Điều 12 Thông tư 54/2011/TT-BGTVT về Quy định báo hiệu và thông báo hàng hải do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Điều 12. Phân loại thông báo hàng hải
Căn cứ vào mục đích sử dụng, thông báo hàng hải được phân loại như sau:
1. Thông báo hàng hải về hoạt động của báo hiệu hàng hải:
a) Thông báo hàng hải về việc thiết lập mới báo hiệu hàng hải: Các báo hiệu hàng hải thị giác, vô tuyến điện, âm thanh sau khi được thiết lập phải được công bố thông báo hàng hải về vị trí, tác dụng, đặc tính hoạt động của báo hiệu đó theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này;
b) Thông báo hàng hải về việc thay đổi đặc tính hoạt động của báo hiệu hàng hải: Khi báo hiệu hàng hải được thay đổi đặc tính hoạt động so với đặc tính đã được thông báo thì phải công bố thông báo hàng hải về các thay đổi đó theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;
c) Thông báo hàng hải về việc tạm ngừng hoạt động của báo hiệu hàng hải: Khi báo hiệu hàng hải không còn khả năng hoạt động theo đúng đặc tính đã được thông báo thì phải công bố thông báo hàng hải về việc tạm ngừng hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này;
d) Thông báo hàng hải về việc phục hồi hoạt động của báo hiệu hàng hải: Sau khi đã sửa chữa xong sự cố của báo hiệu hàng hải thì phải công bố thông báo hàng hải về việc phục hồi hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này;
đ) Thông báo hàng hải về việc chấm dứt hoạt động của báo hiệu hàng hải: Sau khi báo hiệu hàng hải không còn tác dụng, được thu hồi thì phải công bố thông báo hàng hải về việc chấm dứt hoạt động của báo hiệu hàng hải đó theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này.
2. Thông báo hàng hải về các thông số kỹ thuật của luồng hàng hải, luồng nhánh cảng biển, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng quay trở tàu, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch:
a) Thông báo hàng hải về luồng hàng hải, khu neo đậu, vùng quay trở tàu, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, khu tránh bão được công bố định kỳ. Bộ Giao thông vận tải công bố Danh mục khảo sát định kỳ các tuyến luồng hàng hải và các vùng, khu vực nêu trên để công bố thông báo hàng hải theo đề nghị của các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải;
b) Luồng nhánh cảng biển, vùng nước trước cầu cảng, khu chuyển tải phải được khảo sát độ sâu định kỳ ít nhất mỗi năm một lần để công bố thông báo hàng hải;
c) Luồng hàng hải, luồng nhánh cảng biển và các vùng, khu vực quy định tại khoản này, sau khi xây dựng hoặc nạo vét, duy tu, cải tạo, nâng cấp phải được khảo sát độ sâu và rà quét chướng ngại vật để công bố thông báo hàng hải;
d) Các Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải có trách nhiệm khảo sát độ sâu và rà quét chướng ngại vật luồng hàng hải, khu neo đậu, vùng quay trở, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, khu tránh bão để công bố thông báo hàng hải;
đ) Việc khảo sát độ sâu và rà quét chướng ngại vật của các vùng nước trước cầu cảng, luồng nhánh cảng biển, khu chuyển tải có thể do tổ chức có chức năng đo đạc, khảo sát thực hiện. Tổ chức có thẩm quyền công bố thông báo hàng hải có trách nhiệm thẩm tra lại kết quả khảo sát trước khi công bố thông báo hàng hải;
e) Các thông báo hàng hải quy định tại khoản này theo mẫu quy định tại Phụ lục VIa và VIb của Thông tư này.
3. Thông báo hàng hải về chướng ngại vật nguy hiểm mới phát hiện: Khi có tai nạn, sự cố hàng hải gây chìm đắm tàu hoặc khi phát hiện có chướng ngại vật gây mất an toàn hàng hải thì phải công bố thông báo hàng hải về các chướng ngại vật đó theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này.
4. Thông báo hàng hải về khu vực thi công công trình trên biển hoặc trên luồng hàng hải: Khu vực thi công công trình trên biển hoặc luồng hàng hải gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải, phải công bố thông báo hàng hải về công trình đó theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII của Thông tư này.
5. Thông báo hàng hải về việc phân luồng giao thông hàng hải hoặc hạn chế lưu thông, tạm ngừng hoạt động của tuyến luồng hàng hải: Trong trường hợp đặc biệt cần yêu cầu tàu thuyền, phương tiện chuyển hướng khỏi tuyến hành trình, hạn chế lưu thông hoặc tạm ngừng hoạt động của tuyến luồng hàng hải, phải công bố thông báo hàng hải về việc phân luồng giao thông hàng hải, hạn chế lưu thông hoặc tạm ngừng hoạt động của tuyến luồng hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục IX của Thông tư này.
6. Thông báo hàng hải về khu vực biển hạn chế hoặc cấm hoạt động hàng hải: Trong trường hợp một khu vực biển được sử dụng cho hoạt động diễn tập quân sự, khu vực đổ chất thải, khu vực cấm neo đậu, hoạt động tìm kiếm cứu nạn, diễn tập tìm kiếm cứu nạn, hoạt động thể thao, khu vực xảy ra sự cố tràn dầu hoặc chất độc hại, khu vực đổ đất, nghiên cứu khoa học hay các hoạt động dân sự khác, do tính chất công việc có thể gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại trong khu vực biển đó, phải công bố thông báo hàng hải về khu vực nêu trên theo mẫu quy định tại Phụ lục X của Thông tư này.
Thông tư 54/2011/TT-BGTVT về Quy định báo hiệu và thông báo hàng hải do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Điều 4. Nguyên tắc đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải
- Điều 5. Quy hoạch phát triển hệ thống báo hiệu hàng hải
- Điều 6. Đầu tư xây dựng báo hiệu hàng hải
- Điều 7. Thủ tục đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng
- Điều 8. Trách nhiệm quản lý báo hiệu hàng hải
- Điều 9. Trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành báo hiệu hàng hải
- Điều 10. Bảo vệ báo hiệu hàng hải
- Điều 11. Nguyên tắc công bố thông báo hàng hải
- Điều 12. Phân loại thông báo hàng hải
- Điều 13. Nội dung và yêu cầu của thông báo hàng hải
- Điều 14. Thẩm quyền công bố thông báo hàng hải
- Điều 15. Thủ tục công bố thông báo hàng hải
- Điều 16. Truyền phát thông báo hàng hải
- Điều 17. Cung cấp thông tin thông báo hàng hải