
e) Biên bản kiểm tra (nếu có).
Số lượng gồm một (01) bộ hồ sơ bản chính và chín (09) bộ hồ sơ bản sao. Hồ sơ có chữ ký của cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường.
2. Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở do Thủ trưởng tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường thành lập sau khi nhận được đề nghị nghiệm thu của chủ trì nhiệm vụ. Hội đồng có từ 7 đến 9 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, hai thành viên là ủy viên phản biện và các thành viên khác. Các thành viên gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (không quá 1/3 số thành viên) và các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp. Cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ không được là thành viên Hội đồng.
Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở có trách nhiệm xem xét, đánh giá nội dung, sản phẩm; phương pháp thực hiện, mức độ hoàn thành của tài liệu báo cáo và sản phẩm so với thuyết minh được phê duyệt và kết luận cụ thể về các vấn đề còn tồn tại và cần chỉnh sửa, bổ sung. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường theo một trong hai mức “Đạt” hoặc “Không đạt”. Mức “Đạt” gồm các mức: “Xuất sắc”, “Khá”, “Trung bình”.
Tài liệu phục vụ đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở gồm: Phiếu nhận xét nghiệm thu nhiệm vụ môi trường (Biểu 12.PNXNT- NVMT), Phiếu đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ môi trường (Biểu 13. PĐGNT- NVMT), Biên bản nghiệm thu nhiệm vụ môi trường (Biểu 14.BBNT- NVMT) và Biên bản kiểm phiếu (Biểu 14a.BBKP-NVMT) ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 12. Tổ chức đánh giá nghiệm thu cấp Bộ
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ khi đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở, tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ môi trường phải hoàn thiện và nộp hồ sơ về cơ quan quản lý để đánh giá nghiệm thu cấp Bộ.
1. Hồ sơ đánh giá nghiệm thu cấp Bộ gồm:
a) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ (Biểu 11.BCKQ-NVMT);
b) Hợp đồng (đối với nhiệm vụ thực hiện ký hợp đồng);
c) Thuyết minh tổng thể;
d) Các sản phẩm trung gian, báo cáo chuyên đề (nếu có);
đ) Báo cáo đánh giá hàng năm (nếu có);
e) Biên bản kiểm tra (nếu có);
g) Công văn đề nghị nghiệm thu cấp Bộ (Biểu 15.CVNT-NVMT) kèm theo bản giải trình tiếp thu và chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở.
h) Biên bản nghiệm thu cấp cơ sở.
Số lượng gồm một (01) bộ hồ sơ bản chính và chín (09) bộ hồ sơ bản sao. Hồ sơ có dấu của tổ chức, chữ ký của cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường.
2. Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập. Hội đồng có từ 7 đến 9 thành viên, gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, hai thành viên là ủy viên phản biện và các thành viên khác. Các thành viên gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (không quá 1/3 số thành viên) và các chuyên gia có trình độ chuyên môn phù hợp. Cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ không được là thành viên Hội đồng. Tổ chức chủ trì nhiệm vụ không được có quá 01 người tham gia vào hội đồng và không được làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, phản biện hoặc thư ký Hội đồng.
Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ họp chính thức hợp lệ khi có từ 2/3 số thành viên trở lên tham dự, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó chủ tịch được chủ tịch ủy quyền. Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường theo một trong hai mức “Đạt” hoặc “Không đạt”. Mức “Đạt” gồm các mức: “Xuất sắc”, “Khá”, “Trung bình”.
Tài liệu phục vụ đánh giá nghiệm thu cấp Bộ gồm: Phiếu nhận xét nghiệm thu nhiệm vụ môi trường (Biểu 12.PNXNT- NVMT), Phiếu đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ môi trường (Biểu 13.PĐGNT- NVMT), Biên bản nghiệm thu nhiệm vụ môi trường (Biểu 14.BBNT- NVMT) và biên bản kiểm phiếu (Biểu 14a.BBKP- NVMT) ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 13. Công nhận kết quả và thanh lý hợp đồng
1. Những nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Bộ đánh giá mức “Đạt”, trong thời gian 30 ngày làm việc, chủ trì nhiệm vụ phải hoàn chỉnh hồ sơ nhiệm vụ theo ý kiến đóng góp của Hội đồng, nộp cơ quan quản lý nhiệm vụ. Hồ sơ gồm:
a) 01 Báo cáo hoàn chỉnh (bản in);
b) 01 bản mềm trên đĩa CD (báo cáo hoàn chỉnh và các sản phẩm của nhiệm vụ).
2. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác nhận hoàn thành nhiệm vụ và thanh lý hợp đồng nhiệm vụ môi trường theo các quy định hiện hành (Biểu 16.TLHĐ-NVMT) ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Hồ sơ nhiệm vụ được lưu tại Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cơ quan quản lý nhiệm vụ môi trường và lưu trữ theo quy định, báo cáo tóm tắt kết quả được đăng trên trang Web về khoa học công nghệ của Bộ.
Thông tư 55/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn quản lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Điều 3. Xác định danh mục nhiệm vụ môi trường
- Điều 4. Điều kiện tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp
- Điều 5. Hồ sơ tham gia tuyển chọn, giao trực tiếp
- Điều 6. Lựa chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ môi trường, thẩm định và phê duyệt thuyết minh tổng thể
- Điều 7. Tổng hợp kế hoạch bảo vệ môi trường
- Điều 8. Phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ môi trường
- Điều 9. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ môi trường